CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

'Nội soi' 17 ngân hàng có tầm quan trọng năm 2021

Invest Global 14:06 01/04/2021

Dù có sự chênh lệch đáng kể về quy mô vốn, lợi nhuận… song 17 ngân hàng có tầm ảnh hưởng vẫn nằm trong TOP đầu Việt Nam, có nhà băng nằm trong nhóm dẫn đầu về quy mô, lượng vốn và có cả những ngân hàng đang dẫn đầu về các loại hình dịch vụ hay cung cách phục vụ khách hàng.

17 ngân hàng có tầm quan trọng hệ thống năm 2021. (Ảnh: Int)

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng vừa ban hành quyết định phê duyệt 17 tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có tầm quan trọng năm 2021, bao gồm: Agribank, ACB, LienVietPostBank, VietinBank, BIDV, SeABank, MSB, Techcombank, Vietcombank, HDBank, MB, VIB, SCB, SHB, Sacombank, TPBank, VPBank.

Quy mô vốn chênh lệch lớn

Việc chia các ngân hàng thành 2 nhóm là chủ trương của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhằm xác lập các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có tầm quan trọng hệ thống để phân biệt với nhóm các ngân hàng còn lại trong hệ thống.

Theo quy định của NHNN, những ngân hàng trong danh sách “tầm quan trọng” hệ thống là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có khả năng gây tác động tiêu cực lên toàn bộ hệ thống các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và/hoặc rủi ro hệ thống làm gián đoạn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và toàn bộ nền kinh tế trong trường hợp mất khả năng thanh toán hoặc khả năng chi trả.

Chia sẻ với VnBusiness, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, khi NHNN đưa ra đánh giá này có thể dựa vào tăng trưởng huy động, lợi nhuận, quy mô vốn, thị phần…

Cơ quan thanh tra sẽ có những đánh giá riêng, nhằm mục đích trong công tác quản lý chứ không phải là tin tức cho thị trường. Trừ trường hợp ngân hàng nào đang rơi vào tình trạng phá sản, nguy hiểm thì NHNN phải cảnh báo đối với đại chúng về tình trạng suy sụp của ngân hàng.

Chẳng hạn ở Mỹ, ngân hàng Trung Ương cũng thường xuyên theo dõi và đưa ra cảnh báo cho thị trường về những rủi ro mà một ngân hàng đang gặp phải. “Nếu một nhà băng đang rơi vào tình trạng “nguy hiểm” cơ quan quản lý sẽ đưa ra lệnh “ngưng hoạt động” đối với ngân hàng đó để đảm bảo an toàn cho khách hàng và thị trường”, ông Hiếu cho hay.

Có thể thấy, ngoài 13 ngân hàng thương mại cổ phần thì 4 ngân hàng còn vốn Nhà nước và lâu nay được xem là 4 "ông lớn" của hệ thống ngân hàng Việt Nam gồm Vietcombank, Agribank, BIDV và VietinBank có tên trong danh sách này như một điều tất nhiên. Vì nhóm này chiếm khoảng 34% thị phần tín dụng, nên bất cứ động thái “hắt hơi sổ mũi” cũng đều tác động không nhỏ đến các ngân hàng còn lại và khách hàng.

Đây cũng là nhóm ngân hàng có quy mô vốn điều lệ lớn nhất trên thị trường. Trong đó, BIDV là nhà băng có quy mô vốn điều lệ lớn nhất với trên 40.220 tỷ đồng tính đến cuối năm 2020. Tiếp theo là VietinBank: 37.234 tỷ đồng, Vietcombank: 37.089 tỷ đồng. Riêng  Agribank dù không nằm trong top 4 ngân hàng dẫn đầu nhưng vốn điều lệ cũng khá cao, ở mức 30.614 tỷ đồng.

Trong khi đó, ở nhóm ngân hàng tư nhân có vốn hoá lớn nhất là Techcombank: 35.000 tỷ đồng, MB: 27.988 tỷ đồng, VPBank: 25.300 tỷ đồng và ACB: 21.616 tỷ đồng.

Ngân hàng nhỏ nhưng... "có võ"

Tuy nhiên, cũng có ý kiến ngạc nhiên khi những cái tên như LienVietPostBank, SeABank, TPBank… sánh vai với hàng loạt ngân hàng lớn còn lại để lọt vào danh sách “tầm quan trọng”.

Lợi nhuận năm 2020 của 17 ngân hàng có tầm quan trọng năm 2021.

Chẳng hạn, so với về lợi nhuận có sự chênh lệch đáng kể giữa các ngân hàng. Trong đó, Vietcombank dẫn đầu với lợi nhuận sau thuế trên 23.000 tỷ đồng (khoảng 1 tỷ USD) năm 2020. 5/16 ngân hàng còn lại báo lãi trước thuế trên 10.000 tỷ đồng năm 2020 gồm: Agribank: 12.869 tỷ đồng, Vietinbank: 17.070 tỷ đồng, Techcombank: 15.800 tỷ đồng, MB: 10.668 tỷ đồng, VPBank: 13.019 tỷ đồng. 

Trong số những ngân hàng còn lại có lợi nhuận trước thuế năm 2020 dưới 10.000 tỷ đồng, như LienVietPostBank: 2.427 tỷ đồng, SeABank: 1.729 tỷ đồng, TPBank: 4.300 tỷ đồng. Đặc biệt, SCB có lợi nhuận thấp nhất chỉ vỏn vẹn gần 700 tỷ đồng.

Nếu chỉ so sánh số liệu quy mô vốn và lợi nhuận của 17 ngân hàng này thì rõ ràng đang có sự chênh lệch đáng kể. Tuy nhiên so về mức tăng trưởng thì những ngân hàng có quy mô vốn nhỏ đang sức tăng trưởng mạnh.

Ví dụ: SCB lại là nhà băng có mức tăng lợi nhuận trước thuế cao nhất lên tới 216% trong năm 2020.

Trong năm qua, 17 ngân hàng có tầm quan trọng được NHNN ban hành ghi nhận nợ xấu đều dưới mức 3% theo quy định, trừ VPBank. Đa số ngân hàng cũng có xu hướng giảm tỷ lệ nợ xấu so với năm 2019. Riêng Agribank không đưa ra số liệu cụ thể về tỷ lệ nợ xấu.

Theo đánh giá của các chuyên gia, dù tranh cãi hay đồng thuận thì đa số các ngân hàng thuộc nhóm 17 trên hiện vẫn nằm trong TOP đầu Việt Nam, có những ngân hàng về quy mô, lượng vốn và có cả những ngân hàng đang dẫn đầu về các loại hình dịch vụ hay cung cách phục vụ khách hàng.

Đây là lần hiếm hoi cách phân loại ngân hàng được công khai rộng rãi. Một chuyên gia cho rằng, việc công khai các ngân hàng trong nhóm 17 này sẽ có lợi thế trong cạnh tranh cũng như lựa chọn của khách hàng. Còn họ có “giữ hạng” hay không lại là chuyện khác và phụ thuộc rất lớn vào nội lực cũng như thực tế khách hàng hàng cảm nhận.

Thanh Hoa