CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Hội nghị “Phát triển chăn nuôi bò thịt trong tình hình mới theo hướng giảm phát thải” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức vừa diễn ra tại TP.HCM đã quy tụ các chuyên gia trong nước và quốc tế, cơ quan quản lý, các nhà đầu tư, nhà chăn nuôi để cùng trao đổi về giải pháp về giảm phát thải trong lĩnh vực chăn nuôi bò thịt mà Việt Nam đã cam kết.
Các giải pháp được đưa ra tại Cam kết giảm phát thải khí nhà kính do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật của Việt Nam cho Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu bao gồm: Ứng dụng các giải pháp quản lý, công nghệ trong chăn nuôi; cải thiện khẩu phần ăn cho vật nuôi; ứng dụng công nghệ xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, chất thải trong chăn nuôi.
PHÁT THẢI CHĂN NUÔI BÒ THỊT CHIẾM TRÊN 50% TỔNG LƯỢNG PHÁT THẢI TOÀN NGÀNH CHĂN NUÔICục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết chăn nuôi bò thịt là lĩnh vực chăn nuôi có sản lượng thịt chỉ chiếm khoảng 6,2% tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng của các loại vật nuôi được sản xuất trong nước.
Trong khi đó, giá trị tăng trưởng của ngành chăn nuôi năm 2023 đạt 5,72%, đóng góp 26% vào GDP nông nghiệp và trên 5% GDP của cả nước. Do ảnh hưởng của nhiều yếu tố cả chủ quan và khách quan, trong đó có dịch tả lợn Châu Phi còn diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương ở đồng bằng Bắc Bộ nên tăng trưởng chăn nuôi trâu, bò trong chín tháng đầu năm 2024 có xu hướng giảm. Hiện sản lượng thịt bò Việt Nam chiếm chưa đến 1% sản lượng của toàn cầu.
Cũng theo Cục Chăn nuôi, chăn nuôi bò là nghề truyền thống của người nông dân Việt Nam, không những cung cấp thịt, sức kéo, phân bón mà còn cả nguyên liệu cho một số ngành nghề thủ công mỹ nghệ và bò thịt có thể nuôi được ở hầu hết các vùng sinh thái của Việt Nam.
Trong những năm gần đây, với nhiều chính sách khuyến khích, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi bò nhằm là tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện điều kiện sống cho người nông dân; đồng thời việc cung cấp thịt đáp ứng nhu cầu thực phẩm ngày càng cao của người tiêu dùng, ngành chăn nuôi bò thịt ở Việt Nam có nhiều thay đổi đáng kể.
Bên cạnh những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế, ngành chăn nuôi cũng đặt ra nhiều thách thức cho vấn đề bảo vệ môi trường và phát thải khí nhà kính.
Tại Báo cáo công bố kiểm kê khí Metan năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết phát thải khí metan lĩnh vực chăn nuôi là 20,3 triệu tấn, chiếm 18,27% tổng lượng phát thải khí metan; trong đó, nguồn phát thải chính của lĩnh vực chăn nuôi từ tiêu hóa thức ăn chiếm 77%, quản lý chất thải vật nuôi chiếm 23%. Chăn nuôi bò thịt đóng góp trên 50% tổng lượng phát thải toàn ngành chăn nuôi.
Chăn nuôi bò thịt đóng góp trên 50% tổng lượng phát thải toàn ngành chăn nuôi.Báo cáo này cũng cho biết thêm, giai đoạn 2018 - 2021, ước tính trung bình mỗi năm ngành chăn nuôi bò thịt thải ra môi trường 21,8 triệu tấn phân và 17,5 triệu tấn nước thải cần phải được xử lý để giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường chăn nuôi.
Ước tính chất thải chăn nuôi có trên 80 triệu tấn/năm, trong đó khoảng 36% tổng khối lượng được thải trực tiếp vào môi trường với tỷ lệ từ 16% đối với chăn nuôi trang trại và 40% đối với chăn nuôi quy nông hộ.
Trong số đó có 3,34% số cơ sở có báo cáo đánh giá tác động môi trường; 7,83% có giấy phép môi trường/kế hoạch bảo vệ môi trường; 83,86% số cơ sở có biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi; 4,97% số cơ sở chưa có biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi. Một số quy trình kỹ thuật xử lý chất thải chăn nuôi, sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phân chuồng và phế phụ phẩm nông nghiệp được ứng dụng nhiều trong các cơ sở chăn nuôi.
