CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Trước thông tin về việc Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) muốn đầu tư vào Tổng công ty Hàng không Việt Nam ( Vietnam Airlines ), nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về cơ sở pháp lý của đề xuất này.
Theo đó, SCIC cho biết, đã chủ động đề xuất và phối hợp với Vietnam Airlines (VNA) để xây dựng phương án để SCIC tham gia đầu tư vốn, trước mắt là xử lý tình trạng hãng hàng không này bị thiếu hụt nguồn tài chính và dòng tiền.
"Sau khi trở thành cổ đông, SCIC sẽ tham gia tái cấu trúc VNA không chỉ vượt qua khó khăn, mà còn phát triển mạnh mẽ thời hậu Covid-19 ", ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng Thành viên SCIC chia sẻ với báo chí hôm 11/6.
Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận rằng, đề xuất này dường như đang đi ngược lại những chủ trương về đầu tư của Quốc hội khi Vietnam Airlines là một doanh nghiệp nhà nước và dự kiến sẽ lỗ từ 15.000 - 16.000 tỷ đồng trong năm 2020.
Luật sư Nguyễn Danh Huế
Trao đổi với BizLIVE, Luật sư Nguyễn Danh Huế, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Hừng Đông cho biết, trong Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 của Quốc hội nêu rõ, "…không sử dụng ngân sách nhà nước để cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, xử lý nợ xấu hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước, cấp vốn điều lệ cho tổ chức tín dụng thương mại hoặc đóng góp cổ phần tại các tổ chức tài chính quốc tế. Các khoản vay mới chỉ thực hiện sau khi đã đánh giá đầy đủ tác động lên quy mô nợ công và khả năng trả nợ trong trung hạn….".
"Vì vậy nếu SCIC đầu tư mua cổ phiếu VNA rõ ràng là đang đi ngược chủ trương trong Nghị quyết của Quốc hội. Ngoài ra, trong tương lai theo lộ trình của Quốc hội thậm chí Nhà nước còn phải giảm tỷ lệ sở hữu vốn tại VNA chứ không phải lại tiếp tục 'bơm tiền' vào", LS. Huế cho biết.
Ngoài ra, theo LS. Huế, Nghị định 151/2013/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước quy định rõ: "Đầu tư và kinh doanh vốn vào ngành, lĩnh vực, dự án đem lại hiệu quả kinh tế theo quy định của pháp luật".
Trong khi đó, ở thời điểm hiện tại, Vietnam Airlines đang có khoản nợ lên tới hàng nghìn tỷ. Trưởng ban Tài chính Kế toán kiêm Kế toán trưởng Vietnam Airlines Trần Thanh Hiền cũng thông tin, dự kiến trong năm 2020, doanh thu của VNA sẽ giảm khoảng 50.000 tỷ và lỗ từ 15.000 đến 16.000 tỷ đồng.
Theo LS. Huế, rõ ràng nếu SCIC đầu tư vào VNA thời điểm này thì trái với cơ chế hoạt động do Chính phủ quy định.
"Ngay kể cả khi VNA được coi là một doanh nghiệp tương đối tiềm năng khi sở hữu tài sản cố định có giá trị lớn và hoạt động hiệu quả trong những năm trước nhưng dịch Covid-19 hiện vẫn chưa có vacxin và cũng chưa có dấu hiệu kết thúc, vậy ai sẽ đảm bảo tiền của Nhà nước không mất đi?", LS. Huế chỉ ra vấn đề.
"Liệu rằng nếu dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn, Nhà nước sẽ bơm tiền vào để cứu lỗ cho VNA nữa không và số lỗ sẽ luỹ kế sẽ lớn đến mức nào?", LS. Huế đặt vấn đề.
Đồng thời, thẩm quyền phê duyệt đầu tư của SCIC phải tuân thủ theo các mức, tham chiếu theo quy định hạn mức các dự án nhóm B theo quy định tại Điều 8, 9 Luật Đầu tư công. Nếu chiếu theo quy định này, thì việc SCIC đầu tư vào Vietnam Airlines (nếu có) là ngoài danh mục các dự án nhóm B và trái với Luật Đầu tư công.
Cũng như, theo quy định của Luật chứng khoán hiện nay thì VNA không đủ điều kiện để phát hành trái phiếu ra công chúng, theo Luật quản lý nợ công thì VNA cũng không đủ điều kiện để được chính phủ bảo lãnh phát hành trái phiếu ra công chúng hoặc bảo lãnh các khoản vay của VNA.
Như vậy, câu chuyện bây giờ là có tiền nhưng bơm vào bằng cách nào bởi giải bài toán về pháp luật là không hề dễ, LS. Huế chỉ ra.
Hiện tại, VNA chỉ có thể phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Trong khi, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước đang là đại diện cho phần vốn của nhà nước tại VNA, vậy có nghĩa là chỉ Ủy ban quản lý vốn nhà nước và các cổ đông mới có quyền mua, vậy SCIC sẽ không có tư cách để mua thay cho cổ đông hiện hữu được nếu không thông qua đấu giá số cổ phiếu này, nếu mua thông qua thỏa thuận thì nguyên tắc "giá thị trường" sẽ được tính toán ra sao?, ông Huế phân tích. Đó còn chưa tính đến việc SCIC chưa có chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển 05 năm giai đoạn 2016-2020.
Theo LS. Huế, đề xuất đầu tư vào VNA của SCIC hiện vẫn còn rất thiếu cơ sở pháp lý, đặc biệt nếu doanh nghiệp Nhà nước cứ thua lỗ lại trông chờ vào Nhà nước giải cứu thì rất thiếu công bằng cho các thành phần kinh tế khác.