CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Ngành công thương đổi mới mô hình tăng trưởng

Invest Global 10:15 28/12/2022

Năm 2023 cơ cấu lại ngành công thương gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh doanh nghiệp, sản phẩm.

Bộ Công Thương vừa tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Theo đó, ngành đặt mục tiêu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng từ 8-9% so với năm 2022; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6% so với năm 2022; cán cân thương mại duy trì xuất siêu; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8-9% so với năm 2022...

Nhiều dấu ấn lớn năm 2022

Đánh giá kết quả năm 2022, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, năm 2022, tình hình quốc tế diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường và dị biệt, nhất là các tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; xu hướng bảo hộ thương mại tiếp tục gia tăng; lạm phát tăng cao, chính sách tiền tệ thắt chặt ở một số nước dẫn tới các hệ lụy làm gián đoạn, đứt gãy các chuỗi cung ứng, tổng cầu thế giới giảm sút; giá dầu thô, nguyên vật liệu tăng cao…

Trong bối cảnh đó, với nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, nhân dân cả nước, cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế nước ta đã đạt những kết quả đáng ghi nhận: kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối vĩ mô được bảo đảm… Đóng góp vào các thành tích chung đó, có vai trò nổi bật của ngành Công thương.

nganh cong thuong doi moi mo hinh tang truong Công nghiệp chế biến chế tạo đóng góp tới hơn 86% kim ngạch xuất khẩu.

Trong năm 2022, nhiều lĩnh vực đã phục hồi, đạt được nhiều kết quả tích cực trong đó có sản xuất công nghiệp. Dự kiến năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng hơn 9%, cao hơn cùng kỳ năm trước (tăng 4,8%), đạt mục tiêu tăng trưởng của ngành (kế hoạch tăng từ 8,5-9%). Giá trị gia tăng ngành công nghiệp tăng khoảng 9%, cao hơn so với cùng kỳ năm trước (tăng 4,82%) và cao hơn kịch bản tăng trưởng tại Nghị quyết 01 (kịch bản GDP trong công nghiệp tăng 6,4-7,3%).

Cơ cấu nội ngành công nghiệp tiếp tục chuyển biến tích cực theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục duy trì là động lực của toàn ngành, tăng trưởng cao nhất trong các nhóm ngành, đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế. Dự kiến chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến chế tạo năm 2022 tăng khoảng 9,5%; đóng góp tới hơn 86% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước…

Bên cạnh đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục vượt qua khó khăn và duy trì được mức tăng trưởng cao. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam ước đạt 732 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2021. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu xuất khẩu, chiếm hơn 86% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với thặng dư gần 11 tỷ USD, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

Cùng với đó, hoạt động thương mại trong nước phục hồi tích cực, công tác quản lý, đảm bảo trật tự thị trường, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên thị trường nội địa tiếp tục được củng cố. Công tác hội nhập kinh tế quốc tế tiếp tục được duy trì và thúc đẩy với nhiều phương thức mới và sáng kiến mới của Việt Nam được quốc tế và khu vực đồng thuận, đánh giá cao…

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng thừa nhận vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Hoạt động sản xuất công nghiệp phục hồi tốt trong 9 tháng đầu năm, tuy nhiên, tốc độ tăng sản xuất công nghiệp chậm lại từ quý IV, các doanh nghiệp sản xuất đối mặt với việc sụt giảm đơn hàng ở những ngành hàng xuất khẩu lớn như (dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ...), doanh thu giảm, cắt giảm giờ làm, giảm lao động. Rủi ro thiếu hụt nguyên liệu đầu vào cho sản xuất vẫn còn hiện hữu.

Trong lĩnh vực xuất khẩu, tốc độ tăng xuất khẩu chậm lại bắt đầu từ quý IV, thị trường bị thu hẹp, đơn hàng giảm, cạnh tranh trên thị trường quốc tế gia tăng. Mặc dù, xuất khẩu tăng cao nhưng mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI vẫn còn lớn khi kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI kể cả dầu thô chiếm khoảng 74% tổng kim ngạch xuất khẩu. Giá trị gia tăng trong xuất khẩu chưa như mong muốn. Tốc độ đa dạng hóa thị trường ở một số sản phẩm (như rau quả) còn chậm nên chưa có khả năng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng của các thị trường, tận dụng tốt các ưu đãi thuế quan từ các FTA đã ký kết… Năng lực xuất khẩu của các doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa cao.

Đẩy mạnh cải cách thể chế và khơi thông nguồn lực

Sau khi phân tích các nguyên nhân chủ quan và khách quan, đồng thời nhận định bối cảnh tình hình kinh tế thế giới, trong nước thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, năm 2023, ngành tiếp tục góp phần củng cố vững chắc nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế. Cùng với đó, cơ cấu lại ngành công thương gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh doanh nghiệp, sản phẩm. Đẩy mạnh cải cách thể chế và khơi thông nguồn lực; tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh; quyết liệt triển khai thực hiện và hoàn thành đưa vào vận hành các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng điểm theo đúng tiến độ.

Bên cạnh đó, tập trung cao cho việc mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu, đa dạng hóa đối tác, nguồn hàng, chuỗi cung ứng; thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch bền vững; thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng, ngừa, nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, cảnh báo sớm và giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế, bảo vệ hợp lý các ngành sản xuất trong nước và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, người dân.

Trong năm 2023, ngành cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh khai thác và phát triển thị trường nội địa với hơn 100 triệu dân gắn với phát triển thương hiệu Việt; Tập trung phát triển mạnh thương mại điện tử và sự gắn kết giữa thương mại điện tử với các loại hình hoạt động thương mại truyền thống thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững đóng góp vào tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5%.

Để phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển của ngành công thương đã được Chính phủ giao, cũng như các chỉ tiêu đề ra của ngành trong năm 2023, Bộ Công Thương đã đề ra nhiều nhóm giải pháp, trong đó tập trung vào 8 nhóm trọng tâm như: Chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng thể chế; Tập trung xây dựng Luật Phát triển công nghiệp và các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp có tính nền tảng; Đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cơ cấu lại ngành công thương dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là việc thực hiện chính sách thu hút đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại; thực hiện đồng bộ và triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA)…

Môi trường kinh doanh