CHĂN NUÔI BỀN VỮNG HƯỚNG TỚI CÁC CAM KẾT GIẢM PHÁT THẢIChăn nuôi trong nông nghiệp tuần hoàn, chuyển đổi chất thải hữu cơ thành phân bón, công nghệ sinh khối gắn với năng lượng tái tạo đã, đang và sẽ đổi mới nhanh chóng do tác động mạnh mẽ của công nghệ mới, hiện đại trong thời gian tới.
Công nghệ xử lý chất thải được áp dụng trong chăn nuôi bò thịt gồm công nghệ khí sinh học, đệm lót sinh học, ủ phân– tái sử dụng chất thải chăn nuôi làm nguyên liệu đầu vào sản xuất phân bón hữu cơ cho cây trồng và công nghệ vi sinh. Trong đó, công nghệ vi sinh được sử dụng chủ yếu để xử lý chất thải trong chăn nuôi bò thịt.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, kế hoạch giảm phát thải trong chăn nuôi bò thịt ở Việt Nam đã có các khung pháp lý. Cụ thể, tại COP26 và COP28, Việt Nam đã cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050; giảm khí metan 30% tính đến năm 2030.
Bên cạnh đó, theo Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 05/8/2022, phát thải khí metan trong chăn nuôi không vượt quá 16,8 triệu tấn (năm 2025) và 15,2 triệu tấn (năm 2030). Đồng thời, theo Quyết định số 1693/QĐ-BNN-KHCN ngày 28/4/2023, tổng lượng giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi giảm tối thiểu là 14,26 triệu tấn CO2e (đơn vị đo tổng lượng khí nhà kính phát thải) vào năm 2025 và 42,85 triệu tấn CO2e vào năm 2030.
Cần điều chỉnh lại quy hoạch vùng phát triển chăn nuôi cho các vật nuôi chính theo hướng sản phẩm gắn với sản phẩm đặc thù mang chỉ dẫn địa lý của địa phương.Thông tin về giải pháp và điều chỉnh về quy hoạch vùng chăn nuôi, Cục Chăn nuôi Việt Nam cho rằng cần điều chỉnh lại quy hoạch vùng phát triển chăn nuôi cho các vật nuôi chính theo hướng sản phẩm gắn với sản phẩm đặc thù mang chỉ dẫn địa lý của địa phương, phát triển sản phẩm chăn nuôi sạch, hữu cơ, sinh thái, gắn với du lịch.
Đồng thời tích hợp quy hoạch phát triển chăn nuôi ở cụm tỉnh, vùng, miền với quy hoạch chung của quốc gia, các tỉnh cần quy hoạch vùng theo lợi thế của từng địa phương như xây dựng vùng chăn nuôi gia súc ăn cỏ gắn với trồng, chế biến cây thức ăn thô, xanh; chuyển đổi mạnh những diện tích đất lúa, nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ, cây thức ăn chăn nuôi; chế biến phụ phẩm công, nông nghiệp.
Về nguồn thức ăn, cần chủ động tìm kiếm, phát triển cây nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước để đa dạng hóa nguồn cung, giảm bớt sự phụ thuộc vào một số nguyên liệu thức ăn chăn nuôi truyền thống. Chủ động nguồn thức ăn ở một số vùng khó khăn để thích ứng với biến đổi khí hậu.
Để giảm phát thải trong ngành nông nghiệp liên quan đến chăn nuôi, các chuyên gia nhấn mạnh tới 3 yếu tố gồm: Ứng dụng các giải pháp quản lý, công nghệ trong chăn nuôi; cải thiện khẩu phần ăn cho vật nuôi; ứng dụng công nghệ xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, chất thải trong chăn nuôi.
Đây là các giải pháp được đưa ra tại Cam kết giảm phát thải khí nhà kính do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật của Việt Nam cho Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu tại Văn bản số 1982/VPCP-QHQT của Văn phòng Chính phủ. Đồng thời, ngành chăn nuôi cũng đang bước đầu xây dựng kế hoạch để chuẩn bị cho công tác kiểm kê khí nhà kính ngành chăn nuôi.