CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Ngành dệt may dần tìm lại ‘vị thế’ nhưng triển vọng cổ phiếu cần thận trọng

Invest Global 07:49 28/06/2022

Nhờ đơn hàng dồi dào, những tháng đầu năm 2022, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may mang nhiều tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, chi phí gia tăng sẽ khiến biên lợi nhuận giảm. Cùng với đó, định giá cổ phiếu không còn thấp nên việc đầu tư nhóm ngành này vẫn ẩn chứa sự thận trọng.

Trong 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đạt 18,7 tỷ USD (+24% so với cùng kỳ), trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may & sợi lần lượt đạt 14 tỷ USD và 2,4 tỷ USD, tương đương +24% và + 11% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc sang Mỹ đạt 7,6 tỷ USD (+27% so với cùng kỳ), chiếm 54% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc.

Doanh nghiệp lãi lớn

Do sự dịch chuyển đơn đặt hàng hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam, hầu hết các công ty sản xuất hàng may mặc trong nước cho biết đã kín đơn hàng đến quý III/2022, thậm chí có doanh nghiệp đã ký đơn hàng đến quý IV/2022. Nhờ đó, kết thúc quý I, nhiều doanh nghiệp lớn, nhỏ trong ngành dệt may đều ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực. Đây cũng là tín hiệu tốt cho thấy triển vọng tăng trưởng của nhóm ngành này trong năm 2022.

det-may-1656320743-8927-1656320869.jpg

Chuỗi sản xuất, chi phí nguyên liệu, nhiên liệu tăng khiến giá thành sản xuất tăng theo, biên độ lợi nhuận của doanh nghiệp dệt may ngày càng thu hẹp.

Điển hình như CTCP Đầu tư và thương mại TNG (TNG), 5 tháng đầu năm TNG ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 2,5 nghìn tỷ đồng và 87 tỷ đồng, tăng 42% và 58% so với cùng kỳ, hoàn thành 41% và 31% kế hoạch năm.

Cùng thời gian, CTCP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (TCM) ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 77,4 triệu USD và 4,4 triệu USD, tăng 15% và 6% so với cùng kỳ, hoàn thành 43% và 41% kế hoạch năm.

Trong khi đó, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VGT) ghi nhận doanh thu thuần trong quý I đạt gần 4.900 tỷ đồng, tăng hơn 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Ghi nhận lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 329 tỷ đồng, chênh lệch hơn 128 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ tăng 64% so với cùng kỳ năm trước.

Hay như CTCP Sợi Thế Kỷ, trong quý I/2022, Sợi Thế Kỷ ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 640 tỷ đồng và 76,3 tỷ đồng, tăng 13% và 9% so với cùng kỳ, hoàn thành 25% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận ròng của cả năm.

Tuy nhiên, giá bán bình quân sợi nguyên sinh và sợi tái chế lần lượt tăng 18% và 5% so với cùng kỳ, sau khi chi phí nguyên liệu thô tăng mạnh (giá sợi nguyên sinh tăng đáng kể do giá dầu tăng). Điều này dẫn tới biên lợi nhuận gộp của công ty chỉ đạt 17,5% do sản lượng sợi chất lượng thấp hơn tồn kho được bán ra.

Đáng nói, trong khi các doanh nghiệp đều báo lãi thì May Sông Hồng (MSH) lại ghi nhận lợi nhuận giảm. Trong quý I, doanh thu thuần của công ty ở mức 1.292 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2021 nhờ việc đưa công ty con Sông Hồng Nghĩa Hưng vào sản xuất. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại giảm 11%, ở mức 82 tỷ đồng bởi công ty con mới đi vào hoạt động, năng suất lao động còn thấp trong khi chi phí sản xuất cao.

Được biết, năm 2021, May Sông Hồng đặt mục tiêu doanh thu đạt 4.900 tỷ đồng, tăng 3% so với kết quả năm 2021 và lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 500 tỷ đồng, giảm 8%.

Chững lại do lạm phát?

