CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Nâng vị thế rau quả Việt trên thị trường cao cấp

Invest Global 08:17 18/06/2021

Xuất khẩu rau quả đã có đà phục hồi tốt từ đầu năm 2021 đến nay, nhất là khi nhận được nhiều tín hiệu tích cực từ những thị trường như EU, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Nga… Việc tiếp cận thành công những thị trường cao cấp này giúp nâng vị thế của rau quả Việt, mở ra cơ hội thâm nhập sâu hơn nữa. 

Sau khi xuất khẩu (XK) lô vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) đầu tiên đến thị trường EU hồi tuần trước, sang tuần này CTCP Pacific Foods lại tiếp tục XK chính ngạch vào EU lô vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) tới 27 quốc gia với hơn 430 triệu dân này để hưởng những ưu đãi từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu  Âu (EVFTA).

Tín hiệu tích cực

Việc liên tục XK vải thiều (theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP) vào thị trường cao cấp và khó tính như EU được kỳ vọng sẽ tạo ra sức bật mới cho công ty này, đồng thời hỗ trợ cho phía doanh nghiệp (DN) có cơ hội phát triển thương hiệu tốt hơn.

XK rau quả từ đầu năm đến nay đang có đà phục hồi tăng trưởng tốt, có nhiều tín hiệu tích cực từ thị trường cao cấp như EU, Mỹ.

Theo ông Chung Trí Phong, Tổng Giám đốc Pacific Foods, việc tiếp cận thành công thị trường cao cấp đã nâng vị thế của sản phẩm rau quả, mở ra cơ hội cho quả vải Việt đến với thị trường mới. Sản phẩm này được các đối tác nhập khẩu kiểm tra hệ thống quản lý sản xuất và chấp nhận về phần mềm giám sát. 

“Chúng tôi có quy trình sơ chế và bảo quản, đảm bảo chất lượng từ thu hoạch đến tay người tiêu dùng, nhờ vậy trái vải luôn được người tiêu dùng tại châu Âu ưa chuộng, đánh giá cao do chất lượng vượt trội, thơm ngon và an toàn”, ông Phong nói.

Chứng kiến lô vải thiều đầu tiên có xuất xứ từ Lục Ngạn (Bắc Giang) đi EU được làm thủ tục tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài hôm 15/6, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, nông nghiệp Việt Nam đã tham gia hiệp định thương mại tự do (FTA), được ký kết với các đối tác liên quan như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), EVFTA. Những FTA này đã có tín hiệu tích cực, các mặt hàng nông sản của Việt Nam đã và đang tận hưởng những ưu đãi thuế quan”.

“Vải thiều Bắc Giang và Hải Dương là vùng vải trọng điểm, có thương hiệu quốc gia nên việc vươn ra thị trường thế giới đã khẳng định giá trị nông sản Việt Nam, mang sản phẩm của quốc gia điền lên bản đồ toàn cầu”, ông Toản chia sẻ.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 chưa có dấu hiệu thuyên giảm, vẫn đang là rào cản lớn cho trở lại “bình thường mới” giữa các quốc gia, thì việc có những DN Việt vẫn đang tích cực tìm kiếm, kết nối và thành công đưa rau quả Việt sang thị trường EU như trên là điều rất đáng để khích lệ.

Những đánh giá cho thấy, thị trường EU cùng với các thị trường cao cấp khác như Mỹ, Nhật Bản, Nga, Australia… cũng đang có nhiều tín hiệu tích cực đối với việc XK rau quả của Việt Nam từ đầu năm đến nay. Điều này góp phần vào đà phục hồi tăng trưởng cho XK rau quả sau giai đoạn ảm đạm hồi năm rồi do tác động của dịch Covid-19.

Cơ hội thâm nhập sâu hơn

Theo đó, chỉ tính trong 5 tháng đầu năm 2021, XK mặt hàng rau quả của Việt Nam ước đạt 1,77 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng hồi tháng 5 vừa qua, kim ngạch XK hàng rau quả đạt 400 triệu USD, tăng đến 48,3% so với hồi tháng 5 năm 2020.

Với thị trường Mỹ, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Vina T&T Group, tin rằng thời gian tới sẽ tiếp tục tăng trưởng vì hiện nay các DN Việt đã đa dạng nhiều mặt hàng rau quả vào Mỹ. Không những vậy, thị trường này đã thích ứng được với dịch bệnh, người tiêu dùng đã tiêu dùng một cách bình thường nên doanh số XK rau quả cũng tăng lên.

Trở lại việc đưa rau quả thâm nhập sâu EU, trao đổi với VnBusiness, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết thị trường này không có hạn chế gì về mặt hàng rau quả của Việt Nam. Tức là mặt hàng rau quả nào cũng có thể xuất được, với điều kiện là có xuất xứ ở Việt Nam, đạt tiêu chuẩn về chất lượng, dư lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của họ. Và nhất là phải có người mua, người bán.

“Để đưa mặt hàng rau quả đi EU thì quan trọng nhất là việc kiểm tra về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật rất nghiêm ngặt. Nếu muốn tiếp tục gia tăng kim ngạch XK vào thị trường cao cấp này thì việc trồng trọt rau quả phải đạt được những tiêu chuẩn của họ”, ông Nguyên nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo vị Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xúc tiến thương mại cho rau quả Việt vào EU. Cho nên vai trò của các tham tán thương mại của Việt Nam tại EU là rất quan trọng.

Còn với thị trường Mỹ, theo ông Nguyên thì thị trường này đòi hỏi chất lượng rất cao nên nếu DN nào xuất hàng được vào thị trường này phải được chăm chút vào khâu đất trồng, đến giống đến chế biến, tất cả các khâu đều phải hiện đại. Một khi DN bán được rau quả ở thị trường Mỹ thì sẽ bán được ở tất cả các thị trường.

Trong việc XK rau quả Việt vào các thị trường cao cấp hiện nay, giới chuyên gia nhấn mạnh việc xây dựng hình ảnh và thương hiệu của các DN trong nước cần bắt nguồn từ chính câu chuyện về hành trình của sản phẩm rau quả từ lúc hình thành, phát triển, cho đến khi đến tận tay khách hàng quốc tế. 

Nhất là việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đây được xem là công cụ giúp người dùng không những được trải nghiệm quá trình sản xuất ra sản phẩm mà còn có cơ hội thưởng thức giá trị về lịch sử, địa lý, hiểu rõ về cách thức chăm sóc và quy trình để tạo nên sản phẩm. 

                        Thế Vinh

Doanh nghiệp - Doanh nhân