CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Quảng Ninh: Phát triển khu công nghiệp xanh, bền vững

Invest Global 15:50 13/12/2024

(Xây dựng) - Ngày 12/12, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Diễn đàn Khu công nghi

(Xây dựng) - Ngày 12/12, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Diễn đàn Khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông năm 2024 với chủ đề: “Liên kết, thúc đẩy chuỗi cung ứng sản xuất thông minh”. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh có bài phát biểu cam kết thỏa ước phát triển kinh tế xanh, bền vững.

Quảng Ninh: Phát triển khu công nghiệp xanh, bền vững Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Phạm Đức Ấn phát biểu tại diễn đàn.

Ngày 28/7/2022, VCCI cùng các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên và thành phố Hải Phòng đã ký kết Thỏa thuận hợp tác kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông trên nguyên tắc thống nhất xây dựng liên kết kinh tế trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, để cùng nhau thúc đẩy, nâng cao tốc độ tăng trưởng, phát triển kinh tế theo hướng xanh, bền vững, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng.

Trong 2 năm qua, nhiều hoạt động hợp tác giữa VCCI và 4 tỉnh, thành phố đã phát huy hiệu quả tích cực vào công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của 4 tỉnh, thành phố. Trên tinh thần hợp tác, cùng phát triển, mỗi địa phương đã bước đầu tận dụng được tiềm năng, thế mạnh của mình đồng thời phối hợp với các địa phương trong vùng để tạo sự gắn kết và đạt hiệu quả cao hơn, góp phần vào sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp, thu hút được nguồn lực đầu tư, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của 4 tỉnh, thành phố nói riêng và của cả nước nói chung.

Quảng Ninh: Phát triển khu công nghiệp xanh, bền vững Quảng Ninh có 23 khu công nghiệp nằm trong phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp với tổng diện tích là 18.842ha, trong đó có 15 khu công nghiệp thuộc địa bàn các khu kinh tế.

Diễn đàn Khu công nghiệp (KCN) trục cao tốc phía Đông năm thứ hai liên tiếp (năm 2024) với chủ đề “Liên kết, thúc đẩy chuỗi cung ứng sản xuất thông minh” để cụ thể hóa Thỏa thuận kết nối giữa VCCI và 4 tỉnh, thành phố đã ký kết và nhằm tiếp tục nhận diện, làm rõ sự phát triển, các xu hướng mới của ngành công nghiệp sản xuất thông minh và yêu cầu đặt ra về chuỗi cung ứng, môi trường chính sách, cơ hội đầu tư trong lĩnh vực sản xuất thông minh và cách tìm ra con đường hợp tác và phát triển trong bối cảnh kinh tế toàn cầu mới để từ đó có các chính sách, giải pháp thúc đẩy triển khai, góp phần tạo ra không gian, động lực tăng trưởng, thu hút đầu tư cho các địa phương.

Chuyển dịch chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng sản xuất đang diễn ra mạnh mẽ và ngày càng hướng đến công nghệ cao, sản xuất thông minh, trong khi Việt Nam tiếp tục được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn, là một trung tâm sản xuất mới ở châu Á. Việc chủ động tham gia chuỗi cung ứng và chuỗi sản xuất thông minh toàn cầu, tối ưu hóa chuỗi sản xuất và cung ứng là điều thiết yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh của các KCN.

Quảng Ninh: Phát triển khu công nghiệp xanh, bền vững Sản xuất thiết bị điện tử tại Công ty TNHH Bumjin Electronics Vina (KCN Đông Mai, thị xã Quảng Yên).

Với sự phát triển của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và tự động hóa, những mô hình truyền thống không còn đáp ứng được, cần phải thay đổi tư duy từ sản xuất đơn lẻ sang phát triển hệ sinh thái liên kết, chia sẻ thông tin và nguồn lực, cần phải xây dựng các chuỗi cung ứng thông minh, giúp giảm thiểu chi phí, tăng tính linh hoạt và cải thiện chất lượng sản phẩm để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện khả năng cạnh tranh công nghiệp và đóng góp vào các mục tiêu phát triển bền vững.

