CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Ngân hàng Việt tiếp tục thăng hạng

Invest Global 16:06 22/03/2021

Việc Moody’s nâng triển vọng tín nhiệm của 15 nhà băng Việt, đánh giá vượt bậc triển vọng tín nhiệm cho Việt Nam trong bối cảnh chung của khu vực và kinh tế thế giới có nhiều biến động được xem là một điểm sáng với nền kinh tế Việt Nam.

Nâng xếp hạng tín nhiệm

Hãng xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Moody’s vừa giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức Ba3, song triển vọng đã được điều chỉnh tăng từ “Tiêu cực” lên “Tích cực”. Việc Moody’s đã nâng liền hai bậc đối với triển vọng của Việt Nam, chưa từng có tiền lệ trong xếp hạng tín nhiệm của tổ chức này trên toàn cầu kể từ đại dịch Covid-19.

Cơ sở để Moody’s quyết định tăng triển vọng tín nhiệm với Việt Nam nằm ở việc sức mạnh tài chính, kinh tế được cải thiện, giúp củng cố hồ sơ tín dụng của Việt Nam. Định chế này cũng đánh giá, nền kinh tế Việt Nam có thể được hưởng lợi từ xu thế dịch chuyển toàn cầu về sản xuất, thương mại và tiêu dùng hậu Covid-19.

Kinh doanh an toàn hiệu quả là cơ sở để các ngân hàng được nâng hạng tín nhiệm

Sức mạnh tín dụng chủ quyền của Việt Nam là yếu tố đầu vào quan trọng trong đánh giá của Moody's về xếp hạng tiền gửi và tổ chức phát hành của các ngân hàng Việt Nam. Theo đó, Moody's đã xác nhận xếp hạng tiền gửi nội tệ và ngoại tệ dài hạn đối với 15 ngân hàng Việt Nam ở mức Ba3. Đồng thời điều chỉnh triển vọng xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi nội tệ và ngoại tệ dài hạn của 5 nhà băng từ “Tiêu cực” lên “Tích cực”, bao gồm Vietcombank, Agribank, VietinBank, Techcombank, BIDV; 4 ngân hàng được điều chỉnh từ “Ổn định” lên “Tích cực” là OCB, TPBank, VPBank, VIB; 6 ngân hàng từ “Tiêu cực” lên “Ổn định” gồm ABBank, ACB, HDBank, LienVietPostBank, MB, SeABank.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng, xếp hạng tín nhiệm của một nhà băng rất khó có thể cao hơn điểm tín nhiệm của quốc gia. Bởi vậy, việc tín nhiệm quốc gia có triển vọng sẽ là cơ sở để cho các ngân hàng nâng hạng.

TS. Châu Đình Linh - Đại học Ngân hàng TP.HCM cũng nhìn nhận, việc Moody’s nâng triển vọng tín nhiệm của 15 nhà băng Việt, đánh giá vượt bậc triển vọng tín nhiệm cho Việt Nam trong bối cảnh chung của khu vực và kinh tế thế giới có nhiều biến động được xem là một điểm sáng với nền kinh tế Việt Nam.

“Điều dễ nhận thấy, Moody’s là một trong những đơn vị xếp hạng tín nhiệm ở bên thứ ba, không bị can thiệp bởi Chính phủ khác, xếp hạng dựa trên những tiêu chí đã được ấn định từ trước nên những nhận định từ phía đơn vị này được coi là chỉ số tham chiếu cho các nhà đầu tư khác nhau trên thế giới, khi triển vọng càng tích cực sẽ càng tạo thêm cơ hội hút dòng vốn đầu tư về lại Việt Nam. Bằng chứng là thời gian gần đây, một loạt dòng vốn từ nước ngoài chuyển về Việt Nam khá lớn, cộng thêm việc một số tập đoàn lớn (nhất là về công nghệ) trên thế giới có kế hoạch thiết lập nhà máy tại Việt Nam, đưa ra những dự án đầu tư khác nhau. Những điều này chắc chắn sẽ tác động khá tích cực tới kinh tế Việt Nam nói chung, trong đó có hệ thống ngân hàng nói riêng trong năm 2021”, TS. Linh chia sẻ.

