CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Ngân hàng phải giữ 'lưng vốn dày', cổ tức tiền mặt sẽ bị siết?

Invest Global 08:36 22/07/2025

"Cơn mưa" cổ tức tiền mặt từng khiến cổ đông nhiều ngân hàng vui mừng nay đứng trước nguy cơ "tạnh" sớm. Thông tư mới về an toàn vốn buộc các ngân hàng phải giữ "lưng vốn dày", và chỉ những nhà băng đáp ứng đầy đủ quy định mới có thể tiếp tục duy trì thông lệ chi trả cổ tức tiền mặt đều đặn.

Trong tháng 5 và quý II vừa qua, thị trường chứng kiến nhiều ngân hàng công bố chia cổ tức bằng tiền mặt từ 3 - 25% mệnh giá, tổng số tiền chi trả cho cổ đông lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. 

Nhà băng chi hàng nghìn tỷ đồng trả cổ tức

Theo thống kê, đã có ít nhất 10 ngân hàng thương mại chia cổ tức tiền mặt trong năm 2025. Điển hình, LPBank trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 25%, tương đương 2.500 đồng/cổ phiếu. Theo đó, với gần 2,99 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, LPBank chi trả tổng cộng khoảng 7.468 tỷ đồng cho cổ đông - mức cao nhất trong ngành ngân hàng năm nay.

Nhiều ngân hàng khác cũng đã công bố kế hoạch chia cổ tức tiền mặt cho cổ đông trong quý II như VPBank, TPBank và VIB với tỷ lệ tương ứng 5%, 10% và 7%.

Trong đó, VIB là ngân hàng có truyền thống duy trì việc chia cổ tức bằng cả tiền mặt và cổ phiếu từ nhiều năm nay (trừ giai đoạn 3 năm Covid-19). Nhà băng này chi hơn 2.000 tỷ đồng để trả cổ tức, và phát hành cổ phiếu tỷ lệ tối đa 14% cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ trong năm nay.

Năm 2025 cũng là năm thứ ba liên tiếp, VPBank chia cổ tức tiền mặt. Mức chi trả cho cổ đông là 5%, tương ứng số tiền ngân hàng chi ra gần 4.000 tỷ đồng.

-9185-1753091759.jpg

Thông tư mới của NHNN đặt ra bộ lọc khắt khe về an toàn vốn, buộc các ngân hàng phải ưu tiên tăng nội lực thay vì chia cổ tức tiền mặt ồ ạt.

Tương tự, TPBank có năm thứ 3 liên tiếp thực hiện chia cổ tức bằng cả tiền và cổ phiếu cho cổ đông. Trong đó, năm nay, TPBank chi hơn 2.600 tỷ đồng để trả cổ tức tỷ lệ 10% và phát hành cổ phiếu tối đa 5%. Theo lãnh đạo TPBank, chính sách này dựa trên cơ sở hoạt động kinh doanh ổn định, lành mạnh cũng như để gia tăng lợi ích cho các cổ đông đã đồng hành cùng nhà băng.

Trước đó, hình thức chia cổ tức bằng tiền mặt bắt đầu bị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thắt chặt từ năm 2020 nhằm dành nguồn lực để các ngân hàng tăng vốn, xử lý các khoản nợ xấu, trái phiếu VAMC và phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Ngoại lệ duy nhất đối với việc trả cổ tức tiền mặt là dành cho các ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, BIDV, VietinBank) do yêu cầu từ Kho bạc Nhà nước.

Đến năm 2023, NHNN không còn “siết” việc chia cổ tức bằng tiền mặt đối với ngân hàng được xếp hạng cao. Thay vào đó, cơ quan quản lý chỉ khuyến khích ngân hàng trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính và khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế, ổn định mặt bằng lãi suất thị trường... Đây là điều kiện để ngân hàng thực hiện kế hoạch chia cổ tức bằng tiền sau nhiều năm chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Chính vì vậy, sau khi được “mở đường”, một loạt ngân hàng đã lên kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt thay vì chỉ cổ phiếu như những năm trước.

Việc các ngân hàng quay lại chi trả cổ tức tiền mặt sau vài năm “nhịn chi” là tín hiệu cho thấy nội lực tài chính đã phục hồi, đồng thời là bước xoa dịu tâm lý cổ đông giữa bối cảnh thị trường nhiều biến động.

