CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Người Thái vẫn chiếm lĩnh thị trường bia Việt

Invest Global 09:05 02/01/2020

Thời gian qua, các hãng bia ngoại đã mở rộng quy mô, đầu tư xây dựng mới nhiều nhà máy tại Việt Nam cùng với nhiều chiến lược kinh doanh để tăng thị phần. Nổi bật nhất trong số những “đại gia” ngoại này là ThaiBev với “chiêu” liên tiếp thâu tóm các doanh nghiệp bia nội địa.

Mới đây, Thai B e v e r a g e ( T h a i B e v ) thông báo về việc tăng vốn tại CTCP Bia Sài Gòn – Lâm Đồng. Theo đó, ThaiBev đã thông qua Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) hoàn tất việc nâng vốn điều lệ của Bia Sài Gòn - Lâm Đồng lên 200 tỷ đồng.

Với việc góp thêm 86 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ, Sabeco đã nâng tỷ lệ sở hữu tại Bia Sài Gòn - Lâm Đồng từ 20% lên 52,91%. Hai cổ đông sáng lập khác của Bia Sài Gòn – Lâm Đồng nắm chưa đến 2% cổ phần sau khi tăng vốn, phần còn lại thuộc về nhóm cổ đông khác có trụ sở tại Lâm Đồng.

Tham vọng mở rộng

Theo đó, Bia Sài Gòn- Lâm Đồng cũng thay đổi Chủ tịch HĐQT từ ông Nguyễn Thành Nam (nguyên Tổng giám đốc Sabeco) thành ông Teo Hong Keng (Phó Tổng giám đốc Sabeco hiện tại).

Công ty của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi cho biết Sabeco sử dụng dòng tiền từ hoạt động để tài trợ cho việc tăng vốn, qua đó giúp ThaiBev có thêm một công ty con hoạt động trong lĩnh vực sản xuất bia rượu tại Việt Nam. Việc góp vốn này không tác động trọng yếu đến thu nhập trên mỗi cổ phiếu và tài sản ròng của phía ThaiBev.

Trước đó, hồi tháng 10/2017, Sabeco góp 20 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất bia Sài Gòn tại Lâm Đồng. Sabeco kỳ vọng Nhà máy Bia Sài Gòn - Lâm Đồng sau xây dựng sẽ có công suất thiết kế 100 triệu lít mỗi năm, sản xuất các sản phẩm Bia Sài Gòn (bao gồm cả sản phẩm cận cao cấp, cao cấp) trên cấu hình thiết bị, công nghệ sản xuất bia theo tiêu chuẩn của Sabeco.

Tuy nhiên, đến ngày 16/3/2018, CTCP Bia Sài Gòn – Lâm Đồng mới được thành lập. Tại thời điểm đó, CTCP Bia Sài Gòn – Lâm Đồng có vốn điều lệ là 100 tỷ đồng.

Đầu tháng 12/2019, một số nguồn tin cho biết ThaiBev đang xem xét kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trên sàn chứng khoán Singapore đối với mảng sản xuất bia với mục tiêu huy động vốn lên đến 2,5 tỷ USD. Nhiều đồn đoán cho rằng với động thái này, ThaiBev đang muốn thoái vốn tại Sabeco.

Tuy nhiên, mới đây, tập đoàn này đã phủ nhận thông tin trên và rất tự tin vào hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. ThaiBev đánh giá Việt Nam tiếp tục là một trong những thị trường cốt lõi và không thể thiếu trong mục tiêu trở thành tập đoàn hàng đầu trong ngành đồ uống của khu vực.

Trong kết quả kinh doanh niên độ 2018-2019 của ThaiBev, doanh thu bán hàng của Sabeco tăng trưởng 44% đóng góp chính trong kết quả doanh thu hơn 267 tỷ Baht (tương đương 206.000 tỷ đồng) của Tập đoàn mẹ.

Theo Lancet, Việt Nam, Ấn Độ và Nhật Bản là 3 quốc gia có lượng rượu bia tiêu thụ tăng nhanh nhất trong thập niên qua, trong đó mức tăng của Việt Nam là 90%, cao nhất thế giới, với sản lượng tiêu thụ bình quân là trên 4,2 tỷ lít bia mỗi năm. Sự hấp dẫn của thị trường này đã khiến “ông trùm” ngành bia Thái Lan ngày càng muốn mở rộng hoạt động tại Việt Nam.

Số liệu của FPT Securities năm 2018 đã chỉ ra cơ cấu thị phần của các hãng bia tại Việt Nam. Theo đó, Sabeco đang đứng đầu về thị phần với 40,9%, kế đó là Heineken Việt Nam chiếm 23%, Habeco là 18,4%, Carlsberg Việt Nam là 8% và 9,7% còn lại chia đều cho các công ty khác. Trong năm 2019, các con số có xê xích nhưng vị trí các hãng không thay đổi.

Sabeco vẫn bỏ xa các đối thủ khác trên thị trường bia Việt

Cuộc đua không cân sức

Để giành lại thị phần với Sabeco, Heineken vừa qua đã tung ra phiên bản mới là Heineken lager và mở rộng phạm vi ra các vùng ngoại ô, nông thôn với nhãn hiệu bia Tiger tầm trung cũng như Larue và Bivina có giá thấp hơn.

Tuy nhiên, để đối phó với Tiger, Sabeco sử dụng Saigon Special với giá bán cao hơn 30% so với các sản phẩm khác của hãng. ThaiBev sử dụng một chiến lược tương tự với bia Chang vào năm 2014 để nâng thị phần của bia Chang tại Thái Lan từ dưới 30% lên trên 40% trong vòng 2 năm.

Thế mạnh của Sabeco là đang có hơn 20 nhà máy sản xuất bia trên cả nước khai thác mạnh tại thị trường miền Nam. Đồng thời còn có cả quy trình sản xuất bao bì kim loại riêng. Sabeco có 2 thương hiệu bia mang tính biểu tượng và có truyền thống tại Việt Nam là Bia Sài Gòn và 333. Ngoài ra, Sabeco đang đẩy mạnh các thương hiệu Saigon Special.

Với hàng loạt động thái mới trong hoạt động sản xuất kinh doanh, trong 9 tháng đầu năm, Sabeco đã đạt doanh thu bán hàng hóa là 20.333 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2018 chỉ là 17.983 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần của hoạt động kinh doanh 9 tháng đầu năm đạt 4.489 tỷ đồng; cao hơn mức 3.347 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.

Cũng có những bước đi để cải thiện tình hình, Habeco trong năm 2019 xác định triển khai chiến lược kinh doanh theo 2 mũi nhọn: Làm mới hình ảnh Bia Hà Nội trong mắt khách hàng, từ bia hơi đến bia chai Hà Nội, bia Trúc Bạch.

Để gần gũi hơn với nhóm khách hàng trẻ tuổi, Habeco đã giới thiệu 2 sản phẩm mới là Hanoi Bold và Hanoi Light thuộc phân khúc bia cao cấp, được xem là khác biệt với những sản phẩm trước đó của hãng, nhưng so với thị trường chung vẫn còn lép vế.

Vân Linh

Doanh nghiệp - Doanh nhân