CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Nhìn lại 100 ngày đầu đầy bão tố của chính quyền Trump 2.0

Invest Global 11:35 29/04/2025

Kể từ khi quay trở lại tiếp quản Nhà Trắng hôm 20/1, Tổng thống Donald Trump đã tạo ra những cơn chấn động cả trong và ngoài nước Mỹ với những quyết định vô tiền khoáng hậu.

Trong 100 ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ 2, Tổng thống Trump đã đưa ra những quyết định gây chấn động trong nội bộ nước Mỹ và thế giới, nhằm thực hiện các mục tiêu trong quá trình tranh cử trên tinh thần đưa "Nước Mỹ vĩ đại trở lại" (MAGA).

Cải cách mạnh mẽ bộ máy chính quyền

Trong quá trình vận động tranh cử, ông Trump đã đề cập đến kế hoạch thành lập Ban Hiệu suất Chính phủ (DOGE) do tỷ phú Elon Musk đứng đầu nhằm cắt giảm chi phí và tinh gọn bộ máy. Kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, DOGE đã gây ra nhiều hỗn loạn, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan liên bang và người dân Mỹ.

Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp tại Phòng Bầu Dục, Nhà Trắng. Ảnh: CNN

Theo Reuters, có ít nhất 20 trường hợp tại 14 cơ quan cho thấy các chính sách của DOGE dẫn đến hậu quả nghiêm trọng: trì trệ trong việc ra quyết định, chi phí tăng cao, nhân sự cấp cao phải làm các công việc không tương xứng, và tình trạng chảy máu chất xám trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ. Trong một số trường hợp, nhân sự các cơ quan trọng yếu của Mỹ bị sa thải nhầm.

Ngày 20/3, ông Trump đã ký sắc lệnh giải thể Bộ Giáo dục của nước này, nhưng quyết định này còn phải qua ải Quốc hội, và bộ này chỉ có thể bị xóa bỏ nếu Đảng Cộng hòa, hiện đang nắm quyền kiểm soát ở cả 2 viện, cần phải gom thêm ít nhất 7 phiếu nữa từ Đảng Dân chủ để có đủ 60 phiếu cần thiết ở Thượng viện.

Một trong những quyết định gây tranh cãi nhất là cắt giảm viện trợ nước ngoài, trong đó Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) bị buộc dừng hơn 80% các chương trình nhân đạo và gần như toàn bộ nhân sự của cơ quan này bị sa thải. Điều này được cho là gây tổn hại đến quyền lực mềm của Mỹ trên thế giới.

DOGE tuyên bố đã giúp tiết kiệm đến 160 tỷ USD, nhưng nhiều ý kiến hoài nghi vì các con số này chưa được kiểm chứng độc lập, và con số này cũng cách xa mục tiêu cắt giảm 2.000 tỷ. Thậm chí, một phân tích của một tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu và vận động về lực lượng lao động chính phủ ước tính người dân Mỹ phải chịu chi phí lên đến 135 tỷ USD trong năm tài chính này do các biện pháp của DOGE.

Một số cơ quan truyền thông ước tính có hơn 100.000, thậm chí trên 200.000, nhân viên của các cơ quan liên bang đã bị sa thải, điều chuyển hoặc cho nghỉ phép hành chính.

Chính sách thuế quan làm thay đổi trật tự thương mại thế giới

Dường như bị ám ảnh với con số thâm hụt thương mại của nước Mỹ, Tổng thống Trump đã tiến hành một loạt biện pháp thuế quan cứng rắn với các đối tác thương mại lớn, thậm chí cả các đồng minh quan trọng như EU, Canada và Mexico.

Đỉnh điểm của chính sách thương mại mang màu sắc MAGA là việc ông Trump ngày 2/4 công bố áp thuế quan đối ứng lên hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ với mức thuế suất từ 10-50% thông qua một công thức chủ yếu dựa trên mức thâm hụt thương mại hàng hóa với từng nước.

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung vẫn chưa có dấu hiệu giảm leo thang. Ảnh: Nikkei Asia

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung lên đến cao trào khi chính quyền Trump áp mức thuế 145% với hàng hóa từ Trung Quốc, thậm chí lên đến 245% với một số mặt hàng từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Chính phủ Trung Quốc đã khẳng định nước này "chiến đến cùng" với Mỹ và nhất quyết không ngồi vào bàn đàm phán cho đến khi Mỹ bỏ các mức thuế quan đó. Ông Trump cho biết quan chức Mỹ-Trung đã đàm phán một thỏa thuận thương mại mới, nhưng phía Trung Quốc liên tục bác bỏ các tuyên bố này.

Các chính sách thương mại và gây sức ép khiến Cục Dự trữ liên bang (Fed) hạ lãi suất đã khiến thị trường tài chính Mỹ và toàn cầu chao đảo, khiến hàng nghìn tỷ USD vốn hóa "bốc hơi".

Trước những phản ứng từ thị trường tài chính Mỹ, ông Trump đã quyết định hoãn áp thuế mới trong vòng 90 ngày, trừ Trung Quốc, để các nước cùng Mỹ đàm phán các thỏa thuận thương mại. Tuy nhiên, điều này có thể gây gánh nặng quá tải với các cơ quan của chính phủ Mỹ khi có hàng chục đối tác "xếp hàng" đàm phán. Ngay cả các đồng minh thương mại quan trọng như Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh cũng khó “chốt” được một thỏa thuận sớm với Mỹ khi các bên đàm phán ở cấp ngành.

