CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Nghị quyết 68-NQ/TW: 'Bệ phóng' phát triển công nghiệp văn hoá và du lịch Việt

Invest Global 09:10 20/05/2025

Sự thành công vang dội của các video ca nhạc, các bộ phim quốc tế quay tại Việt Nam và đà tăng trưởng mạnh mẽ của ngành du lịch cho thấy công nghiệp văn hóa không còn là “sân chơi phụ” mà đang trở thành động lực phát triển thực sự. Trong bối cảnh đó, Nghị quyết 68-NQ/TW được kỳ vọng sẽ là cú hích chiến lược.

Sau gần 3 tháng ra mắt, MV “Bắc Bling” của ca sĩ Hòa Minzy đã thu hút hơn 197 triệu lượt xem trên YouTube, lọt vào top 5, top 10 tại nhiều quốc gia như Australia, Singapore và Hàn Quốc.

Từ sản phẩm văn hóa đến công nghiệp du lịch

 Đáng nói, không chỉ là thành công về mặt âm nhạc, MV này còn tạo ra hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ đến ngành du lịch khi bối cảnh quay MV tại tỉnh Bắc Ninh nhanh chóng trở thành điểm đến được nhiều khán giả trong và ngoài nước tìm kiếm. Những hình ảnh đậm chất văn hóa như áo tứ thân, dân ca Quan họ, làng quê yên bình… đã góp phần khơi gợi một cách sống động bản sắc vùng miền, từ đó kích thích hành vi du lịch thực tế.

Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh xác nhận rằng các tour miễn phí vào cuối tuần tại đây thường xuyên “kín chỗ”, và lượng du khách tự phát cũng tăng lên đáng kể từ khi MV được phát hành. Bắc Bling là một ví dụ tiêu biểu cho cách một sản phẩm văn hóa đại chúng có thể tác động trực tiếp đến ngành du lịch – không chỉ quảng bá hình ảnh mà còn tạo ra giá trị kinh tế cụ thể.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phan Tâm dẫn báo cáo của UNESCO khẳng định, công nghiệp văn hóa đang ngày càng chứng minh vai trò là một trụ cột của tăng trưởng hiện đại, đóng góp khoảng 3,1% GDP toàn cầu, tạo ra gần 30 triệu việc làm và ngày càng trở thành động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác, đặc biệt là du lịch.

 Các quốc gia phát triển như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Anh, Mỹ… đều tận dụng công nghiệp văn hóa như một công cụ thúc đẩy du lịch. Điện ảnh, âm nhạc, thời trang, thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật thị giác… đã trở thành các “chất xúc tác” thu hút du khách quốc tế và khiến họ quay trở lại nhiều lần.

-4471-1747642010.jpg

Ninh Bình phục dựng và tái hiện cảnh sinh hoạt văn hóa của cư dân cổ Tràng An tại đảo Khê Cốc sau thành công của bộ phim Hollywood quay tại đây.

Việt Nam cũng đang bước vào giai đoạn tăng trưởng mạnh về du lịch. Năm 2024, nước ta đón 17,6 triệu lượt khách quốc tế, vượt qua Singapore với 16,5 triệu lượt. Riêng quý I/2025, đã có hơn 6 triệu lượt khách quốc tế – mức cao kỷ lục từ trước đến nay theo quý.

Trong bài viết mới đây, TS Bùi Quốc Liêm, giảng viên ngành Truyền thông chuyên nghiệp, Khoa Truyền thông và Thiết kế, Đại học RMIT Việt Nam nhận định, âm nhạc, cùng với điện ảnh đang trở thành công cụ “sức mạnh mềm” giúp lan tỏa hình ảnh đất nước, nâng tầm du lịch Việt Nam trên bản đồ toàn cầu.

Thành công trước đây như bộ phim “Kong: Đảo đầu lâu”- với các cảnh quay tại Ninh Bình, Quảng Bình, Quảng Ninh - từng khiến lượng khách quốc tế vào tháng 2/2017 tăng tới 42,2% so với cùng kỳ. Hay gần đây, phim Netflix “A Tourist’s Guide to Love” - quay tại 6 địa phương của Việt Nam - cũng lọt top 10 tại 89 quốc gia và đứng đầu tại 19 quốc gia, cho thấy, khi được đầu tư đúng hướng, sản phẩm văn hóa hoàn toàn có thể trở thành đòn bẩy chiến lược cho ngành du lịch.

Nghị quyết 68 – Cú hích cho công nghiệp văn hóa

Trong bối cảnh nói trên của công nghiệp văn hoá và du lịch, Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân ra đời. Cùng với đó, cuối tuần qua, Quốc hội thông Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Chính phủ cũng có kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết của Quốc hội. Đây được đánh giá là những “bước gỡ rào” cho nền kinh tế tư nhân, trong đó có các doanh nghiệp làm văn hóa.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang, trước Nghị quyết 68, vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong sáng tạo và phát triển các sản phẩm văn hóa còn mờ nhạt, ít được chú trọng. Chính vì vậy, nhiều trường hợp, ý tưởng dù đột phá, giàu tính sáng tạo không thể chuyển hóa thành sản phẩm thực tế mà thường bị “đóng khung” trong các bản thảo, đề xuất.

