CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Gia Lai (cũ) gửi tới trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, cử tri tỉnh Gia Lai (cũ) đã đề nghị Bộ Xây dựng tổng hợp danh mục đầu tư các dự án hạ tầng giao thông do tỉnh đề xuất, đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 để Trung ương đầu tư. Trong đó, có dự án Mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không (CHK) Pleiku, tổng mức đầu tư giai đoạn trước năm 2030 dự kiến là 12.660 tỷ đồng.
Bộ Xây dựng thông tin, theo Quy hoạch CHK Pleiku thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cảng sẽ có công suất khoảng 4 triệu khách/năm vào năm 2030 và khoảng 5 triệu khách/năm vào năm 2050.

Hiện, Bộ Xây dựng đã đề xuất Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền để bố trí kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 nhằm cải tạo, nâng cấp các công trình thuộc khu bay (đường cất hạ cánh, đường lăn…) tại một số cảng hàng không, trong đó có CHK Pleiku. Tuy nhiên, đến nay, việc bố trí vốn chưa được cấp có thẩm quyền thông qua.
Từ đó, theo Bộ Xây dựng, trường hợp tỉnh Gia Lai có nhu cầu đầu tư sớm, Bộ đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu, chủ động bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để nâng cấp các công trình.
Đối với khu hàng không dân dụng (nhà ga, sân đổ…), Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Gia Lai làm việc với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) để nghiên cứu phương án đầu tư phù hợp.
Trường hợp ACV chưa cân đối được nguồn vốn, tỉnh Gia Lai cần chủ động nghiên cứu phương án huy động nguồn lực xã hội hóa để đầu tư phát triển CHK Pleiku; đồng thời, báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao làm cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án. Bộ Xây dựng sẽ phối hợp chặt chẽ với địa phương trong quá trình triển khai.
Sau khi sáp nhập, tỉnh Gia Lai mới sẽ có diện tích tự nhiên hơn 21.550km2 (lớn thứ hai cả nước, sau tỉnh Lâm Đồng mới). Tỉnh Gia Lai có 2 CHK là Pleiku và Phù Cát.
Ở một diễn biến liên quan, dự án Đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh số 2 và các công trình đồng bộ tại Khu bay CHK Phù Cát sẽ khởi công vào ngày 19/8. Tỉnh Gia Lai cố gắng trong 10 tháng sẽ hoàn thành, sau đó sẽ trở thành sân bay quốc tế.
Đầu tư hạ tầng kết nối 2 sân bay ở Đà NẵngCòn tại TP. Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Anh Tuấn vừa làm việc với UBND TP này về phương án quy hoạch, phát triển CHK quốc tế Đà Nẵng và CHK Chu Lai.
Cụ thể, CHK quốc tế Đà Nẵng là cảng có sản lượng hành khách lớn thứ 3 Việt Nam (năm 2024 đạt gần 13,5 triệu lượt hành khách). Trong khi đó, CHK Chu Lai là cảng có diện tích lớn nhất nước và là một trong số ít CHK ở Việt Nam được quy hoạch cấp 4F (cấp độ cao nhất trong phân loại CHK).

Sau khi hợp nhất tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng, tầm nhìn quy hoạch, phát triển cũng đã có sự đổi khác. Ông Trần Anh Vũ, Phó Tổng Giám đốc ACV cho biết, dự kiến đơn vị sẽ mở rộng nhà ga T1 của CHK quốc tế Đà Nẵng và phối hợp cải tạo nâng công suất nhà ga quốc tế (T2).
Đơn vị cũng sẵn sàng đồng hành với địa phương để thuê tư vấn nước ngoài, tài trợ quy hoạch để đánh giá lại tổng thể hai CHK này nhằm phục vụ hiệu quả nhất cho vùng trời Đà Nẵng mới.
Còn ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng nhìn nhận, cần phải sớm xác định rõ chức năng, quy mô của hai cảng hàng không này để khai thác hiệu quả, tránh lãng phí.
Ngoài ra, việc kết nối giao thông sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quy mô, chức năng của hai cảng hàng không. Một khi mở rộng đường cao tốc và đầu tư đường sắt đô thị nối hai CHK, thời gian di chuyển sẽ được rút ngắn đáng kể.
Theo ông Nam, trước thời điểm hợp nhất hai địa phương, Đà Nẵng đã thành lập tổ công tác nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt đô thị kết nối Quảng Nam. Điều này giờ đây sẽ thuận lợi hơn khi hiện tại tuyến này đã chuyển từ giao thông đối ngoại thành giao thông đối nội của thành phố.
"Đầu tư hạ tầng để đáp ứng quy mô của hai CHK Đà Nẵng và Chu Lai là điều bắt buộc. Trước mắt, CHK Đà Nẵng sẽ ưu tiên cho du lịch, nhất là du lịch quốc tế khi dự kiến sắp tới sẽ gia tăng việc đón khách chất lượng cao nhưng không xây dựng thêm nhà ga T3. Phần dư địa còn lại sẽ tập trung ưu tiên cho CHK Chu Lai vào giai đoạn tiếp theo", ông Nam thông tin thêm.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Anh Tuấn đề nghị TP. Đà Nẵng (mới) sớm rà soát lại kết cấu hạ tầng hàng không, trong đó cần phải có tầm nhìn về hàng không thông minh, "hàng không xanh". Bộ Xây dựng hoan nghênh đề xuất tài trợ quy hoạch của ACV và sẽ theo sát, hỗ trợ để sớm hoàn thiện hồ sơ này đúng như thời gian dự kiến.