CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Ngân hàng lên tiếng về ‘siết’ cho vay bất động sản

Invest Global 08:26 08/06/2022

Nhiều doanh nghiệp và cá nhân mua nhà than thở khó tiếp cận tín dụng, tuy nhiên, các ngân hàng khẳng định không “siết” vốn đổ vào lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là cho vay nhóm khách hàng có nhu cầu mua nhà ở thực và chủ đầu tư uy tín.

Tại buổi tọa đàm “Khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản”, được tổ chức ngày 7/6, ông Võ Văn Hoàng, Giám đốc Đầu tư Tập đoàn Bất động sản Vạn Xuân phản ánh doanh nghiệp này đã bị ách tắc một khoản vay dang dở 2.000 tỷ đồng cho dự án đang triển khai, do phía ngân hàng thông báo hết room. Trong khi đó, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ông Đào Minh Tú, khẳng định là không siết tín dụng.

Tín dụng bất động sản vẫn trong tầm kiểm soát

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến cuối tháng 4 tổng dư nợ đối với lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng đạt hơn 2,288 triệu tỷ đồng, tăng 10,19% so với cuối năm 2021 và chiếm tỷ trọng 20,44% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong đó, tỷ lệ nợ xấu là 1,62% (tương đương 37.000 tỷ đồng).

BDS-jpeg-6208-1654599245.jpg

Các ngân hàng cho biết vẫn ưu tiên cho vay đối với các chủ đầu tư có kinh nghiệm và các dự án tốt.

Lãnh đạo các ngân hàng cho biết, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản đều không vượt quá 30% tổng dư nợ cho vay khách hàng. Thậm chí, nhiều nhà băng còn kiểm soát tỷ trọng này ở mức dưới 20%.

Ông Nguyễn Đình Vinh, Phó Tổng giám đốc Vietinbank cho biết, dư nợ bất động sản tính đến thời điểm hiện tại đang chiếm khoảng 20% danh mục tín dụng của nhà băng này. Cho vay tiêu dùng bất động sản tăng khoảng 24% so với đầu năm. Nợ xấu cho vay bất động sản chỉ khoảng 0,3%.

Theo ông Vinh, bất động sản vẫn là một lĩnh vực khiến các ngân hàng yên tâm trong việc cho vay nhờ có tài sản thế chấp cộng với nhu cầu thực của người dân và tốc độ tăng trưởng kinh tế xã hội. Bởi khi xuất hiện nợ xấu, các doanh nghiệp bất động sản bán dự án hoặc phát triển lại dự án thì hoàn toàn có thể trả nợ tiền gốc cộng với 5 - 7 năm nợ lãi của ngân hàng.

Còn theo lãnh đạo BIDV, cho vay bất động sản tại BIDV tính đến hết ngày 31/5/2022, dư nợ tín dụng của BIDV tăng trưởng 6,51%. Riêng tốc độ tăng trưởng tín dụng cho vay tiêu dùng (trong đó có cho vay mua nhà) tăng gần 14%.

Tại OCB, trong tháng 5 vừa qua, dư nợ tín dụng mảng bán lẻ của ngân hàng đã tăng đến 20%. Ông Nguyễn Văn Hương, giám đốc khối bán lẻ cho biết: "OCB xác định nhóm khách hàng trọng tâm là nhóm khách hàng mua bất động sản, cụ thể là những người có nhu cầu mua nhà để ở thật. Trong đó, đối với tín dụng cho vay bất động sản tiêu dùng, chúng tôi hướng đến nhóm đối tượng trẻ, mới đi làm hoặc mới lập gia đình, có giá trị tích lũy và thu nhập ở mức trung bình, trung bình khá. Đây là nhóm khách hàng chiến lược của OCB”.

Hầu hết các ngân hàng đều khẳng định, sẽ kiểm soát chặt tín dụng bất động sản nhưng không có nghĩa là dòng tiền không vào lĩnh vực này nữa mà chỉ hạn chế vào những phân khúc đầu cơ, rủi ro của những dự án lớn.

