CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Phê duyệt Chương trình Phát triển Nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn

Invest Global 09:54 27/09/2024

Đây là một quyết định mang tính chiến lược, nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Xây dựng nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn

Ngày 21/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã ký Quyết định số 1017/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050".

Chương trình đặt ra mục tiêu quan trọng đến năm 2030, Việt Nam sẽ đào tạo và phát triển ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên, tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi như thiết kế vi mạch, đóng gói và kiểm thử vi mạch bán dẫn.

Trong đó, chương trình đặt trọng tâm vào việc nắm bắt công nghệ sản xuất bán dẫn, từng bước xây dựng một lực lượng lao động đủ khả năng tham gia và đóng góp vào chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Cụ thể, chương trình sẽ đào tạo ít nhất 42.000 kỹ sư và cử nhân, 7.500 học viên thạc sĩ và 500 nghiên cứu sinh, với mục tiêu tạo ra một nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ tất cả các công đoạn trong chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn.

Đặc biệt, chương trình cũng chú trọng đào tạo 5.000 nhân lực có chuyên môn sâu về trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm hỗ trợ phát triển ngành bán dẫn trong bối cảnh công nghệ đang thay đổi nhanh chóng.

Đến năm 2050, Việt Nam đặt mục tiêu có đội ngũ nhân lực đủ mạnh để gia nhập vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, đáp ứng đầy đủ về cả số lượng và chất lượng.

Các cơ sở đào tạo trong nước, đặc biệt là các trường đại học, cũng sẽ được nâng cao năng lực, trở thành những trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam.

USAID hỗ trợ mạng lưới chuyên gia chuyển đổi số của Việt Nam (ảnh: MPI)

Để hiện thực hóa các mục tiêu này, Chương trình cũng đề ra 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp quan trọng, bao gồm: xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù; đầu tư hạ tầng và công nghệ phục vụ đào tạo; tổ chức đào tạo; huy động và đa dạng hóa nguồn lực; xây dựng hệ sinh thái và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; nghiên cứu và phát triển; và các giải pháp khác.

Các nhiệm vụ này nhằm đảm bảo rằng Việt Nam có đầy đủ điều kiện để phát triển một nền công nghiệp bán dẫn vững mạnh, có khả năng cạnh tranh và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Chương trình sẽ được thực hiện với kinh phí từ ngân sách nhà nước, kết hợp với các nguồn tài trợ hợp pháp từ các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân. Ngân sách nhà nước sẽ ưu tiên cho việc hình thành và nâng cấp 4 phòng thí nghiệm bán dẫn cấp quốc gia tại các khu vực trọng điểm, đồng thời hỗ trợ cho hoạt động đào tạo, duy tu và phát triển các cơ sở nghiên cứu phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối điều phối

Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ làm đầu mối điều phối và theo dõi việc thực hiện chương trình, đồng thời báo cáo định kỳ với Thủ tướng Chính phủ. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Bộ Tài chính sẽ bố trí nguồn vốn cần thiết để thực hiện các nhiệm vụ của chương trình theo quy định của pháp luật.

Dưới sự chỉ đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) phát huy vai trò quan trọng trong việc kết nối hợp tác giữa các tập đoàn công nghệ, viện nghiên cứu, và các trường đại học.

NIC đã tích cực trao đổi, hợp tác với các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực bán dẫn như NVIDIA, AMD, Cadence, Synopsys, Siemens EDA, Tektronik, KeySight... để tiến hành nhiều hoạt động như tổ chức hội thảo chuyên sâu, đào tạo các lớp thiết kế vi mạch.

Đồng thời, NIC cũng đã làm việc với các hiệp hội và tổ chức quốc tế trong lĩnh vực bán dẫn như SIA, SemiSEA và TreSemi để thúc đẩy hợp tác quốc tế và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng lãnh đạo bộ, ngành chứng kiến lễ ký MOU giữa NIC và SUN EDU về hợp tác trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn. (Ảnh: A.N)

Ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ đầu tư, xây dựng, nâng cấp và hiện đại hóa 04 phòng thí nghiệm bán dẫn dùng chung cấp quốc gia tại NIC, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và TP. Đà Nẵng.

Các phòng thí nghiệm này sẽ có cơ chế vận hành và sử dụng tài sản công một cách thuận lợi. Cụ thể, phòng thí nghiệm đặt tại NIC sẽ phối hợp với Đại học Bách khoa Hà Nội để tập trung vào các công đoạn thiết kế, đóng gói, kiểm thử vi mạch và phục vụ các hoạt động đào tạo, ươm tạo công nghệ, doanh nghiệp và ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Chương trình “Phát triển Nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” là một bước đi mang tính đột phá, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Việt Nam trong việc phát triển một ngành công nghiệp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp, và các tổ chức quốc tế, chương trình được kì vọng sẽ là đòn bẩy để Việt Nam vươn lên trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị ngành bán dẫn khu vực và toàn cầu.

Khung pháp lý