CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Vốn điều lệ các ngân hàng nhỏ nhiều năm nay không thể tăng. Nguồn: Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 6-2019. |
Nghị quyết Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn công nghệ CMC (CMC) cho biết, Hội đồng quản trị đã ủy quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Nguyễn Trung Chính hoàn tất việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần Ngân hàng Bảo Việt.
Theo báo cáo của ngân hàng, CMC sở hữu 10,3% vốn, tương đương hơn 324 tỉ đồng theo mệnh giá, tính đến hết tháng 6-2019. Hai cổ đông lớn còn lại là Tập đoàn Bảo Việt (sở hữu 49,5%) và Vinamilk (14%). Hiện vẫn chưa rõ CMC sẽ thoái vốn với giá trị bao nhiêu và cho đối tác nào.
Đây là khoản đầu tư của CMC trong trào lưu các tập đoàn kinh tế tham gia góp vốn thành lập ngân hàng vào giai đoạn 2008 - 2009. Mới đây, một công ty thành viên Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) đã hoàn tất đầu tư mua lại thêm 25% cổ phần CMC (tổng số gần 30%), cùng mục tiêu đẩy mạnh chiến lược công nghệ. Vì vậy, cũng dễ hiểu khi CMC có thêm “động lực” quan trọng để kết thúc thương vụ nhiều năm qua với một ngân hàng nhỏ có vốn điều lệ 3.150 tỉ đồng.
CMC thoái vốn trong bối cảnh kết quả hoạt động kinh doanh của Ngân hàng Bảo Việt đang đi xuống. Theo báo cáo tài chính soát xét nửa đầu năm 2019, lợi nhuận sau thuế ngân hàng chỉ đạt hơn 10,6 tỉ đồng, giảm 42,4% so với cùng kỳ. Tổng tài sản của ngân hàng đạt 52.159 tỉ đồng, dư nợ cho vay đạt 24.650 tỉ đồng, lần lượt giảm gần 6,7% và 3,1% so với hồi đầu năm.
Đáng chú ý, kết quả kinh doanh đi xuống không chỉ diễn ra ở Ngân hàng Bảo Việt mà còn nhiều nhà băng khác. Chẳng hạn, lợi nhuận sau thuế của Ngân hàng Việt Á trong 6 tháng đầu năm nay chỉ đạt 65 tỉ đồng, giảm gần 26% so với cùng kỳ, một phần lý do vì thu nhập lãi thuần (nguồn thu chính của các nhà băng) giảm 15,2% so với cùng kỳ.
Ở trường hợp của ngân hàng NCB, lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng gần 32% so với cùng kỳ, tuy nhiên đóng góp chủ yếu là vì chi phí trích lập giảm (trên 40%), trong khi lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng lại giảm gần 31%.
Không chỉ hoạt động khó khăn trong bối cảnh kinh doanh ngày càng khốc liệt, trong vài năm trở lại đây, vị trí lãnh đạo cấp cao ở một số ngân hàng nhỏ thay đổi liên tục. Chẳng hạn như ngân hàng Bảo Việt đã bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Thanh Hường đảm nhiệm chức vụ Quyền Tổng giám đốc ngày 13-9 vừa qua. Vị trí này được chuyển giao liên tục trong nhiều năm qua, lần gần nhất bổ nhiệm là vào tháng 11-2018. Tương tự, hồi tháng 7 mới đây, ngân hàng NCB chính thức bổ nhiệm Ủy viên Hội đồng quản trị, Phó Tổng giám đốc giữ chức vụ Tổng giám đốc.
Ngân hàng Bảo Việt sẽ có những cổ đông mới. Nguồn: Baovietbank |
Theo đề án Tái cấu trúc hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2016 -2020, bên cạnh các ngân hàng yếu kém và kiểm soát đặc biệt, các ngân hàng nhỏ cũng là một trong những “mục tiêu” quan trọng cần tái cấu trúc.
Thống kê cho thấy có khoảng 9 ngân hàng có vốn điều lệ thấp hơn 4.000 tỉ đồng, trong có tên 2 ngân hàng yếu kém đang tái cấu trúc là Ngân hàng Xây dựng và Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GPBank).
Bên cạnh một số ngân hàng chịu sự giám sát đặc biệt, một số ngân hàng còn lại được cơ quan quản lý đồng ý cho “tự tái cấu trúc”. Theo các chuyên gia, dù theo phương án tái cấu trúc nào thì các nhà băng cũng đều phải có thêm dòng tiền thật chảy vào.
Do đó, các ông chủ ngân hàng hoặc tìm thêm cổ đông mới, hoặc phải bỏ tiền túi tăng vốn, trường hợp cuối cùng sẽ phải sáp nhập với ngân hàng khác. Hầu như nhà băng nào cũng đưa ra kế hoạch tăng vốn trong nhiều năm trở lại đây nhưng vẫn chưa thể thực hiện được.
Ngân hàng Bảo Việt cũng là một trong những “tiêu điểm” cần tái cấu trúc. Một lý do là vì Tập đoàn Bảo Việt sẽ phải giảm dần tỉ lệ sở hữu tại ngân hàng (Luật các Tổ chức tín dụng quy định giới hạn sở hữu của một tổ chức kinh tế là 15%). Chính vì vậy, động thái thoái vốn mới đây của CMC được kỳ vọng là một trong những tín hiệu mới trong quá trình M&A Ngân hàng Bảo Việt.
Mới đây cũng có thêm nhiều thông tin trên thị trường M&A các ngân hàng nhỏ và yếu kém. Chẳng hạn, Ngân hàng Đông Á sẽ tổ chức cuộc họp đại hội cổ đông đầu tiên kể từ sau khi đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt vào năm 2015, dự kiến sẽ đem lại những thông tin mới thêm về tình hình ngân hàng. Trước đó nữa, cả 2 ngân hàng 100% vốn nhà nước đang tái cấu trúc là Ngân hàng Đại Dương và Ngân hàng Xây dựng cũng đã có đối tác ngoại “dạm hỏi” mua lại cổ phần.
Có thể nói thị trường ghi nhận thêm những tín hiệu mới trong bối cảnh tình hình M&A các ngân hàng vẫn đang diễn ra hết sức chậm chạp. Thương vụ hiện đang được chờ đợi là PGBank sáp nhập vào HDBank, vốn đã được thông qua chủ trương từ đầu năm 2019 nhưng đến nay vẫn chưa diễn ra.