Tiếp tục cho vay nhưng thẩm định chặt chẽ hơn

Liên quan đến thông tin các ngân hàng “siết” vốn cho vay bất động sản, Phó Thống đốc  Đào Minh Tú khẳng định, từ trước đến nay NHNN chưa có bất cứ văn bản nào thông báo hay phát đi quan điểm “siết”, “thắt chặt” tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, mà chỉ kiểm soát các khoản đầu tư của NHTM vào những khoản tiềm ẩn rủi ro, những dự án có giá trị lớn có yếu tố đầu cơ…

“Thực tế, NHNN quản lý về mặt chủ trương, chính sách, còn các NHTM, tổ chức tín dụng chủ động xem xét cho vay đối với các dự án khả thi, hiệu quả, cũng như các doanh nghiệp có quyền lựa chọn NHTM, đây là mối quan hệ bình đẳng ngang nhau”, ông Tú nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Đình Vinh, cho biết, thời gian vừa qua, nhiều thông tin cho thấy có những địa phương ghi nhận giá bất động sản tăng đến mấy trăm % chỉ trong vòng vài năm. Do đó mới có câu chuyện kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực này.

Tuy nhiên, theo ông Vinh, bất động sản vẫn là một lĩnh vực khiến các ngân hàng yên tâm trong việc cho vay nhờ có tài sản thế chấp cộng với nhu cầu thực của người dân và tốc độ tăng trưởng kinh tế xã hội. Bởi khi xuất hiện nợ xấu, các doanh nghiệp bất động sản bán dự án hoặc phát triển lại dự án thì hoàn toàn có thể trả nợ tiền gốc cộng với 5 - 7 năm nợ lãi của ngân hàng.

“Với VietinBank, chúng tôi vẫn ưu tiên cho vay đối với các chủ đầu tư có kinh nghiệm và các dự án đang triển khai có vị trí tốt, quy hoạch hạ tầng thuận lợi. Đặc biệt là các dự án du lịch nghỉ dưỡng tại các vùng thu hút du lịch lớn. Tất cả những dự án khả thi, đảm bảo khả năng trả nợ thì các ngân hàng sẽ ưu tiên cho vay", ông Vinh nhấn mạnh.

Trong khi đó, đại diện BIDV cũng khẳng định: “Ngân hàng không hạn chế mà cho vay trên cơ sở nhu cầu thực tế của người mua nhà chứ không phải cho vay để đầu cơ mua đi bán lại. Chúng tôi cũng đang xem xét kỹ lượng để hạn chế và không cấp tín dụng cho những trường hợp này”.

Còn đối với những dự án cho chủ đầu tư, theo vị này, những dự án của chủ đầu tư uy tín, có vị trí tốt cũng sẽ được ngân hàng cho vay. "BIDV rất chú ý đến năng lực tài chính của khách hàng xem có lành mạnh hay không. Bên cạnh đó, phải xem cấu trúc huy động vốn của doanh nghiệp ngắn hay dài hạn, có đảm bảo tính bền vững hay không, có phù hợp với cơ cấu vốn tự có của doanh nghiệp hay không…"

Cũng giống như BIDV và Vietinbank, OCB cũng xác định nhóm khách hàng trọng tâm là những người có nhu cầu mua nhà để ở thật. “Theo khảo sát của chúng tôi, nhu cầu mua nhà để ở của nhóm khách hàng trẻ mới đi làm và mới lập gia đình là rất lớn. Khó khăn lớn nhất của họ là chưa có đủ tích lũy. Chúng tôi cũng đã xây dựng chiến lược riêng cho nhóm khách hàng này như liên kết với các chủ đầu tư có dự án khả thi, pháp lý đầy đủ để giúp họ mua được nhà. Tính đến hết tháng 5/2022, ngân hàng đã giải ngân được hơn 3.000 tỷ đồng cho nhóm khách hàng này”, ông Hương nói.

Huyền Anh