Quảng Ninh đã chủ động, kịp thời ban hành những chủ trương, chính sách để tích cực tận dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, nhất là thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, như là: Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 05/02/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 28/4/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030…

Quảng Ninh: Phát triển khu công nghiệp xanh, bền vững KCN Hải Hà phát triển xanh, bền vững.

Với mục tiêu thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số để tăng năng suất và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân; khuyến khích các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp tích cực đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và phát triển nguồn nhân lực phù hợp với xu thế mới. Nhiều công nghệ cao, công nghệ mới, hiện đại đã được các doanh nghiệp lựa chọn áp dụng vào quá trình sản xuất kinh doanh để nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh. Qua đó góp phần cải thiện chất lượng tăng trưởng của tỉnh, năng suất lao động nâng lên rõ rệt.

Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại khu vực công nghiệp, tăng nhanh quy mô và tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo. Tập trung thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thế hệ mới vào các KCN, các dự án đầu tư vào các ngành nghề sản xuất thông minh, hàm lượng tri thức cao, trí tuệ nhân tạo, công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ. Tích cực đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp đi vào hoạt động, bổ sung năng lực tăng thêm, tăng năng suất, sản lượng.

Trong những năm gần đây, nguồn vốn đầu tư vào tỉnh Quảng Ninh từ các tập đoàn lớn, sản xuất sản phẩm sử dụng công nghệ cao nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu đã mang lại doanh thu xuất khẩu cao và cơ hội việc làm cho rất nhiều lao động địa phương và các vùng lân cận, tiêu biểu như: Chuỗi dự án sản xuất, lắp ráp linh kiện, sản phẩm điện, điện tử của Tập đoàn Foxconn, Tập đoàn TCL, Tập đoàn Jinko, Tập đoàn Autoliv, Tập đoàn Texhong tại KCN Đông Mai, KCN Sông Khoai, KCN Bắc Tiền Phong, KCN Texhong - Hải Hà; Tổ hợp sản xuất ô tô của Tập đoàn Thành Công tại KCN Việt Hưng… Bước đầu hình thành các chuỗi ngành công nghiệp dệt may công nghệ cao; chuỗi ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, lắp ráp thiết bị điện, điện tử; tổ hợp công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và sản xuất linh kiện ô tô trên địa bàn các KCN của tỉnh.

Quảng Ninh: Phát triển khu công nghiệp xanh, bền vững Quảng Ninh phát triển KCN gắn với an sinh xã hội. (Ảnh: khu chung cư cho người lao động thu nhập thấp, của KCN Đông Mai)

Diễn đàn “Liên kết, thúc đẩy chuỗi cung ứng sản xuất thông minh” là cơ hội để các cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận về các giải pháp thúc đẩy chuỗi cung ứng sản xuất thông minh tại các KCN trục cao tốc phía Đông. Qua đó, mở cơ hội để các các KCN kết nối một cách hiệu quả với chuỗi cung ứng sản xuất thông minh toàn cầu, xây dựng và củng cố mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp và tổ chức quốc tế, tìm kiếm cơ hội phát triển chung và cùng có lợi, góp phần thúc đẩy hợp tác sản xuất thông minh giữa Việt Nam với các quốc gia sản xuất như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Trung Quốc…

Quảng Ninh mong Diễn đàn “Liên kết, thúc đẩy chuỗi cung ứng sản xuất thông minh” các chuyên gia, nhà khoa học, các đại biểu trao đổi, thảo luận để tìm ra những ý tưởng sáng tạo và những hướng đi mới trong việc đầu tư, phát triển các KCN trục cao tốc phía Đông, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của 4 địa phương; trong đó có Quảng Ninh không ngừng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, tăng trưởng xanh.

Thông tin Doanh nghiệp