CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Nợ xấu của MB tăng đáng kể do đâu?

Invest Global 09:11 27/05/2024

Theo VIS Rating, trong số các ngân hàng tư nhân lớn, nợ xấu của MB tăng đáng kể do một khoản nợ xấu lớn của một công ty năng lượng tái tạo.

VIS Rating vừa công bố báo cáo thị trường về ngành ngân hàng với nhận định tỷ lệ nợ xấu (NPL) trung bình toàn ngành đã tăng lên 2,2% trong 3 tháng đầu năm 2024 từ mức 1,9% vào năm 2023 do nợ quá hạn cho vay bán lẻ tăng đáng kể

Các ngân hàng tập trung vào bán lẻ như VIB, VPB, ABB ghi nhận nợ quá hạn tăng cao từ cho vay mua nhà. Trong số các ngân hàng quốc doanh, BIDV giảm chất lượng tài sản đáng kể nhất do tỷ lệ nợ xấu gia tăng và tỷ lệ xóa nợ thấp.

Đáng chú ý, trong số các ngân hàng tư nhân lớn, nợ xấu của MB tăng đáng kể do một khoản nợ xấu lớn của một công ty năng lượng tái tạo.

-2226-1716623231.png

Các ngân hàng tập trung vào bán lẻ ghi nhận nợ xấu và nợ quá hạn tăng.

Trong khi đó, OCB đã giải quyết một phần đáng kể các khoản cho vay có vấn đề bằng cách xử lý tài sản bị tịch thu; LPB duy trì tỷ lệ nợ xấu ổn định thông qua biện pháp thắt chặt điều kiện cho vay và hoạt động thu hồi nợ.

Tuy nhiên, VIS Rating nhận định: “Đến cuối năm 2024, tỷ lệ nợ xấu và chi phí tín dụng của ngành sẽ giảm so với năm trước do tỷ lệ hình thành nợ xấu mới suy giảm và các ngân hàng giải quyết các khoản nợ xấu thông qua việc thu hồi hoặc xóa nợ”.

Theo Báo cáo tài chính quý I/2024 của các ngân hàng thương mại, trong nhóm ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước chi phối (Big 4), BIDV là ngân hàng có nợ xấu nhiều nhất, với 27.000 tỷ đồng, tương đương mức tăng 20,7% so với cuối tháng 12/2023. Tiếp theo là VietinBank với nợ xấu ghi nhận ở mức 20.017 tỷ đồng vào cuối quý I, tăng khoảng 16% so với cuối năm 2023, trong đó, đáng chú ý là nợ nhóm 3 tăng mạnh 167%, lên 6.640 tỷ đồng.

Vietcombank là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất trong nhóm Big 4, với tổng nợ xấu hơn 15.459 tỷ đồng vào thời điểm cuối tháng 3/2024, tăng hơn 3.000 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2023.

Đáng chú ý, tại MB, số dư nợ xấu đã tăng 56% trong quý I/2024, lên mức 15.294 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng hơn gấp đôi, từ 2.889 tỷ đồng vào đầu năm lên 6.048 tỷ đồng vào cuối quý I/2024. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu của MB tăng từ mức 1,6% lên 2,49% và tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm xuống 80,1% vào cuối tháng 3/2024. Chi phí dự phòng rủi ro nợ xấu trong quý I/2024 của MB đã tăng hơn 46% so với cùng kỳ năm 2023, lên 2.707 tỷ đồng, góp phần làm lợi nhuận trước thuế giảm 11%, còn 5.795 tỷ đồng.

-4481-1716623231.jpg

Chất lượng nợ cho vay của MB từ Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024.

Tỷ lệ nợ xấu của ABBank đã tăng lên 3,92% vào cuối quý I/2024, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng âm tới 19,34% trong quý I/2024.

Ngân hàng Nhà nước mới đây chính thức lấy ý kiến dự thảo sửa đổi về Thông tư 02/2023, quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng đang gặp khó khăn, nội dung kéo dài cho đến hết năm 2024 thay vì tới hết tháng 6.

