CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Gần đây, khi tham dự một hội thảo của Bộ Công Thương bàn về giải pháp phát triển thị trường trong nước, đại diện Công ty TNHH sản xuất thương mại T.K.P (chuyên sản xuất rượu vang thanh long ở tỉnh Bình Thuận) có bày tỏ bức xúc khi không được vay vốn từ phía ngân hàng nên đành phải vay nóng với lãi suất 48%/năm từ một cá nhân bên ngoài.
Trớ trêu vay nóng lãi cao
Điều đáng nói, như chia sẻ từ người đại diện Công ty T.K.P, phía cá nhân (cho công ty vay với lãi suất cao) lại là người đầu tư bất động sản rồi dùng bất động sản đó thế chấp vay vốn ngân hàng, sau đó cho vay ngược lại với doanh nghiệp (DN).
Cạn tiền và khó tiếp cận vốn vay khiến cho nhiều DN sản xuất nhỏ và vừa chỉ loay hoay với máy móc cũ, nên sức cạnh tranh yếu.
Theo vị đại diện này, đây là điều nghịch lý khi có những cá nhân đầu tư vào đất nhưng chỉ phục vụ cho cá nhân mình chứ không tạo ra giá trị thặng dư, không tạo nên GDP cho quốc gia, còn bản thân DN phải dành tiền, tài sản để mua sắm thiết bị, khi đã dồn hết tiền bạc vào sản phẩm cũng là lúc cần phải đi vay, nhưng hầu như các ngân hàng đều lắc đầu.
“Phía ngân hàng xem tài sản dây chuyền sản xuất của công ty không phù hợp với họ. Chúng tôi không vay được từ ngân hàng vì không có đất. Phía ngân hàng quan niệm phải giữ tài sản thế chấp là đất rồi mọi chuyện tính sau, họ không hòa chung cùng mục đích với DN là tạo ra giá trị cho xã hội. Như vậy công bằng ở đâu? Và một khi đã vay nóng thì DN vừa lo sản xuất, lo đầu ra và vừa phải lo trả “lãi nóng”, như thế làm sao phát triển được”, vị đại diện Công ty T.K.P bộc lộ sự không hài lòng trước nghịch lý này.
Trên thực tế, đây cũng là trăn trở chung của nhiều DN sản xuất khi mà dòng vốn từ nhiều ngân hàng vẫn chảy mạnh vào bất động sản. Thông tin đưa ra tại hội thảo do báo Tiền Phong tổ chức ở Tp.HCM vào ngày 27/5 với chủ đề “Xử lý nợ xấu: Đâu là giải pháp hài hòa”, đã cho thấy tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực cho vay bất động sản tại các ngân hàng đang có xu hướng gia tăng.
Theo thống kê mới nhất, tổng nợ xấu của 27 ngân hàng niêm yết tại Việt Nam đã vượt 265 nghìn tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến tháng 5/2025, dư nợ tín dụng bất động sản tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản đạt hơn 1,56 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 260.000 tỷ đồng so với cuối năm 2024, tương ứng mức tăng 20%.
Ngoài ra, tổng dư nợ tín dụng bất động sản có thể đạt khoảng 3,8 - 3,9 triệu tỷ đồng nếu tín dụng toàn hệ thống tăng trưởng đạt mục tiêu 16% trong năm 2025. Trong đó, tín dụng chủ yếu tập trung vào các DN bất động sản, trong khi cá nhân vẫn chưa mặn mà vay mua nhà do giá nhà còn cao.
Như vậy có thể thấy những bức xúc của vị đại diện Công ty TNHH sản xuất thương mại T.K.P là hoàn toàn chính đáng khi mà dòng vốn ngân hàng vẫn chưa được ưu tiên dồn nhiều hơn vào lĩnh vực sản xuất, khiến cho họ cạn tiền dẫn tới phải vay nóng, lãi cao với nhiều rủi ro.
