CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

PGS.TS. Trần Đình Thiên: Ai bảo đảm nhà đầu tư nước ngoài mua lại dự án điện sẽ không có ý đồ?

Invest Global 10:59 19/06/2020

Tại Diễn đàn "Năng lượng Việt Nam năm 2020: Phát triển năng lượng sạch xu thế và thách thức" tổ chức sáng 18/6, PGs.Ts. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, đề cập chuyện nhiều dự án điện gió, điện mặt trời bán lại cho các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian gần đây và đặt câu hỏi ai đảm bảo nhà đầu tư nước ngoài mua lại dự án điện sẽ không có ý đồ?

Theo ông Thiên, những dự án này đều nằm tập trung ở vùng biên hoặc vùng biển, tức là những vùng nhạy cảm an ninh quốc gia. Nếu rủi ro xảy ra không chỉ ảnh hưởng đến an ninh năng lượng mà đe dọa tới an ninh quốc gia.

PGs.Ts. Trần Đình Thiên nhấn mạnh tới rủi ro các doanh nghiệp nước ngoài mua lại dự án điện gió, điện mặt trời 

"Những dự án này nếu người Việt Nam đầu tư có lẽ không có chuyện gì, đối tác tin cậy cũng không có chuyện gì nhưng có phải đối tác nước ngoài nào cũng tin cậy không. Nếu họ có ý đồ thì sao, ai đảm bảo rằng họ không có ý đồ", ông đặt câu hỏi.

Những dự án này đúng quy trình đầu tư nhưng nếu sơ suất không tính đến an ninh năng lượng, an ninh quốc gia để xây dựng những điều kiện đảm bảo ràng buộc, hậu quả sẽ rất khó lường.

Vì vậy, ông Thiên cho rằng cần rà soát lại các điều kiện đầu tư những dự án này. Ngăn chặn ngay việc nhà đầu tư không đủ năng lực, chưa làm, làm thủ tục xong bán cho nước ngoài. Thực chất, đầu tư với mục đích chuyển giao dự án cho nước ngoài sẽ gây ra rủi ro rất lớn.

Bên cạnh đó, về phát triển năng lượng tái tạo, ông Thiên đánh giá, định hướng phát triển năng lượng tái tạo đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới cần tính tới mối tương quan giữa câu chuyện cung - cầu năng lượng.

Quan sát tình hình vĩ mô, ông Thiên nhận định, cấu trúc kinh tế thế giới thay đổi nhanh. Tác động của dịch Covid-19, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang khiến nhiều nhà đầu tư có xu hướng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc. Việt Nam đang nổi lên là quốc gia hấp dẫn làn sóng dịch chuyển này.

Tất nhiên, theo ông, đến giờ phút này, Việt Nam vẫn chưa biết họ dịch chuyển bao nhiêu, chúng ta có thể đón được bao nhiêu. Nhưng có thể nói chúng ta đang rất hân hoan.

Nêu quan điểm, ông Thiên đánh giá cơ hội trên lớn nhưng nguy cơ cao hơn. Khi các nhà đầu tư dịch chuyển về Việt Nam sẽ chứa đựng những nguy cơ.

"Người ta thường nói trong nguy có cơ nhưng Việt Nam phải bàn ngược lại là trong cơ có nguy như thế nào. Một trong những vấn đề đó là đáp ứng nhu cầu năng lượng", ông nhận định.

PGs.Ts. Trần Đình Thiên đặt vấn đề: Liệu rằng nguồn năng lượng của Việt Nam có đủ cung cấp nhu cầu của các nhà đầu tư khi họ chuyển nhà máy vào Việt Nam. Chưa kể, nhà đầu tư vào sẽ tiêu dùng năng lượng thế nào, tránh tình trạng vẫn tiêu tốn năng lượng như sản xuất xi măng, sắt thép...

"Mặt khác, Việt Nam đang quyết tâm phát triển kinh tế số, vậy đến giờ, ngành năng lượng đã tính được khi chuyển sang công nghệ cao, kinh tế số thì nhu cầu năng lượng tăng lên theo kiểu thế nào", ông Thiên nhấn mạnh đồng thời nói thêm rằng, riêng với ngành điện, phải tính được sự thay đổi nhu cầu.

Lê Thúy