Ngoài ra còn có khó khăn về nguồn vốn. Doanh nghiệp tư nhân làm văn hóa cần có “vốn dài hạn”, bởi các sản phẩm đòi hỏi đầu tư trường kỳ. “Một sản phẩm văn hóa từ lúc “thai nghén” đến khi đi vào thực tiễn, cho đến lúc có lãi là một bài toán sử dụng vốn tài chính dài hơi và liên tục”, ông Giang cho biết.

Chuyên gia cũng nhắc đến "vốn xã hội", nếu không am hiểu thị hiếu công chúng, xu hướng tiêu dùng văn hóa và không cập nhật dòng chảy xã hội, thì sản phẩm dù có đầu tư vẫn khó “sống sót”.

Nghị quyết 68 ra đời đã trao quyền mạnh mẽ hơn cho khu vực kinh tế tư nhân, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, đổi mới sáng tạo và phát triển các sản phẩm phục vụ xã hội. Theo ông Giang, đối với lĩnh vực văn hóa, điều này càng có ý nghĩa quan trọng, bởi khi môi trường pháp lý trở nên thông thoáng và cởi mở hơn, các doanh nghiệp tư nhân sẽ có cơ hội phát huy tiềm lực sáng tạo, góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa dân tộc và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.

Nghị quyết đi vào cuộc sống, sẽ thúc đẩy hình thành một “hệ thống” doanh nghiệp tư nhân làm văn hóa. Từ đó tăng tính cạnh tranh sáng tạo, đa dạng hóa các sản phẩm. Đồng thời góp phần tạo dựng “tính chuyên nghiệp” và “tính quốc tế” đối với các sản phẩm.

“Nghị quyết sẽ tạo cú hích cho “công tác quản trị văn hóa”, từ đó giảm vai trò “can thiệp trực tiếp”, từng bước xác lập vai trò “phân cấp, phân quyền và quy trách nhiệm” trong hoạt động sản xuất các sản phẩm văn hóa. Một khi môi trường sản xuất các sản phẩm văn hóa được đảm bảo cạnh tranh công bằng, tự do hóa thương mại, thì khi ấy chắc chắn chúng ta sẽ có một nền công nghiệp văn hóa vững mạnh và xứng tầm”, chuyên gia kỳ vọng.

Cuối tuần qua, Việt Nam đã lần đầu tiên tổ chức Đêm Điện ảnh Việt Nam tại Cannes – một trong những liên hoan phim danh giá và có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới. Đây là bước đi đột phá trong nỗ lực đổi mới nội dung và phương thức xúc tiến du lịch, đưa điện ảnh trở thành “cầu nối mềm” lan tỏa vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.

Chỉ còn ít ngày nữa, mùa du lịch hè sẽ chính thức bắt đầu. Với những cú hích như Nghị quyết 68, cùng hành động cụ thể của các cơ quan, ban ngành và doanh nghiệp, hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng, sự hiện diện của văn hóa Việt sẽ ngày càng rõ nét của trên các sân khấu, sự kiện toàn cầu. Công nghiệp văn hóa sẽ là động cơ mới, kéo theo sự bứt phá mạnh mẽ của công nghiệp du lịch năm nay và trong những năm tới.

-1369-1747642010.jpg

 Ông Nguyễn Cao Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình

 Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đảm bảo hài hòa giữa khai thác và bảo tồn, phát huy giá trị di sản, tỉnh Ninh Bình xác định cần tiếp tục đánh thức kho báu di sản văn hoá, biến văn hóa thành động lực - thông qua công nghiệp văn hóa, sáng tạo, hình thành các sản phẩm du lịch độc đáo, kết hợp với các giá trị văn hoá bản địa, nghệ thuật, ẩm thực, làng nghề...

-7707-1747642010.jpg

 Ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam

 Chúng tôi đang nỗ lực xây dựng một môi trường thuận lợi cho các hoạt động sản xuất phim, hỗ trợ tối đa cho các đoàn làm phim nước ngoài, đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong xúc tiến điểm đến qua điện ảnh và truyền thông số. Những nỗ lực đó không chỉ nhằm thúc đẩy du lịch, mà còn góp phần đưa Việt Nam hội nhập sâu hơn vào dòng chảy sáng tạo toàn cầu”.

-1304-1747642010.jpg

 PGS.TS Bùi Tất Thắng - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển

 Với sự ra đời của Nghị quyết 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, Hà Nội và các tỉnh trong vùng cần nghiên cứu cơ chế, chính sách thu hút, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, thu hút nguồn lực tư nhân đầu tư cho phát triển văn hóa. Khi đó, phát triển văn hóa mới ngang tầm kinh tế.

Đỗ Kiều