CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Ngành Thuế chuyển đổi số quyết liệt, hiệu quả

Invest Global 09:33 20/06/2023

Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đặt mục tiêu: “Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp”. Để hiện thực hóa mục tiêu, ngành Thuế đã nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số, đóng góp tích cực vào chuyển đổi số quốc gia.

(TBTCO) - Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đặt mục tiêu: “Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp”. Để hiện thực hóa mục tiêu, ngành Thuế đã nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số, đóng góp tích cực vào chuyển đổi số quốc gia.

Ngành Thuế chuyển đổi số quyết liệt, hiệu quả

Tạo sự minh bạch, bình đẳng trong kinh doanh

Thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Tài chính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; thực hiện Luật Quản lý thuế, ngày 21/4/2022, ngành Thuế đã triển khai hệ thống hóa đơn điện tử (HĐĐT) trên phạm vi toàn quốc như một cam kết tích cực đồng hành cùng doanh nghiệp (DN) trong hành trình chuyển đổi số, góp phần cùng ngành Tài chính và Chính phủ đạt được các mục tiêu quốc gia về chuyển đổi số, cải thiện môi trường kinh doanh.

Ngành Thuế tiếp nhận, xử lý hơn 3,91 tỷ hóa đơn trong 5 tháng

Tính đến cuối tháng 5/2023, tổng số lượng hóa đơn điện tử (HĐĐT) toàn ngành Thuế đã tiếp nhận và xử lý là hơn 3,91 tỷ hóa đơn, trong đó có 1,14 tỷ hóa đơn có mã; hơn 2,77 tỷ hóa đơn không mã; đến cuối tháng 5/2023, đã có 18.963 cơ sở kinh doanh đăng ký sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền, với số lượng HĐĐT từ máy tính tiền đã tiếp nhận là trên 6,5 triệu hóa đơn. Hệ thống HĐĐT luôn được vận hành an toàn, ổn định 24/7, không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Tổng cục Thuế cho biết, hệ thống khai thuế điện tử (KTĐT) luôn được ngành triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc, với 99,5% DN tham gia sử dụng dịch vụ KTĐT. Không chỉ triển khai KTĐT, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử đến cộng đồng DN, ngành Thuế còn triển khai các ứng dụng thuế điện tử đến người dân như: dịch vụ KTĐT đối với hoạt động cho thuê tài sản; dịch vụ khai lệ phí trước bạ điện tử đối với ô tô, xe máy…

Đặc biệt, với việc áp dụng HĐĐT, ngành Thuế đã thực hiện chủ trương lớn của Chính phủ về việc điện tử hóa, số hóa công tác quản lý thuế, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế (NNT) trong thực hiện nghĩa vụ của mình đối với ngân sách nhà nước và tạo sự minh bạch, bình đẳng đối với môi trường kinh doanh.

Việc triển khai HĐĐT là xu thế trong xã hội hiện đại và công tác triển khai của ngành Thuế đã đạt được những kết quả tích cực. Hệ thống HĐĐT được triển khai với hơn 1.000 chức năng, bao gồm 2 phân hệ chính: Cổng thông tin điện tử cung cấp các dịch vụ HĐĐT cho NNT và ứng dụng HĐĐT dành cho cơ quan thuế.

Hệ thống HĐĐT được thiết kế kiến trúc tổng thể trên nền tảng công nghệ 4.0 theo hướng triển khai cho hệ thống dữ liệu lớn (big data), linh hoạt, an toàn bảo mật cao và phù hợp với yêu cầu về xử lý số lượng lớn giao dịch về hóa đơn, cấp mã hóa đơn nhanh chóng, tức thời.

Để tăng cường cho công tác quản lý rủi ro về HĐĐT, Tổng cục Thuế đã triển khai Trung tâm Cơ sở dữ liệu HĐĐT với chức năng phân tích dữ liệu HĐĐT, phục vụ cho công tác quản lý rủi ro về HĐĐT trong toàn ngành. Hệ thống sẽ giúp các cán bộ ngành Thuế có công cụ, nguồn dữ liệu để tập trung thực hiện rà soát, phân tích, phát hiện các dấu hiệu rủi ro trong việc phát hành, sử dụng HĐĐT.

Đây là giải pháp ngăn ngừa, xử lý kịp thời theo quy định pháp luật đối với các trường hợp vi phạm về hóa đơn cũng như các hành vi gian lận, trốn thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) sai quy định, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho DN.

