CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Các hãng dược lớn không mặn mà làm vaccin
Độc quyền vaccin corona thuộc về ai?
Daniel Menichella (phải), Giám đốc điều hành CureVac, tham gia cuộc gặp gỡ với Tổng thống Donald Trump ở Washington hôm 2-3. Hiện nay, ông đã rời ghế giám đốc điều hành CureVac. Ảnh: AP |
Thuyết phục CureVac làm việc độc quyền cho Mỹ
Hôm 15-3, các nguồn tin của Reuters cho biết chính phủ Mỹ đang tìm cách tiếp cận một loại vắc-xin phòng ngừa virus corona mà hãng CureVac có trụ sở ở TP. Tuebingen (Đức) đang phát triển.
Cùng ngày, báo Welt am Sonntag của Đức cho hay Tổng thống Mỹ Donald Trump hứa cung cấp các khoản tiền lớn trị giá đến 1 tỉ đô la Mỹ để thuyết phục CureVac cùng các nhà khoa học của hãng này đến Mỹ phát triển vắc-xin nhưng chính phủ Đức đã nhanh chóng đưa ra các hỗ trợ tài chính để giữ chân công ty này ở lại Đức.
Welt am Sonntag dẫn lời một nguồn tin chính phủ Đức giấu tên nói rằng, Tổng thống Trump đang tìm cách thuyết phục các nhà khoa học của CureVac làm việc độc quyền cho Mỹ và sẽ làm bất cứ điều gì để hỗ trợ hãng này sản xuất vắc-xin Covid-19 chỉ dành riêng cho nước Mỹ.
Thông tin này dường như có cơ sở vì hồi đầu tháng 3, Daniel Menichella, Giám đốc điều hành CureVac, đã đến Washington để gặp Tổng thống Donald Trump, Phó Tổng thống Mike Pence và các thành viên của Ban chuyên trách ứng phó Covid-19 của Nhà Trắng, cũng như đại diện cấp cao của các công ty dược phẩm và công nghệ sinh học để thảo luận chiến lược sản xuất vắc-xin phòng ngừa Covid-19.
Điều đáng nói là sau chuyến thăm này, hôm 11-2, ông Daniel Menichella đột ngột rời ghế giám đốc điều hành CureVac và người tiếp quản chiếc ghế này là Ingmar Hoerr, Chủ tịch Hội đồng quản trị CureVac.
Phản ứng trước các thông tin trên, Đại sứ Mỹ tại Đức, Richard Grenell, viết trên Twitter: “Câu chuyện của báo Welt am Sonntag là sai sự thật”.
Một quan chức khác của chính phủ Mỹ nói: “Câu chuyện này đã bị phóng đại quá mức. Chúng tôi sẽ tiếp tục đàm phán với bất kỳ công ty nào đưa ra các tuyên bố có thể giúp ích (cho việc chống lại dịch bệnh Covid-19). Bất kỳ giải pháp nào được tìm ra sẽ được chia sẻ với thế giới”.
Tuần trước, Florian von der Muelbe, người đồng sáng lập kiêm Giám đốc sản xuất CureVac, tiết lộ CureVac đã phát triển nhiều loại vắc-xin có khả năng phòng ngừa bệnh Covid-19 và giờ đây đã chọn ra được hai loại vắc-xin liều thấp tốt nhất để tiến hành các cuộc thử nghiệm lâm sàng.
Công ty này hy vọng có thể sẵn sàng thử nghiệm vào tháng 6 hoặc tháng 7 tới, sau đó xin phép các cơ quan quản lý cho phép thử nghiệm ở người.
Florian von der Muelbe cho hay CureVac đủ khả năng sản xuất 10 triệu liều vắc-xin phòng ngừa Covid-19 trong một chu kỳ sản xuất kéo dài vài tuần.
CureVac được thành lập vào năm 2000 có các chi nhánh ở Frankfurt (Đức) và Boston (Mỹ). Vào các năm 2015 và 2018, CureVac đã nhận được các khoản đầu tư từ Quỹ từ thiện Bill & Melinda Gates Foundation của vợ chồng tỉ phú Bill Gates, tổ chức đang ủng hộ các nỗ lực phát triển vắc-xin phòng ngừa bệnh sốt rét và bệnh cúm.
Hiện nay, CureVac đang hợp tác với Viện Paul-Ehrlich, một cơ quan nghiên cứu vắc-xin và y sinh học thuộc Bộ Y tế Đức.