Cổ tức bằng tiền mặt luôn là lựa chọn yêu thích của cổ đông khi nắm giữ cổ phiếu, đặc biệt là các nhà đầu tư dài hạn. Theo Chứng khoán VPS, những đơn vị thường xuyên trả cổ tức bằng tiền có tình hình tài chính lành mạnh và minh bạch. Đây là một đặc điểm hấp dẫn nhà đầu tư với khả năng sinh lời cao, nhận được tiền mặt trực tiếp, mang lại cảm giác an toàn và ổn định.

Bộ lọc khắt khe về an toàn vốn sẽ hạn chế "mưa tiền mặt"

Tuy nhiên, thông tư mới của NHNN (Thông tư 14/2025) đặt ra bộ lọc khắt khe về an toàn vốn, buộc các ngân hàng phải ưu tiên tăng nội lực thay vì chia cổ tức tiền mặt ồ ạt. Trong bối cảnh yêu cầu Basel II/III ngày càng siết chặt, chỉ những nhà băng thực sự lành mạnh mới đủ điều kiện “rót tiền” chia cho cổ đông. Kỳ vọng cổ tức tiền mặt cao của nhiều nhà đầu tư có nguy cơ tan biến khi chính sách đang dần chuyển hướng từ ưu ái sang sàng lọc.

Theo đó, từ ngày 15/9, các ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được chia lợi nhuận bằng tiền mặt khi duy trì đủ các tỷ lệ và bộ đệm an toàn vốn. Các ngân hàng không đáp ứng đầy đủ các tỷ lệ an toàn vốn theo quy định sẽ không được phép phân phối lợi nhuận bằng tiền mặt.

Cụ thể, Thông tư quy định các ngân hàng thương mại không có công ty con và chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải duy trì các tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ tối thiểu như sau: Tỷ lệ vốn lõi cấp 1 là 4,5%; Tỷ lệ vốn cấp 1 là 6% và Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) là 8%. Đối với ngân hàng thương mại có công ty con, yêu cầu bao gồm cả tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ và hợp nhất với các mức tương tự.

Khi tính tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất, nếu công ty con là doanh nghiệp bảo hiểm, ngân hàng không hợp nhất công ty này theo chuẩn mực kế toán và báo cáo tài chính. Tuy nhiên vẫn phải tính đầy đủ các yếu tố như tài sản có rủi ro tín dụng, vốn yêu cầu cho rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường. Trong trường hợp này, ngân hàng áp dụng phương pháp tiêu chuẩn để tính tài sản có rủi ro tín dụng của công ty con.

Ngoài ra, ngân hàng còn phải tuân thủ lộ trình tăng dần bộ đệm bảo toàn vốn từ 0,625% trong năm đầu lên 2,5% sau bốn năm. Điều đó đồng nghĩa: từ năm 2029, muốn chia cổ tức tiền mặt, ngân hàng buộc phải đạt vốn lõi 7%, vốn cấp 1 là 8,5% và CAR tối thiểu 10,5%.

Không dừng lại ở đó, các ngân hàng còn có thể phải duy trì thêm bộ đệm vốn phản chu kỳ từ 0–2,5% hoặc tỷ lệ vốn cao hơn nếu được xếp vào nhóm “có tầm quan trọng hệ thống”.

Để đảm bảo quy định về an toàn vốn và mở rộng kinh doanh, tăng trưởng, thời gian gần đây, hầu hết các ngân hàng liên tục có kế hoạch tăng vốn khủng.

Tính đến đầu năm 2025, tổng vốn điều lệ của 28 ngân hàng thương mại trong nước đạt trên 823.500 tỷ đồng (tương đương 33 tỷ USD), tăng 15% so với cuối năm 2023. Số lượng ngân hàng có vốn điều lệ trên 1 tỷ USD đã tăng từ con số 12 lên 15. Trong đó, nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ.

Điển hình như NCB. Năm 2025, NCB đặt mục tiêu tiếp tục tăng vốn điều lệ lên 19.280 tỷ đồng. Phương án tăng vốn của NCB đã được NHNN thông qua. Nhà băng này cũng tìm được 17 nhà đầu tư chuyên nghiệp đăng ký tham gia đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ này, trong đó có một số nhà đầu tư là cổ đông hiện hữu của NCB.

Trong khi đó, năm nay, KienlongBank dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ từ 3.652 tỷ đồng hiện tại lên 5.822 tỷ đồng sau khi hoàn tất các phương án. Trước đó, KienlongBank đề xuất phương án tăng gấp đôi vốn điều lệ lên 7.268 tỷ đồng thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 50% và chào bán lượng cổ phiếu tương đương cho cổ đông hiện hữu. Tuy nhiên, phương án này đã không được cổ đông thông qua hồi tháng 4.

Huyền Anh

Tài chính - Tín dụng