CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Nông nghiệp sẽ tăng trưởng thế nào dưới tác động của dịch Covid-19?

Invest Global 09:14 13/03/2020

Tiếp tục triển khai các đoàn công tác xúc tiến, phát triển thị trường tại các địa phương trọng điểm của Trung Quốc, ngay sau khi phía Trung Quốc kiểm soát dịch Covid-19 và công bố mở cửa lại bình thường..., Bộ NN&PTNT cho biết.

Chiều nay (12/3), Bộ NN&PTNT sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp trong tình hình dịch bệnh Covid-19.

Mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nông lâm thủy sản đạt 42 tỷ USD (Nguồn: Internet) 

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, 2 tháng đầu năm, mặc dù chịu tác động khá mạnh bởi dịch Covid-19 nhưng kim ngạch xuất khẩu của ngành vẫn đạt 5,34 tỷ USD, giảm 2,8%so với cùng kỳ năm 2019. Kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản ước khoảng 4,3 tỷ USD, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2019. Thặng dư thương mại 2 tháng đạt 1,02 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước.

Bước sang năm 2020, ngành nông nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn với một số dự báo không thuận về tình hình trong nước và quốc tế. Đặc biệt, dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất nhập khẩu, tiêu thụ nông sản hàng hóa của Việt Nam.

Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT vẫn đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nông lâm thủy sản năm 2020 đạt 42 tỷ USD. Trong đó, hàng nông sản khoảng 20 tỷ USD, lâm sản và đồ gỗ khoảng 11,5 tỷ USD, các mặt hàng thủy sản khoảng 10 tỷ USD, các mặt hàng chăn nuôi khoảng 0,8 tỷ USD.

Để đạt được mục tiêu trên, Bộ NN&PTNT cho biết sẽ hoàn thành xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Phương án chuyển đổi phương thức kinh doanh các ngành hàng nông lâm thủy sản, theo hướng nâng cao giá trị xuất khẩu.

Bên cạnh đó, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản, từng bước giảm dần mức độ phụ thuộc vào một thị trường, đáp ứng tiêu chuẩn cao về xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý; thúc đẩy công nghiệp chế biến nông sản. Tăng cường triển khai công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản, tiếp cận các hệ thống bán lẻ, chuỗi siêu thị tại nước ngoài.

Đồng thời, chủ động phối hợp với Bộ Công Thương, Đại sứ quán Việt Nam tại các nước triển khai toàn diện, đạt hiệu quả cao nhất về công tác xúc tiến, phát triển thị trường tại các địa bàn trọng điểm, tiềm năng và thị trường ngách, tạo sự đột phá trong đa dạng hóa thị trường…

Tiếp tục triển khai các đoàn công tác xúc tiến, phát triển thị trường tại các địa phương trọng điểm của Trung Quốc, ngay sau khi phía Trung Quốc kiểm soát dịch Covid-19 và công bố mở cửa lại bình thường. Chuẩn bị sẵn cả phương án, kịch bản nhu cầu nông sản, thủy sản của nhiều địa phương có dịch Covid-19 sẽ tăng cao sau khi hết dịch (thời gian qua, nhiều địa phương của Trung Quốc, như tỉnh Hồ Bắc đã thực hiện nghiêm việc cách ly, nông dân không sản xuất trên đồng ruộng; dẫn đến thiết thụt cân đối lương thực, thực phẩm và phải nhập khẩu).

Tổ chức các diễn đàn xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ trong nước (ưu tiên thị trường nội địa) thông qua hệ thống kết nối thu mua nông sản giữa các địa phương, doanh nghiệp và bà con nông dân. Tổ chức lại hệ thống phân phối gắn kết với người sản xuất (bao gồm chuẩn bị kịch bản trong bối cảnh nhiều địa phương công bố dịch Covid-19 sẽ dẫn đến nhu cầu cao và số lượng lương thực thực phẩm, do tâm lý và nhu cầu tích trữ phòng dịch của người dân). Phối hợp các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, các đơn vị ngành công thương các địa phương đẩy mạnh tổ chức xúc tiến thương mại, đưa hàng hóa nông sản vào tiêu thụ trong các hệ thống, chuỗi siêu thị lớn; khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh nâng cao chất lượng bảo quản, chế biến nông sản.

Lê Thúy 

Môi trường kinh doanh