CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Ngân hàng Nhật Bản và Singapore khai phá thị trường kiều hối số của Việt Nam

Invest Global 15:12 07/10/2020

(TBKTSG Online) - Việt Nam sẽ là thị trường đầu tiên thực hiện các giao dịch chuyển tiền quốc tế thông qua một ứng dụng do ngân hàng Seven Bank của Nhật Bản và DBS Bank của Singapore cùng khai thác. Dịch vụ của ngân hàng Nhật Bản và Singapore được xem là bước khai phá mới tiến vào vào thị trường kiều hối của Việt Nam lớn thứ hai ở Đông Nam Á và xếp thứ 9 trên thế giới.

SevenBank: Người Việt ở Nhật Bản có thể dùng hệ thống ATM của Seven Bank để gửi tiền về tài khoản Việt Nam qua ứng dụng của Seven Global Remit - Ảnh: Nikkei Asian

Gửi tiền về Việt Nam qua ứng dụng

Dịch vụ gửi tiền được xử lý thông qua mạng lưới của DBS Bank ở 50 nước, trong đó có các nước Đông Nam Á. Công ty kiều hối Seven Global Remit, công ty con của Seven Bank, thông báo Việt Nam sẽ là thị trường đầu tiên được Seven Bank triển khai dịch vụ vào cuối năm nay.

Trong khi đó, Nikkei Asian đưa tin Seven Bank thuộc tập đoàn mẹ Seven and I Holdings đặt mục tiêu “đón bắt nhu cầu gửi tiền về quê hương của cộng đồng người nước ngoài ở Nhật Bản”.
Để gửi tiền về tài khoản ngân hàng ở Việt Nam, người Việt ở Nhật Bản cần mở tài khoản trên ứng dụng của Seven Global Remit và có thể nạp tiền vào bất cứ máy ATM nào thuộc mạng lưới 25.000 ATM của Seven Bank trên khắp Nhật Bản. Hiện ngân hàng Nhật chưa công bố biểu phí áp dụng.

Người sử dụng dịch vụ không cần phải mở tài khoản tại Seven Bank. Ngân hàng Nhật Bản nói sẽ cùng làm việc với DBS và các đối tác khác để đưa ra các phương thức chống gian lận và rửa tiền xuyên quốc gia.

Theo số liệu của Bộ Tư pháp Nhật Bản, đến hết tháng 6-2019 có hơn 370.000 người Việt – có quốc tịch và lao động nhập cư hợp pháp – đang sinh sống và làm việc tại Nhật. Đây là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ ba ở Nhật Bản, xếp sau cộng đồng người Trung Quốc và Hàn Quốc. Người Việt sinh sống và làm việc tập trung ở Tokyo, vùng Kanto, Kobe, Osaka và Kyoto.

Kiều hối về Việt Nam giảm 13% trong năm nay

Theo số liệu của Tổ chức Di dân Quốc tế (IOM), Việt Nam có khoảng 4,5 triệu người sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết năm ngoái lượng kiều hối gửi về Việt Nam đạt 16,7 tỉ đô la, tăng so với con số 15,9 tỉ đô của năm 2018 (tăng 6,4%) và mức 13,8 tỉ đô của năm 2017 (tăng 13,2%). WB tính toán trong 12 năm trở lại đây, số kiều hối về Việt Nam tăng trung bình 10-15% mỗi năm.

Tuy nhiên, trong báo cáo công bố vào tháng 4 và tháng 5 vừa rồi, WB dự báo kiều hối về Việt Nam và các nước Đông Nam Á sẽ giảm 13% trong năm nay do kinh tế toàn cầu suy thoái. Mức này thấp hơn con số 20% suy giảm kiều hối toàn cầu.

Năm nước có nguồn kiều hối mạnh trong khu vực là Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia và Thái Lan nhận tổng cộng 72,5 tỉ đô la trong năm ngoái, trong đó chỉ riêng Philippines chiếm gần phân nửa với 35,1 tỉ đô la.
Các thống kê của năm 2018 cho thấy Philippines có hơn 1/3 lượng kiều hối xuất xứ từ Hoa Kỳ. Philippines được dự đoán hứng chịu hậu quả tồi tệ nhất trong đại dịch Covid-19 bởi kiều hối chiếm tương đương 9,9% tổng sản phẩm trong nước (GDP).

Theo Bộ Lao động và việc làm Philippines, 89.436 người lao động Philippines đang làm việc ở nước ngoài phải đổi việc hoặc gặp cảnh “không việc, không có lương” do các biện pháp phong tỏa và tình hình kinh doanh bết bát ở các nước nhận lao động.

Hoa Kỳ là nơi xuất xứ của khoảng 50% lượng kiều hối của Việt Nam. Đây là mức cao thứ hai trong năm nước Đông Nam Á nhận nhiều kiều hối từ Hoa Kỳ. Kiều hối chiếm khoảng 6,5% GDP của Việt Nam. Bất cứ sự suy giảm nào cũng khiến các gia đình Việt Nam phải đối mặt với tình trạng bấp bênh trong sinh kế của họ, WB viết.

Cơ hội trên thị trường kiều hối điện tử

Nguồn tiền từ nước ngoài về Việt Nam cũng mở ra cơ hội phát triển cho thị trường kiều hối điện tử. Trong báo cáo "Hai mặt của đồng tiền: Câu chuyện của người nhận kiều hối" công bố cuối năm 2019, hãng tài chính UniTeller nói nguồn kiều hối gửi về tạo cơ hội phát triển thị trường kiều hối số.

Hãng tài chính chỉ ra rằng, tại các nước xuất phát của nguồn kiều hối, lao động nước ngoài cũng gặp một số khó khăn khi muốn gửi tiền về nước cho thân nhân: phải đích thân đến địa điểm gửi tiền, mất chi phí và khoản thời gian đáng kể để biết chắc rằng tiền đến tay người nhà.

Đây là cơ hội của dịch vụ tài chính số. Hãng số liệu Statista ước tính thị trường kiều hối điện tử Việt Nam đạt giá trị 22 triệu đôla trong năm 2019. Mức tăng trưởng hằng năm của dịch vụ này trong giai đoạn 2019-2023 dự kiến sẽ lên tới 21,5%. Tức là, vào năm 2023, giá trị thị trường kiều hối điện tử sẽ đạt 47 triệu đô la.

“Với chỉ 22 triệu đô, tỷ lệ kiều hối điện tử trong tổng mức kiều hối về Việt Nam trong năm ngoái chỉ đạt con số quá nhỏ 0,13%. Và ngay với mức tăng trưởng cao hơn 20% như dự báo trong vài năm tới, thị trường này vẫn mở ra cơ hội phát triển lớn cho các công ty công nghệ tài chính Việt Nam và nước ngoài”, một chuyên gia tài chính tại TPHCM cho biết.