Trong khi đó, các DN sản xuất trong nước đang có nhiều việc cần làm và cần đến dòng vốn vay để đầu tư phục vụ sản xuất kinh doanh và ứng phó với các rủi ro biến động như hiện nay.
Chẳng hạn như trước chính sách thuế đối ứng của Mỹ, theo giới chuyên gia, một trong những định hướng chiến lược cho các DN xuất khẩu là đầu tư công nghệ chế biến và nâng cao giá trị gia tăng. Nhất là đầu tư vào tự động hóa, dây chuyền công nghệ cao và kiểm soát chất lượng nhằm giúp tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe. Tuy nhiên, nếu như các DN sản xuất vẫn khó tiếp cận vốn tín dụng (một trong những nguyên do là thiếu tài sản thế chấp) thì lấy đâu ra nguồn tiền để họ có thể đầu tư.
Một thực trạng chung của của nhiều DN trong việc khó tiếp cận vốn vay là điều kiện vay vốn khắt khe (nhiều DN không đáp ứng đủ điều kiện vay vốn do tình hình tài chính suy yếu), rồi do rủi ro nợ xấu tăng cao từ các DN bất động sản làm cho ngân hàng thận trọng hơn trong việc cấp tín dụng.
Cần đảm bảo công bằng cơ hội tiếp cận vốn
Ngoài ra, một số ngân hàng hàng chỉ chấp nhận tài sản đảm bảo là bất động sản, không nhận các loại tài sản khác như cổ phiếu niêm yết hoặc quyền tài sản phát sinh. Hơn thế nữa, các quy trình phê duyệt hồ sơ vay vốn còn chậm, gây khó khăn cho DN sản xuất trong việc tiếp cận nguồn vốn.
Xét về nghịch lý “đói vốn” của các DN sản xuất, qua trao đổi với VnBusiness, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH chế biến thủy sản Khánh Trang, đã chỉ rõ bài học từ những vụ án lớn có liên quan đến ngân hàng và các DN bất động sản đã cho thấy một khi vẫn còn lợi ích nhóm và sân sau thì con đường tiếp cận vốn của DN vừa và nhỏ sẽ vẫn còn đầy trắc trở.
Theo ông Tuấn, nếu như các ngân hàng chậm gỡ rối những yêu cầu khắt khe về tài sản thế chấp, điều kiện vay tín chấp sẽ càng làm cho “sức khỏe” của các DN sản xuất trở nên suy kiệt.
Còn theo đề xuất gần đây của ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep) nhân nói về việc phát triển kinh tế tư nhân, đó là chính sách không chỉ cần có ưu đãi về hạn mức tín dụng và lãi suất thấp cho DN tư nhân, đặc biệt là DN nhỏ, DN ngành nông nghiệp mà cần đảm bảo sự công bằng trong cơ hội tiếp cận vốn.
Như chia sẻ của ông Nam, phải quy định huy động sự tham gia tích cực của các Quỹ hiện có do Nhà nước quản lý để cùng các Ngân hàng thương mại thực hiện các chính sách này. Nhất là sửa đổi điều kiện cho vay đối với nhóm DN tư nhân, đặc biệt DN nhỏ, siêu nhỏ và các DN - hộ gia đình ngành nông nghiệp để nới rộng các khả năng tiếp cận vốn vay đối với nhóm này – thay vì chỉ những tài sản nào được cấp quyền sở hữu và ghi vào giấy (chứng nhận quyền sử dụng đất…) mới cho đăng ký tài sản thế chấp (Điều 25, 44 nghị định 99/2022/NĐ-CP) để làm điều kiện vay vốn thì có thể xem xét đến cả tài sản đã đầu tư, tài sản hình thành trong tương lai và tín chấp.
Xét cho cùng, để hóa giải nghịch lý “đói vốn” của DN sản xuất giữa bối cảnh tăng nợ xấu ở lĩnh vực bất động sản đang cần khâu hoạch định chính sách và các ngân hàng tiếp tục lưu tâm và cầu thị để đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận vốn, cũng như nắn chỉnh dòng vốn vay chảy đúng hướng.
Thế Vinh