CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
(TBTCO) - Dù Mỹ chính thức áp mức thuế 25% đối với nhập khẩu thép từ tất cả các quốc gia, nhưng tác động lên Việt Nam lại không quá đáng lo ngại. Ngược lại, ngành thép Việt Nam có thể hưởng lợi nhờ mức thuế ngang bằng với các đối thủ cạnh tranh, trong khi thị trường xuất khẩu sang các quốc gia bị ảnh hưởng như Mexico và Canada vẫn ở mức thấp.

Sự phục hồi của thị trường bất động sản sẽ góp phần thúc đẩy tiêu thụ thép. Ảnh minh họa
Nhiễu động toàn cầu, cần thêm thời gianBước vào đầu năm 2025, thị trường tài chính nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung đang chứng kiến nhiều biến động đáng kể. Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức đã liên tục đưa ra các sắc thuế nhắm vào những đối tác thương mại lớn trên thế giới. Điều này đã gây ra không ít biến động trong cục diện thương mại quốc tế.
Theo dự báo của SSI Research, nhu cầu thép nội địa sẽ tăng 10% trong năm 2025, nhờ vào sự phục hồi của thị trường bất động sản và đầu tư công được đẩy mạnh. Các dự án hạ tầng lớn trong dài hạn trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam, sân bay Cần Giờ, cảng Nam Đồ Sơn – Hải Phòng và đường sắt sẽ góp phần thúc đẩy tiêu thụ thép.
Trong cả năm 2025, thị trường tài chính và kinh tế thế giới được nhiều chuyên gia dự báo sẽ đối mặt với nhiều biến số khó lường, đặc biệt liên quan đến các chính sách thương mại của Tổng thống Donald Trump. Những quyết sách này không chỉ tác động đến quan hệ thương mại giữa Mỹ và các đối tác mà còn có thể làm thay đổi cục diện kinh tế toàn cầu trong thời gian tới.
Đánh giá về câu chuyện chính sách thuế của Tổng thống Donald Trump, theo ông Hoàng Việt Cường – Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty CP Chứng khoán VPS, cần có thời gian để đánh giá một cách đầy đủ và toàn diện. Việc các quốc gia áp thuế lẫn nhau không chỉ là một động thái mang tính đối phó mà còn là một cuộc chiến có thể kéo dài, tùy thuộc vào mức độ chấp nhận và sức chịu đựng của từng nước. Rõ ràng, khi thuế quan được áp dụng qua lại, cả hai bên đều chịu tổn thất. Vì vậy, diễn biến của cuộc chiến này sẽ phụ thuộc nhiều vào sức mạnh kinh tế và vị thế thương mại của từng quốc gia.
Chẳng hạn, nếu so sánh giữa Mỹ - Canada và Canada - Trung Quốc sẽ thấy mỗi mối quan hệ lại có những đặc điểm khác nhau, dẫn đến cách ứng phó cũng khác biệt. Mỹ có thể có những chiến lược riêng khi áp thuế với Canada, trong khi cách tiếp cận đối với Trung Quốc sẽ mang tính chiến lược và phức tạp hơn. Điều này đồng nghĩa với việc các kết quả thu được cũng sẽ không giống nhau.
Nhìn lại nhiệm kỳ đầu của Donald Trump, đặc biệt trong khoảng 100 ngày đầu tiên, có thể thấy những dấu hiệu rõ ràng hơn về tác động của chính sách thuế này. Trong khi đó, tình hình hiện tại có thể coi là một phiên bản "thử nghiệm" ban đầu, và nó vẫn sẽ tiếp tục gây ra những biến động trong ngắn hạn. Có thể dễ dàng nhận thấy, trong 2 tuần gần đây, cứ mỗi đầu tuần và cuối tuần, thị trường lại đón nhận hàng loạt thông tin liên quan đến chính sách thuế.
Ngoài ra, một yếu tố quan trọng cần theo dõi là các cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Những cuộc họp này không chỉ cung cấp góc nhìn về chính sách lãi suất mà còn đưa ra định hướng cho các diễn biến tài chính trong thời gian tới. Do đó, để đánh giá một cách toàn diện tác động của cuộc chiến thương mại này, cần có thêm thời gian quan sát và phân tích các yếu tố liên quan.
Thép Việt - tác động ít, thậm chí còn có lợiLiên quan đến chính sách thuế, ngày 12/2 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức ký ban hành lệnh tăng thuế đối với nhập khẩu thép và nhôm lên mức cố định 25%, đồng thời loại bỏ toàn bộ các miễn trừ trước đó cho tất cả các quốc gia. Đây được xem là động thái mở rộng chính sách thuế theo Mục 232, vốn được ông Trump áp dụng từ năm 2018.
Trước đây, chính sách này cũng đặt mức thuế 25% đối với thép nhập khẩu nhưng cho phép miễn trừ đối với một số quốc gia như Canada, Mexico, Brazil, Hàn Quốc và Vương quốc Anh. Tuy nhiên, với quy định mới, tất cả các quốc gia đều phải chịu mức thuế này mà không có ngoại lệ. Luật sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 4/3/2025.
Theo phân tích từ SSI Research, đối với Việt Nam, tác động của chính sách thuế mới này là không đáng kể. Kể từ năm 2018, thép xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ đã bị áp mức thuế 25% theo Mục 232, do đó, việc tăng thuế lần này không tạo thêm ảnh hưởng tiêu cực.
Thậm chí, động thái này có thể mang lại lợi thế nhất định cho ngành thép Việt Nam. Việc Mỹ loại bỏ miễn trừ giúp đưa mức thuế nhập khẩu của Việt Nam ngang bằng với nhiều quốc gia khác trước khi tính đến các loại thuế bảo hộ khác. Hơn nữa, xuất khẩu thép của Việt Nam sang các thị trường bị ảnh hưởng bởi chính sách mới như Mexico và Canada cũng chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tính đến tháng 12/2024, cả 2 quốc gia này đều không nằm trong top 10 thị trường xuất khẩu thép của Việt Nam.
Nhìn chung, SSI Research vẫn giữ quan điểm tích cực về triển vọng ngành thép trong năm 2025. Những yếu tố hỗ trợ bao gồm giá thép đã chạm đáy, nhu cầu nội địa gia tăng nhờ sự phục hồi của ngành bất động sản và đầu tư công mạnh mẽ. Bên cạnh đó, thị trường cũng kỳ vọng vào khả năng áp dụng thuế chống bán phá giá đối với thép cuộn cán nóng (HRC) từ Trung Quốc và Ấn Độ trong kịch bản cơ sở./.