Ông Phạm Quang Toàn - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Tổng cục Thuế) cho rằng, việc triển khai áp dụng HĐĐT trên toàn quốc đã hoàn thành theo kế hoạch, mục tiêu của Bộ Tài chính nhằm đáp ứng quy định về hiệu lực thi hành của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, góp phần giúp tiết kiệm chi phí phát hành, lưu giữ hóa đơn; thuận tiện trong khâu đối chiếu, rà soát, kiểm tra việc kê khai thuế, hoàn thuế…, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế.

Hệ thống công nghệ thông tin đã phát triển toàn diện

Cùng với việc triển khai thanh công hệ thống HĐĐT, ngành Thuế cũng đã triển khai dịch vụ đăng ký, nộp thuế điện tử qua ứng dụng eTax Mobile. Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra ngày càng sâu rộng, sự phát triển của công nghệ thông tin (CNTT) đang làm thay đổi các hành vi kinh doanh truyền thống, đem lại những tiện ích mới cho khách hàng, đồng thời đặt các cơ quan quản lý vào tình huống chưa có các biện pháp quản lý phù hợp, đặc biệt là các biện pháp quản lý thu thuế.

Để quản lý thuế hiệu quả hoạt động kinh doanh trên các nền tảng CNTT, Tổng cục Thuế đã xây dựng, vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) và Cổng tiếp nhận thông tin thương mại điện tử trong nước.

Đến cuối tháng 5/2023, đã có 55 NCCNN đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua cổng thông tin điện tử, tổng số thu ngân sách nhà nước các NCCNN đã khai, nộp trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử từ 1/1/2023 đến nay là 3.401 tỷ đồng; trong đó: thuế GTGT là 1.717 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp là 1.684 tỷ đồng.

Ngoài việc triển khai các ứng dụng quản lý thuế nêu trên, Tổng cục Thuế đã hoàn thành kết nối hệ thống tích hợp với Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư để sử dụng mã căn cước công dân xác thực số định danh cá nhân và tổ chức khi thực hiện các thủ tục hành chính thuế…, tiến tới sử dụng mã định danh cá nhân làm mã số thuế.

Việc sử dụng mã định danh cá nhân làm mã số thuế giúp minh bạch, thống nhất thông tin quản lý và dùng chung dữ liệu với CSDL quốc gia về dân cư, nên đảm bảo việc định danh chính xác được thông tin NNT là cá nhân, giảm thiểu sai sót trong quá trình NNT thực hiện thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho cho rằng, với kinh nghiệm hơn 30 năm triển khai ứng dụng CNTT trong các công tác quản lý thuế và 13 năm cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hệ thống CNTT ngành Thuế đã phát triển một cách toàn diện, ứng dụng CNTT trong tất cả các khâu của quy trình quản lý thuế góp phần xây dựng ngành Thuế hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả được tổ chức, DN, cá nhân và toàn xã hội ghi nhận và đánh giá cao.

Thường xuyên bồi dưỡng kỹ năng số cho cán bộ, công chức thuế

Với các kết quả đã đạt được, trong 2 năm liên tiếp, Tổng cục Thuế vinh dự được nhận Giải thưởng Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc năm 2021 - 2022. Giải thưởng cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc là động lực cho ngành Thuế tiếp tục mở rộng, triển khai các dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực thuế phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN), đồng thời đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số trong ngành Thuế trong giai đoạn tiếp theo, góp phần nâng cao hình ảnh của cơ quan thuế đối với các người dân, DN.

Tuy nhiên, theo Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh, thời gian tới, nhiệm vụ triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của ngành Thuế còn rất nặng nề và cấp bách, cần sự vào cuộc khẩn trương, đồng bộ của cơ quan thuế các cấp. Theo đó, lãnh đạo Tổng cục Thuế yêu cầu cơ quan thuế các cấp, đặc biệt là hệ thống CNTT ngành Thuế cần tập trung nguồn lực phối hợp triển khai, đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó xem phát triển nguồn nhân lực là giải pháp then chốt để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả và bền vững.

Đồng thời, cần tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng số, kỹ năng phân tích và xử lý dữ liệu; kỹ năng quản trị vận hành hệ thống CNTT cho cán bộ, công chức hàng năm, để sẵn sàng chuyển đổi môi trường làm việc sang môi trường số và cùng tham gia vào quá trình chuyển đổi số.

Môi trường kinh doanh