CureVac là một trong số các nhà sản xuất vắc-xin nhận được nguồn tài chính hỗ trợ của Liên minh Sáng kiến sẵn sàng ứng phó dịch bệnh (CEPI), có các văn phòng đặt tại London và Washington D.C. Hồi tháng 1, CureVac nhận được 8,3 triệu đô la từ CEPI.
CureVac đang cạnh tranh với hai đối thủ công nghệ sinh học Moderna (Mỹ) và BioNTech (Đức) trong một lĩnh vực được gọi là liệu pháp mRNA. mRNA là RNA (axit ribonucleic) mã hóa và mang thông tin từ ADN tới vị trí thực hiện tổng hợp protein.
Các thuốc dựa vào mRNA được tiêm vào cơ thể người để hướng dẫn các tế bào sản xuất các loại protein tổng hợp như kỳ vọng. Trong trường hợp vắc-xin, mRNA sẽ khiến các tế bào trong cơ thể sản xuất các kháng nguyên, tức các phân tử chỉ điểm trên bề mặt của virus để thúc đẩy hệ thống miễn dịch chống lại chúng.
Giới lãnh đạo chính trị Đức phẫn nộ
Philipp Hoffmann, một trong những nhà khoa học của hãng dược phẩm sinh học CureVac, đang tham gia phát triển vắc-xin phòng ngừa Covid-19 tại một phòng thí nghiệm ở Đức. Ảnh: Reuters |
Hôm qua, hãng CureVac ra tuyên bố bác bỏ những lời dồn nói rằng công ty hoặc công nghệ vắc-xin của công ty này đang bị thâu tóm.
Dietmar Hopp, tân Giám đốc điều hành CureVac, cho biết ông không bán CureVac và muốn công ty phát triển vắc-xin để cứu mọi người không chỉ trong khu vực mà còn khắp trên thế giới.
Bärbel Bas, phó lãnh đạo nhóm nghị sĩ của đảng Dân chủ xã hội Đức (SPD) tại Quốc hội Đức, nói: “Đây là vấn đề đạo đức, chứ không còn là vấn đề kinh tế và quốc gia nữa. Nếu có một vắc-xin giúp phòng ngừa Covid-19, nó phải được cung cấp cho tất cả mọi người. Trong một đại dịch, vắc-xin phục vụ cho mọi người, chứ không phải phục vụ chính sách "nước Mỹ trên hết"".
Christian Lindner, lãnh đạo của Đảng Dân chủ tự do của Đức cáo buộc ông Trump đang tìm cách vận động tái cử trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào cuối năm nay thông qua câu chuyện liên quan đến CureVac. Ông nói: “Rõ ràng, ông Trump sẽ dùng mọi cách có thể trong một cuộc vận động tranh cử.
Nghị sĩ Erwin Rueddel, thành viên Ủy ban Y tế quốc hội Đức bày tỏ: “Giờ đây, hợp tác quốc tế là vấn đề quan trọng, chứ không phải tư lợi quốc gia”.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Y tế Đức, xác nhận thông tin của báo Welt am Sonntag và nói rằng chính phủ Đức rất quan tâm đến việc bảo đảm nguồn cung vắc-xin và các hoạt chất chống virus corona đang được phát triển tại Đức và châu Âu.
Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho biết không có chuyện CureVac bị thâu tóm và Bộ Y tế Đức đang đàm phán rất tốt với CureVac trong hai tuần qua. Ông nói rằng CureVac chỉ sản xuất vắc-xin “cho toàn thể thế giới, chứ không phải cho một quốc gia riêng lẻ nào”.
Bộ trưởng Nội vụ Đức, Horst Seehofer, cho biết Ủy ban Ứng phó khủng hoảng Covid-19 sẽ thảo luận vụ việc liên quan đến CureVac vào hôm nay (16-3).
Trò chuyện với kênh truyền hình ARD, Bộ trưởng Kinh tế Đức, Peter Altmaier, thẳng thừng nói rằng: “Nước Đức không phải để bán”.
Người phát ngôn Bộ Kinh tế Đức cho biết luật thương mại nước ngoài của Đức cho phép nhà chức trách ở nước này thẩm tra các thương vụ thâu tóm từ các nước thứ ba bên ngoài Liên minh châu Âu (EU) nếu lợi ích an ninh quốc gia Đức hay châu Âu bị đe dọa.
Theo Reuters, Guardian, DW