Ở góc độ khác, chính quyền Trump công bố rằng các công ty và các chính phủ nước ngoài đến nay đã cam kết đầu tư hơn 5.000 tỷ USD vào nước Mỹ kể từ đầu nhiệm kỳ này.

Chính sách đối ngoại gây sốc

Dù đã đoán định từ trước, nhưng dường như các nước trên thế giới vẫn chưa chuẩn bị tâm lý đón nhận những thay đổi trong chính sách đối ngoại của chính quyền Trump.

Một trong những tham vọng lớn của ông Trump là mua lại đảo Greenland, một vùng lãnh thổ tự trị của Đan Mạch. Ông cũng hàm ý sử dụng đến sức mạnh quân sự và kinh tế để đạt mục đích này. Ngoài ra, việc ông Trump thẳng thắn công bố ý định sáp nhập Canada thành bang thứ 51 của Mỹ cũng đã gây ra căng thẳng giữa hai nước láng giềng.

Phó Tổng thống Mỹ JD Vance thăm Greenland. Ảnh: New York Times

Ngoài ra, ông Trump cũng không úp mở về việc giành lại quyền kiểm soát Kênh đào Panama, cho rằng lợi ích của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng do tuyến hàng hải qua kênh đào bị kiểm soát bởi Trung Quốc.

Đến các đồng minh thân thiết ở châu Âu cũng "nhấp nhổm" khi ông Trump liên tục nhắn nhủ rằng họ "không có trong tay những quân bài mạnh", và liên tục thúc ép các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tăng chi tiêu quốc phòng, cho rằng mức yêu cầu hiện tại của liên minh là 2% GDP nên được nâng lên 5%.

Cho đến nay, ông Trump vẫn chưa thực hiện được lời hứa giải quyết xung đột Nga-Ukraine trong vòng 24 giờ, dù bản thân ông và các quan chức dưới quyền đã thực hiện nhiều nỗ lực để làm trung gian hòa giải giữa các bên. Trong cuộc phỏng vấn với Tạp chí TIME mới đây, ông Trump thừa nhận cam kết sẽ chấm dứt chiến sự Ukraine "vào ngày đầu tiên" sau khi nhậm chức của ông là "cường điệu hóa". Ông cũng cho rằng Ukraine sẽ không thể gia nhập NATO.

Mới đây nhất, Tổng thống Trump và người đồng cấp Ukraine Zelensky đã có cuộc gặp ngắn tại lễ tang Giáo hoàng Francis, đánh dấu cuộc gặp lần đầu tiên giữa hai người kể từ cuộc gặp đầy kịch tính tại Nhà Trắng hôm 28/2. Cuộc gặp này làm dấy lên hy vọng nỗ lực giải quyết xung đột Nga-Ukraine có tiến triển sau khi chính quyền Trump trở nên mất kiên nhẫn với cả 2 bên.

Nhận xét về 100 ngày đầu tiên "hỗn loạn" của chính quyền Trump 2.0, hãng tin Reuters nhận xét ông Trump đã phát động một chiến dịch không thể đoán định được, gây đảo lộn các phần của một trật tự thế giới dựa trên luật lệ mà bản thân Washington góp phần xây dựng kể từ Thế chiến 2. Nghị trình "Nước Mỹ trên hết" đã "khiến bạn bè xa lánh và khiến đối thủ trở nên táo bạo hơn, đồng thời đặt ra câu hỏi về việc ông sẽ đi xa đến đâu".

Còn đài CNN cho rằng 100 ngày đầu tiên của ông Trump đưa thế giới đến bên bờ vực khủng hoảng, gây tổn hại đến uy tín của nước Mỹ là một điểm đến tài chính an toàn và gây lo lắng cho các cử tri vốn đã mất niềm vào sự lãnh đạo của ông.

Một siêu thị tại New York. Ảnh: CNN

Một khảo sát của CNN cho thấy, có đến 59% người dân Mỹ cho rằng các chính sách của Tổng thống Trump đã khiến tình hình kinh tế Mỹ tồi tệ hơn, cao hơn tỷ lên 51% vào tháng 3. Phần lớn người dân Mỹ không hài lòng với nền kinh tế hiện tại và không mấy nhiệt thành với các chính sách thương mại mới của Mỹ. Có 6 trong số 10 người tham gia khảo sát cho rằng các chính sách của Trump đã làm tăng chi phí sinh hoạt trong cộng đồng của họ, chỉ có 12% nói rằng chương trình nghị sự của ông đã giúp hạ giá xuống.

Một cuộc khảo sát Reuters/Ipsos mới nhất cũng cho kết quả tương tự. Chỉ 37% số người được hỏi ủng hộ cách điều hành nền kinh tế của ông Trump, giảm so với mức 42% ít giờ sau khi ông Trump trở lại nắm quyền ngày 20/1 khi ông tuyên bố đưa nước Mỹ vào "Kỷ nguyên vàng".

Như vậy, cả nước Mỹ và thế giới sẽ tiếp tục theo dõi những động thái chính sách mới của chính quyền Trump trong thời gian tới, vốn sẽ ảnh hưởng tới cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm sau.