CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Nhóm cố vấn của ông Trump đề xuất phương án tăng dần thuế quan

Invest Global 09:08 16/01/2025

(KTSG Online) - Các thành viên trong nhóm cố vấn kinh tế của Tổng thống đắc cử Donald Trump đang thảo luận phương án tăng dần thuế quan qua mỗi tháng.

A.I

(KTSG Online) - Các thành viên trong nhóm cố vấn kinh tế của Tổng thống đắc cử Donald Trump đang thảo luận phương án tăng dần thuế quan qua mỗi tháng. Cách tiếp cận này nhằm tăng đòn bẩy trên bàn đàm phán với các đối tác thương mại, đặc biệt là Trung Quốc trong khi tránh giá cả tăng mạnh đột ngột, đẩy lạm phát tăng trở lại.

Chính sách thuế quan của ông Donald Trump đe dọa thương mại toàn cầuNhà sản xuất Mỹ chạy đua tích trữ nguyên liệu và linh kiện để tránh rủi ro thuếMức độ quyết liệt trong chính sách thuế quan sắp tới của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vẫn khó dự báo. Ảnh: Getty Images

Hãng tin Bloomberg hôm 13-1 dẫn các nguồn tin cho biết, một ý tưởng mà nhóm cố vấn kinh tế của ông Trump đang xem xét là tăng thuế nhập khẩu khoảng 2-5% qua mỗi tháng. Biện pháp tăng thuế sẽ dựa vào quyền lực hành pháp của tổng thống Mỹ theo Đạo luật quyền lực kinh tế khẩn cấp quốc tế (IEEPA).

Đề xuất này đang trong giai đoạn thảo luận ban đầu và vẫn chưa được trình lên ông Trump, các nguồn tin cho biết. Các cố vấn đứng đằng sau đề xuất này gồm Scott Bessent, người được đề cử làm Bộ trưởng Tài chính, Kevin Hassett, người sẽ trở thành giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia, và Stephen Miran, người được đề cử làm Chủ tịch Hội đồng Cố vấn kinh tế Nhà Trắng.

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc và các đồng tiền nhạy cảm với nền kinh tế Trung Quốc như đô la Úc và đô la New Zealand tăng giá sau thông tin trên.

Trung Quốc gần đây tăng cường hỗ trợ cho đồng nhân dân tệ vốn đang giao dịch ở sát mức thấp kỷ lục ở thị trường hải ngoại. Tuy nhiên, giới đầu tư kỳ vọng Bắc Kinh cuối cùng sẽ để cho nhân dân tệ suy yếu nếu ông Trump áp thuế cao hơn đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc.

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm ngoái, ông Trump đề xuất mức thuế tối thiểu từ 10-20 % đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu và 60 % trở lên đối với các lô hàng từ Trung Quốc.

Kể từ khi ông Trump đắc cử hồi đầu tháng 11, có nhiều thông tin đưa ra dự đoán về mức độ quyết liệt mà ông sẽ áp dụng cho thuế quan. Bản thân ông Trump bác bỏ bài báo gần đây cho rằng chính quyền mới chỉ triển khai thuế quan hạn chế đối với các mặt hàng và dịch vụ quan trọng.

Tình trạng không chắc chắn khiến nhà đầu tư và doanh nghiệp thấp thỏm.

Vào đầu phiên giao dịch hôm 13-1, chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ có lúc giảm xuống dưới mức điểm đóng cửa vào ngày 5-11, ngay trước khi ông Trump đắc cử.

Gần đây, nhà đầu tư bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ vì lo ngại thuế quan mới sẽ góp phần đẩy lạm phát của Mỹ tăng trở lại, kìm hãm thị trường cổ phiếu và nền kinh tế nói chung.

Khi chỉ còn  chưa đầy một tuần nữa là đến ngày nhậm chức của ông Donald Trump, các nhà kinh tế đã cố gắng phân tích xem các cuộc chiến thương mại mà ông Trump sắp phát động ảnh hưởng đến nền kinh tế lớn nhất thế giới thế nào.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang đối mặt với một kịch bản thách thức. Trong đó, thuế quan mới của Mỹ gây rủi ro cho triển vọng tăng trưởng và có khả năng làm tăng lạm phát nếu các nước trả đũa.

Trao đổi với báo chí vào cuối tuần trước, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva lưu ý, mối đe dọa về thuế quan của Mỹ đã đẩy chi phí vay dài hạn lên cao trên toàn thế giới. Điều đó đang xảy ra ngay cả khi lãi suất ngắn hạn đã giảm xuống, một sự kết hợp “rất bất thường”, bà nói.

Người đứng đầu IMF biết thêm, tác động từ các chính sách thương mại sắp tới của Mỹ sẽ nghiêm trọng nhất đối với các nước và khu vực tích hợp với chuỗi cung ứng toàn cầu, bao gồm nhiều nền kinh tế quy mô vừa và châu Á nói chung.

Bà Georgieva  cảnh báo, sức mạnh của đồng đô la sẽ đẩy tăng chi phí vay của các nền kinh tế thị trường mới nổi và đặc biệt là các nước thu nhập thấp.

Theo Bloomberg

Quốc tế