Thế nhưng, điều này cũng có nghĩa nợ xấu tiếp tục được “che giấu” và khi Thông tư 02 hết hiệu lực nếu ngân hàng chưa thu hồi được thì nợ xấu sẽ còn tăng cao. Nợ xấu tăng lên cũng là mối lo ngại lớn mà nhiều lần các lãnh đạo của cơ quan tổ chức tín dụng nhắc đến từ đầu năm đến nay.

Điểm đáng chú ý đến từ Báo cáo của VIS Rating là nhận định về bộ đệm rủi ro vẫn còn yếu do tỷ lệ bao phủ nợ xấu tiếp tục giảm.

Cụ thể, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLCR) của ngành giảm xuống 86% từ mức 92% trong cùng kỳ. Ngược lại, một số ngân hàng tư nhân như OCB và STB đã cải thiện khả năng xử lý nợ xấu và khả năng trích lập dự phòng. LLCR tại các ngân hàng nhỏ vẫn ở mức thấp nhất trong ngành ở mức 22%.

Về lợi nhuận ngành ngân hàng, VIS Rating nhận định, lợi nhuận sẽ tăng trong năm 2024 do chi phí tín dụng thấp hơn và biên lợi nhuận cải thiện, giúp củng cố bộ đệm rủi ro còn yếu của các ngân hàng.

Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản bình quân (ROAA) của các ngân hàng cải thiện nhẹ lên 1,6% từ 1,5% trong cùng khoảng thời gian do chi phí tín dụng thấp hơn và biên lãi ròng (NIM) cải thiện.

Lợi nhuận của ngân hàng sẽ tiếp tục cải thiện trong năm 2024 nhờ điều kiện hoạt động trong nước tốt hơn và lãi suất thấp hỗ trợ khả năng trả nợ của người đi vay và NIM cải thiện hơn. Nguồn vốn và thanh khoản sẽ duy trì ổn định nhờ tăng trưởng tiền gửi theo kịp tăng trưởng cho vay và các ngân hàng tăng nguồn vốn dài hạn.

Cũng theo Báo cáo của VIS Rating, khả năng sinh lời được cải thiện khiêm tốn nhờ NIM tăng và chi phí tín dụng thấp hơn. Tăng trưởng tín dụng ngành trong 3 tháng đầu năm 2024 ở mức khiêm tốn 0,26%, với động lực chủ yếu từ cho vay doanh nghiệp lớn của một số ngân hàng tư nhân. Các ngân hàng này ghi nhận ROAA cao hơn từ NIM cải thiện (ví dụ: TCB, LPB, HDB), hoặc thu nhập từ đầu tư và phí cao hơn cũng như chi phí vốn thấp hơn (ví dụ: TPB).

Ngược lại, một số ngân hàng như VIB ghi nhận khả năng sinh lời yếu hơn do tăng trưởng cho vay chậm và NIM bị thu hẹp. ROAA của CTG và MBB cũng giảm do nợ quá hạn và chi phí tín dụng cao hơn.

Các chuyên gia của VIS Rating dự báo: “Trong các quý tới, nhu cầu tín dụng sẽ dần tăng và NIM sẽ cải thiện so với mức năm 2023, từ đó thúc đẩy ROAA của các ngân hàng tăng dần”.

Điểm sáng là nguồn vốn và thanh khoản duy trì ổn định. Tiền gửi CASA của ngành vẫn khá ổn định ở mức 20% trên tổng dư nợ trong 3 tháng năm 2024. Một số ngân hàng cỡ vừa như LPB, MSB ghi nhận dòng tiền gửi CASA tốt từ các doanh nghiệp lớn.

"Nhìn chung, các ngân hàng duy trì đủ lượng tài sản thanh khoản và sẽ huy động thêm trái phiếu dài hạn để bổ sung nguồn vốn và duy trì dưới mức giới hạn quy định về vốn ngắn hạn cho các khoản vay trung và dài hạn (SMLR) là 30%", VIS Rating nhận định.

Thanh Hoa

Ý kiến chuyên gia