CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
(KTSG) - Chính phủ khẳng định nguồn lực đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, khoảng 67,34 tỉ đô la Mỹ, không còn là trở ngại lớn. Trong khi đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lo ngại, với nhu cầu vốn rất lớn như vậy, có thể phải chấp nhận bội chi ngân sách tăng lên trong một số năm, dẫn đến rủi ro về nhu cầu vay, khả năng huy động và nghĩa vụ trả nợ trong tương lai.
Dự thảo Luật Đường sắt: Bổ sung quy định đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thịDoanh nghiệp Việt muốn tham gia dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - NamTiếp tục kỳ họp thứ 8, sáng 13-11-2024, Chính phủ trình Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và ngay trong buổi chiều, các đại biểu sẽ thảo luận tổ về nội dung này trước khi thảo luận tại hội trường vào ngày 20 -11.
Tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam được nghiên cứu trong thời gian dài. Vào thời điểm năm 2010, do còn ý kiến băn khoăn về tốc độ, phương án khai thác, nguồn lực đầu tư trong bối cảnh quy mô nền kinh tế nhỏ (GDP cả nước lúc đó là 147 tỉ đô la Mỹ trong khi tổng mức đầu tư dự án tại thời điểm đó khoảng 55,8 tỉ đô la Mỹ), nợ công ở mức cao (56,6% GDP) nên chưa được cấp có thẩm quyền thông qua.
Hiện nay, nhu cầu vận tải ngày càng tăng; quy mô nền kinh tế năm 2023 đạt 430 tỉ đô la, gấp gần 3 lần so với năm 2010; nợ công ở mức thấp, khoảng 37% GDP. Dự kiến vào thời điểm triển khai xây dựng, tức năm 2027, quy mô nền kinh tế sẽ là 564 tỉ đô la, nên “nguồn lực đầu tư không còn là trở ngại lớn”, Tờ trình của Chính phủ gửi Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 khẳng định. Bên cạnh đó, chủ trương đầu tư dự án này đã được Trung ương Đảng khóa XIII, Bộ Chính trị và Chính phủ thống nhất, yêu cầu huy động mọi nguồn lực để triển khai, rút ngắn tối đa tiến độ thực hiện.
Về công năng vận tải, Chính phủ xác định: đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng, quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết; đường sắt Bắc - Nam hiện hữu vận chuyển hàng hóa và khách du lịch có cự ly phù hợp. Về công nghệ, Chính phủ kiến nghị lựa chọn công nghệ đường sắt chạy trên ray, được đa số quốc gia lựa chọn với 59.400 ki lô mét đang khai thác trên thế giới. Về tiêu chuẩn kỹ thuật, Chính phủ kiến nghị chọn tốc độ thiết kế 350 ki lô mét/giờ và tải trọng 22,5 tấn/trục để có thể vận chuyển hàng hóa đặc chủng phục vụ quốc phòng, an ninh.
Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án khoảng 1.713.548 tỉ đồng (khoảng 67,34 tỉ đô la), được Chính phủ đề xuất hình thức đầu tư công. Dự kiến thời gian bố trí vốn trong 12 năm, bình quân mỗi năm 5,6 tỉ đô la - tương đương 16,2% kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2026-2030 nếu giữ nguyên tỷ lệ đầu tư công trung hạn chiếm 5,5-5,7% GDP như hiện nay và khoảng 1,3% GDP năm 2023, khoảng 1% GDP năm 2027 (năm khởi công dự án).
Đánh giá sơ bộ tác động đến các chỉ tiêu an toàn nợ công, Chính phủ cho biết, giai đoạn đến năm 2030, cả ba tiêu chí nợ công, nợ chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia thấp hơn mức cho phép. Cụ thể, nợ công lớn nhất là 44% GDP trong khi mức cho phép là 60% GDP; nợ chính phủ lớn nhất là 43% GDP so với mức cho phép là 50% GDP; nợ nước ngoài lớn nhất là 45% GDP trong khi mức cho phép là 50% GDP. Hai tiêu chí về nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia và bội chi ngân sách tăng. Cụ thể, chỉ tiêu trả nợ trực tiếp khoảng 33-34% GDP so với mục tiêu 25% GDP; bội chi ngân sách bình quân 4,1% GDP so với mục tiêu 3% GDP.
Giai đoạn sau năm 2030, với các chỉ tiêu tăng trưởng, an toàn nợ công giả định như giai đoạn 2021-2025, Chính phủ cho rằng dự án đáp ứng chỉ tiêu nợ công. Các chỉ tiêu nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, bội chi ngân sách có tăng. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp tăng nhưng không nhiều so với kịch bản không triển khai dự án này.
Nếu được Quốc hội phê duyệt, đây sẽ là dự án có tổng mức vốn đầu tư lớn nhất từ trước tới nay của nước ta. Sơ bộ, tổng mức vốn đầu tư dự án vượt quá (bằng 114%) tổng mức vốn đầu tư công trung hạn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 (là 1.500.000 tỉ đồng, đã bao gồm cả số dự phòng) và tương đương 59,7% tổng mức vốn đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025. So với các dự án đã, đang triển khai, dự án này có tổng mức vốn đầu tư dự kiến gấp hơn 5 lần Cảng hàng không quốc tế Long Thành; gấp gần 3 lần mục tiêu xây dựng 5.000 ki lô mét đường bộ cao tốc…
Trong giai đoạn 2026-2030, nguồn lực đầu tư công cần ưu tiên tiếp tục đầu tư các dự án quan trọng quốc gia và các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2021-2025 (khoảng trên 130.000 tỉ đồng), các chương trình mục tiêu quốc gia (khoảng 200.000 tỉ đồng), các dự án đường sắt đô thị tại TPHCM và Hà Nội (khoảng 72 tỉ đô la), tuyến đường sắt kết nối trung chuyển với cảng biển quốc tế, kết nối Trung Quốc, Lào (khoảng 5 tỉ đô la)...