Phát huy nền tảng

Xét riêng đối với lĩnh vực ngân hàng, các chuyên gia đều chung quan điểm, việc 15 ngân hàng được Moody’s nâng triển vọng tín nhiệm vừa qua dựa trên nhiều yếu tố. Trong đó, tổng thể nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm 2020 ghi nhận tương đối tích cực giữa tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid-19, GDP năm 2020 của Việt Nam tăng 2,91% so với năm trước đó, và Việt Nam là quốc gia thuộc nhóm nước có tăng trưởng cao nhất thế giới. Có được mức tăng trưởng này do Việt Nam đã kiểm soát chặt chẽ dịch Covid-19, nền kinh tế từng bước hồi phục trong điều kiện bình thường mới.

Trong khi hệ thống ngân hàng năm qua vẫn thể hiện sự vững vàng trước những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. Theo đó, hệ thống ngân hàng vẫn duy trì được hoạt động kinh doanh an toàn, hiệu quả. Không chỉ vậy, các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh việc củng cố nội lực, nâng cao trình độ quản trị bằng cách triển khai áp dụng chuẩn Basel II, thậm chí nhiều ngân hàng đã bắt đầu triển khai Bsel III. Đây cũng là yếu tố “ghi điểm” để nâng cao năng lực cạnh tranh, xếp hạng tín nhiệm.

Hoạt động kinh doanh an toàn, hiệu quả; năng lực tài chính ngày càng được cải thiện đã tạo điều kiện cho các ngân hàng hỗ trợ tích cực nền kinh tế, cho cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phục hồi sản xuất kinh doanh khi đại dịch được kiểm soát. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, ngay cả trong năm 2020, khi dịch Covid-19 hoành hành hệ thống TCTD đã bổ sung thêm cho thị trường hơn 1 triệu tỷ đồng (tương đương với mức tăng trưởng tín dụng khoảng 12,16%). Mức tăng 12,16% dù không được như kỳ vọng từ đầu năm đề ra (14%), nhưng đây là kết quả khá tích cực thể hiện sự nỗ lực, cố gắng của toàn hệ thống ngân hàng trong bối cảnh chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Hơn nữa, điều đáng mừng là tín dụng tăng thêm trong năm 2020 vẫn chủ yếu được ngành Ngân hàng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, phục vụ đời sống người dân.

TS. Châu Đình Linh cho hay, nhờ những giải pháp thiết thực, hiệu quả và kịp thời, cộng thêm nền tảng sẵn có trước đó đã giúp hệ thống ngân hàng gia tăng sức chống chịu trong khủng hoảng, giúp cho đây vẫn là lĩnh vực có kết quả kinh doanh tương đối khả thi trong năm 2020. SSI cũng kỳ vọng ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục ghi nhận tăng trưởng vượt trội so với các ngành khác trong quý I/2021, nhờ tỷ suất lợi nhuận tương đối hấp dẫn và triển vọng tín dụng được cải thiện khi hầu hết các nhà băng đẩy nhanh xoá nợ xấu, tăng cường trích lập dự phòng bao nợ xấu trong quý IV/2020.

Kết quả kinh doanh năm 2020 khả quan cũng giúp cổ phiếu của các ngân hàng trên thị trường khởi sắc, dữ liệu từ Công ty chứng khoán Vietcombank cho hay có tới 21 mã cổ phiếu ngân hàng tăng giá và chỉ 3 mã giảm giá trong năm 2020. Thị trường chứng khoán tăng điểm cũng là điều kiện hỗ trợ thêm cho việc các ngân hàng được đánh giá nâng triển vọng tín nhiệm.

Tuy vậy, xét về lâu dài, các nhà băng dù được ghi nhận tích cực song vẫn phải rất thận trọng, không được mất cảnh giác bởi những yếu tố tác động tích cực bên ngoài còn rất khó lường. “Mọi động thái, bước đi, chiến lược của các nhà băng đều phải đặt trong mục tiêu lớn nhất là hướng tới sự an toàn, ổn định và bền vững của cả hệ thống tài chính - ngân hàng…”, một chuyên gia nhấn mạnh.