CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Nhân rộng mô hình nuôi tôm theo công nghệ mới

Invest Global 15:14 08/10/2020

Người nuôi tôm ở các tỉnh ven biển ĐBSCL được yểm trợ giải pháp kỹ thuật mới, ứng dụng cho mô hình nuôi tôm cải tiến để thích ứng biến đổi khí hậu.

Những năm gần đây người nuôi tôm thường xuyên đối mặt nhiều rủi ro trước tác động bất thường của thời tiết và dịch bệnh. Từ nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến sang nuôi bán thâm canh, thâm canh với mật độ thả nuôi cao đã tác động nhiều đến môi trường,  phát sinh dịch bệnh.

Nuôi tôm quảng canh thuận thiên ở Sóc Trăng. Ảnh: XT.

Hiện nhiều hộ đã chú trọng áp dụng giải pháp kỹ thuật nuôi mới để giảm thiểu rủi ro dịch bệnh. Các cơ quan chuyên ngành thủy sản, các viện, trường và chính quyền địa phương đã chuyển giao, tập huấn kỹ thuật từ mô hình SX thí điểm hiệu quả, giảm thiểu rủi ro.

Tại 8 tỉnh có vùng nuôi tôm nước lợ ở ĐBSCL đã đầu tư nhiều trang bị phương tiện thiết bị kỹ thuật phục vụ cho nghề nuôi tôm. Vùng ven biển thường xuyên đối phó hạn, mặn như các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang…đã lắp đặt các phao quan trắc tự động, giám sát liên tục và truyền số liệu tại các cửa sông vùng nuôi tôm.

Qua đó, cơ quan thủy sản địa phương định kỳ lấy số liệu về môi trường, chất lượng nước kịp thời, dự báo diễn biến thời tiết và khuyến cáo lịch thời vụ thích hợp. Thường xuyên kiểm tra chất lượng con giống và các dịch vụ kỹ thuật cần thiết để đảm bảo trong quá trình tôm nuôi an toàn, hiệu quả.

Vụ tôm 2020, các cơ quan chuyên môn dự báo năm nay lũ nhỏ. Vào những tháng cuối năm ĐBSCL bước vào mùa mưa, lũ, khả năng mật độ bão hoạt động trên khu vực biển Đông gia tăng. Đỉnh lũ ở đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng xảy ra vào nửa đầu tháng 10. Trong thời gian mưa lũ nước từ thượng nguồn đổ về lớn, mang theo nhiều vật chất hữu cơ, rác và các chất thải khác từ nhà máy, sinh hoạt của cộng đồng, thuốc bảo vệ thực vật từ đồng ruộng chảy ra sông… làm nguồn nước bị ô nhiễm, gây biến động các yếu tố môi trường ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng, phát triển của tôm nuôi.

 

Tỉnh Sóc Trăng dẫn đầu công tác cấp mã số, cho các cơ sở đăng ký nuôi tôm. Ảnh: HĐ.

Theo khuyến cáo của Tổng cục Thủy sản, các địa phương thường xuyên cập nhật, thông báo đến các địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người nuôi tôm và doanh nghiệp, đồng thời dự báo diễn biến nhu cầu của thị trường tiêu thụ để có kế hoạch thả giống điều kiện thời tiết thích hợp.

Từ đầu năm đến nay, Tổng cục Thủy sản tiếp tục giao Viện Nghiên cứu NTTS II phối hợp với các tỉnh ĐBSCL triển khai quan trắc môi trường tại 37 điểm vùng nuôi tôm nước lợ thuộc 5 tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Thông số quan trắc: nhiệt độ, pH, DO, độ kiềm, độ mặn... với tần suất quan trắc 2 tuần/lần đối với vùng nuôi tôm nước lợ tập trung và 1 tuần/lần đối với vùng nuôi tôm nước lợ xuất khẩu. Các thông số kim loại nặng Cd, Pb, Hg, TBVTV gốc carbamate, họ cúc tần suất 2 lần/năm… thông báo kết quả quan trắc và khuyến cáo các giải pháp kỹ thuật kịp thời đến các cơ quan quản lý vùng nuôi thủy sản ở địa phương.

Việc thực hiện tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường, dịch bệnh tại các vùng nuôi tôm nước lợ để kịp thời khuyến cáo, hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh giúp người nuôi tôm hiệu quả, giảm thiểu tối đa thiệt hại trong tình hình thời tiết biến đổi thất thường.

PGS.TS Châu Tài Tảo, Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ:

Phát triển kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh và tôm sú quảng canh cải tiến theo công nghệ biofloc giúp nâng cao tỷ lệ tôm sống. Các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang triển khai ương nuôi tôm sú quảng canh cải tiến trên ruộng với tổng cộng 12 mô hình. Ương tôm sú giống 1 tháng bằng công nghệ biofloc sau đó chuyển qua ao nuôi tôm thương phẩm 3 tháng bằng công nghệ biofloc. Nhiều hộ đã mở rộng SX, kinh doanh tôm giống quanh năm. 

Doanh nghiệp - Doanh nhân