Theo đó, dự kiến chỉ tính riêng trong giai đoạn 2026-2030, nhu cầu vốn cho các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2021-2025 nguồn ngân sách trung ương và nhiệm vụ trọng tâm lĩnh vực giao thông (không bao gồm dự án đường sắt tốc độ cao) khoảng 1.126.846,19 tỉ đồng, tương đương 73,7% kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025.
Nếu tính cả dự án đường sắt tốc độ cao, nhu cầu kế hoạch vốn giai đoạn 2026-2030 là khoảng 1.983.643,19 tỉ đồng (chưa tính đến thực hiện các dự án khởi công mới đáp ứng nhu cầu phát triển các ngành, lĩnh vực khác).
Thường trực Ủy ban Kinh tế thống nhất sự cần thiết đầu tư dự án với những cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và những lý do đã được nêu tại Tờ trình của Chính phủ. Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế trong báo cáo thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, với thời gian hoàn thành phấn đấu đến năm 2035 thì vốn bố trí cho dự án sẽ tập trung trong hai giai đoạn 2026-2030 và 2031-2035, và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng vốn đầu tư công của ngân sách trung ương. Trong khi đó, nhiều chương trình, dự án lớn đang được triển khai sẽ chuyển tiếp trong giai đoạn 2026-2030 và các dự án mới sẽ thực hiện trong giai đoạn sau đã được xác định tại các quy hoạch, Nghị quyết của Đảng. Vì vậy, áp lực trong việc cân đối nguồn lực cho các nhiệm vụ, dự án là không nhỏ.
Tính toán của Ủy ban Kinh tế cho thấy, tổng chi phí các năm từ 2026-2030 là 28,826 tỉ đô la, tương đương 733.000 tỉ đồng, bằng 25,5% tổng vốn đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách nhà nước (cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) giai đoạn 2021-2025 và bằng 49% tổng vốn đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025. Theo đó, không bảo đảm quy định của Luật Đầu tư công (dự án thực hiện trong hai kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn liên tiếp phải bảo đảm tổng số vốn giai đoạn sau không vượt quá 20% tổng số vốn kế hoạch giai đoạn trước).
Hiện nay, dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) đang được trình Quốc hội xem xét, dự kiến thông qua tại kỳ họp này, đã đề xuất sửa đổi theo hướng với dự án quan trọng quốc gia, chương trình mục tiêu quốc gia thì không áp dụng hạn mức 20% này. Trong trường hợp Quốc hội thông qua dự án đường sắt tốc độ cao tại kỳ họp này thì vẫn phải áp dụng quy định hiện hành. Vì thế, nội dung này cần báo cáo Quốc hội xem xét, thảo luận về việc áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù, bảo đảm căn cứ pháp lý trong quá trình triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, Tờ trình của Chính phủ và các tài liệu kèm theo chưa thể hiện rõ về phân kỳ đầu tư, dự kiến số vốn cụ thể trong các giai đoạn. Đây là nội dung quan trọng cần có sự phối hợp giữa các bộ, cơ quan liên quan để xây dựng phương án bố trí vốn bảo đảm tính khả thi.
Ngoài ra, sau thời gian dự kiến hoàn thành của dự án (năm 2035), các năm tiếp theo (từ năm 2036-2066), chi phí vận hành và bảo trì dự án hàng năm đều ở mức trên 1 tỉ đô la (tương đương trên 25.000 tỉ đồng), hiện chưa rõ phương án chi trả.
Về an toàn nợ công, cũng theo báo cáo thẩm tra, nhiều ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cho rằng, ngân sách nước ta trong thời gian qua và những năm tới vẫn là bội chi, nguồn vốn đầu tư công chủ yếu từ vay nợ. Trong bối cảnh những năm gần đây, chi trả nợ và dư nợ công có xu hướng tăng cao, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ năm 2025 khoảng 24% thu ngân sách nhà nước, gần tiệm cận so với mức trần cho phép (25%), đòi hỏi công tác quản lý nợ công, quản lý huy động và sử dụng vốn vay phải rất thận trọng, chặt chẽ và tuân thủ các quy định về hạn mức. Việc “bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững phải được đặt lên hàng đầu”, Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh.
Vì vậy, để có cơ sở cho Quốc hội xem xét, quyết định, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn về phương án bố trí vốn và khả năng cân đối vốn ngân sách sử dụng cho dự án. Đồng thời, đề nghị rà soát danh mục, số vốn cho các dự án ưu tiên đầu tư trong các giai đoạn tới và phương án ưu tiên bố trí vốn đối với các dự án, báo cáo Quốc hội quyết định đối với từng giai đoạn cho phù hợp. Cơ quan này cũng đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể về tác động của việc đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao đến bội chi ngân sách, nợ công, khả năng trả nợ của ngân sách trong trung hạn và dài hạn, tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc về hạn mức chỉ tiêu an toàn nợ công để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, không gây áp lực trả nợ lên các giai đoạn sau.