Đánh giá về triển vọng cổ phiếu ngành dệt may 6 tháng cuối năm, giới phân tích cho rằng, sau khoảng thời gian điều chỉnh sâu, mức P/E khoảng 16 lần và hệ số P/E forward 11,7 lần của thị trường chứng khoán Việt đang ở mức thấp và khá hấp dẫn. Nhà đầu tư có thể giải ngân tại vùng này ở những cổ phiếu được định giá hợp lý.

Theo Quỹ Đầu tư cổ phiếu tiếp cận thị trường Việt Nam (VESAF), mảng liên quan đến FDI và xuất khẩu sẽ được hưởng lợi trong điều kiện vĩ mô hiện thời. Trong đó, ngành dệt may là những doanh nghiệp có thể quản lý tốt nguồn nguyên vật liệu khi nguồn cung toàn cầu đang rất thiếu bởi ảnh hưởng từ xung đột Nga – Ukraine kéo dài.

Tuy nhiên, trong báo cáo mới đây, SSI Research nhận định, hiện cổ phiếu ngành dệt may đang giao dịch ở mức P/E 2022 là 10x. Định giá đạt mức cao nhất lịch sử là 14x vào tháng 12/2021.

“Đối mặt với biến động về nhu cầu trong năm tới cùng với biên lợi nhuận thu hẹp do chi phí tăng, cổ phiếu ngành dệt may có thể giao dịch ở mức P/E trung bình thấp hơn khoảng 8x-9x, để phản ánh tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2023”, SSI Research lưu ý.

Cũng theo SSI Research, 5 tháng đầu năm 2022, giá bông và dầu tăng lên, cùng với chi phí logistic neo ở mức cao, khiến giá sợi nhập khẩu bình quân tăng 10% so với cùng kỳ.

Số liệu của Sunsirs cho thấy, giá sợi polyester và sợi bông ở Trung Quốc đều tăng từ 10% -18% so với cùng kỳ trong 5 tháng đầu năm 2022. Điều này dẫn đến chi phí vải tăng lên và ảnh hưởng đáng kể đến biên lợi nhuận gộp của các công ty sản xuất trong nước, nhất là những doanh nghiệp có phần lớn đơn hàng FOB như May Sông Hồng và Dệt may Thành Công.

Bên cạnh đó, các công ty sản xuất hàng may mặc trong nước thông tin, do lượng hàng tồn kho ở thị trường xuất khẩu ở mức cao và áp lực lạm phát, khách hàng đã rút ngắn thời gian đặt trước đơn hàng (ngoại trừ kỳ nghỉ lễ trong quý IV) xuống còn 3 tháng, trong khi trước đây là 6 tháng.

“Dù công ty đã có đơn đặt hàng đến hết quý III, một số mặt hàng thế mạnh như sơ mi, veston đã có đơn hàng đến hết năm 2022 nhưng nếu thị trường tiêu thụ chậm, tỷ lệ tồn kho của các nhà nhập khẩu tăng lên khách hàng có thể điều chỉnh giảm hoặc huỷ đơn đột ngột. Với chuỗi sản xuất, chi phí nguyên liệu, nhiên liệu tăng khiến giá thành sản xuất tăng theo, biên độ lợi nhuận của doanh nghiệp ngày càng thu hẹp”, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết.

SSI Research ước tính, tăng trưởng doanh thu của các công ty sản xuất dệt may tại Việt Nam sẽ giảm tốc trong 6 tháng cuối năm 2022 và năm 2023. Các công ty cũng dự kiến chi phí sợi, vải, logistic và nhân công vẫn neo ở mức cao do giá dầu tăng và sự cạnh tranh trên thị trường lao động (chủ yếu với các nhà máy FDI). Điều này tác động tiêu cực đến toàn bộ chuỗi cung ứng hàng dệt may, từ nhà sản xuất đến nhà bán lẻ. Biên lợi nhuận gộp của các công ty sản xuất trong nước tiếp tục bị thu hẹp. Những yếu tố này sẽ tiếp tục làm tăng chi phí đầu vào và mất cân đối giữa cung và cầu.

“Tác động tiêu cực đến doanh thu và biên lợi nhuận có thể xảy ra nếu nền kinh tế Mỹ (thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam) suy yếu hoặc áp lực lạm phát cao hơn xảy ra trong 6 tháng cuối năm 2022 và năm 2023”, SSI Research đánh giá.

Hải Giang