CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
"Việt Nam…may, vì chưa quá phát triển"
Chia sẻ tại tọa đàm “Cách thức để doanh nghiệp hưng thịnh trong trạng thái bình thường mới” do Hội Doanh nhân Trẻ Việt Nam và Deloitte tổ chức, TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Cạnh tranh khẳng định, đại dịch COVID có sức tàn phá chưa từng có đối với nền kinhh tế toàn cầu. Tuy nhiên, tác động từ đại dịch này có nhiều điểm khác với các cuộc khủng hoảng khác vì: Nó xuất phát từ chính sách của các Chính phủ mà buộc phải làm, ví dụ chính sách giãn cách xã hội; Chính sách giải cứu nội tại, chuỗi cung ứng gặp khó khăn ở 2 đầu và trong khi đó hành vi tiêu dùng thay đổi, tâm lý bất an, sợ hãi khiến tiết kiệm chi tiêu và an toàn đặt lên hàng đầu: Các gói giải cứu chưa từng có tiền lệ cùng các quy định cũng chưa từng có tiền lệ được tung ra.
Ví dụ như ở nhiều quốc gia, nhiều nước, quốc hội trao quyền cho chính phủ gần như toàn quyền chủ động, có quốc gia kích hoạt 1 số đạo luật thời chiến như đồng loạt tập trung sản xuất khẩu trang đồ bảo hộ; và không ai có thể đưa ra một dự báo chuẩn xác về lúc chúng ta sẽ quay lại bình thường như trước dịch.
“Tăng trưởng âm của Việt Nam tuy cao nhưng lại vẫn chưa bằng các nước khác. Cái may của chúng ta là do chúng ta chưa… quá phát triển. Ví dụ khu vực dịch vụ chỉ mới tăng trưởng chiếm 43%GDP, trong khi ở các nước là 78%. Kinh tế dựa vào nông nghiệp, mỗi người dân thường có một ngôi nhà, mảnh vườn khiến chúng ta cũng không kiệt quệ ngay so với các nước là sống bằng lương. Ngoài ra, thói quen khiến đại đa số dân thuộc tầng lớp trung lưu có tiết kiệm. Đây là “bộ đệm” để đời sống nhìn chung còn có sức cầm cự”, chuyên gia đánh giá.
Khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ chịu tác động nặng nề
Cũng theo đánh giá của TS Võ Trí Thành, dù đã rất nỗ lực, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam (SME) vẫn khó tránh tác động lớn. Thu nhập của các doanh nghiệp SME theo một thống kê đã giảm khoảng 55% bình quân trong suốt 6 tháng qua, so với thời gian kể từ tháng 12/2019. Tuy nhiên mức giảm ngày càng cải thiện tích cực hơn khi tháng 4 giảm thu nhập 70%, tháng 5 chỉ còn 30%. Trừ đi lực lượng cán bộ nhân viên “ăn” lương Nhà nước, 30,8 triệu lao động chịu ảnh hưởng, thất nghiệp, giảm lương và thu nhập / 55 triệu người lao động là con số suy giảm lớn.
Một điều đáng lưu ý, những tín hiệu đang ngày càng rõ hơn và cho thấy sức sống trước, trong và sau đại dịch, sau cùng của mọi vấn đề, vẫn thuộc về khối SME. Một thời gian ngay sau giãn cách và trở lại bình thường mới, du lịch hàng không nội địa tăng 110% so với trước dịch. Tốc độ giảm doanh thu của doanh nghiệp SME rất cao như nêu trên nhưng số lao động không tương ứng như doanh số giảm. Có nghĩa các doanh nghiệp vẫn cố giữ lao động, đặc biệt doanh nghiệp do lao động nữ làm chủ.
“Nỗ lực cắt giảm chi phí, ngủ đông, thay đổi sản phẩm, chuyển đổi số, thay đổi thị trường, tận dụng gói hỗ trợ Nhà nước… tuy nhiên khối SME vẫn không đủ tự sức vượt qua được khủng hoảng. Bên cạnh sự hỗ trợ lớn nhất, hay nhất của Chính phủ kiểm soát dịch, bỏ giãn cách xã hội, trả lại điều kiện quan trọng nhất cho doanh nghiệp được hoạt động bình thường, thị trường có nhu cầu, có sức mua, có sản xuất, thì việc cố gắng đẩy nhanh các gói đã có, bổ sung, hoãn giãn dài ra và phải được hết năm. Hoặc có thể cứu trợ hỗ trợ cho các tập đoàn 1 số lĩnh vực… là hướng đi quan trọng để có lực đẩy, lan tỏa. Theo đó, có thể tháng 9 này Việt Nam sẽ có gói kích thích mới kinh tế, tính cho cả năm 2021, với hướng hỗ trợ mạnh mẽ tính đến các xu hướng mới như công nghệ, nông nghiệp công nghiệp…”, ông Thành cho biết.
Những giải pháp cho doanh nghiệp
Chuyên gia cho rằng còn doanh nghiệp, Việt Nam còn nguyên xi nguồn lực để cầm cự, phục hồi. “Tư duy lại, thiết kế lại, xây dựng lại” với một tinh thần thời chiến quyết liệt, khẩn trương trong một thế giới đổi thay là bước đi kế tiếp mà các doanh nghiệp SME cần thực hiện.
Ông Kyle Kelhofer – Giám đốc khu vực phụ trách Việt Nam, Campuchia và Lào, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tại Việt Nam cũng khuyến nghị: Trong thời COVID, việc tìm kiếm, tiếp cận và phát huy hiệu quả nguồn tài chính trong doanh nghiệp SMEs sẽ được coi là những trụ cột then chốt trong chiến lược hoạt động để tồn tại và phát triển.
IFC cũng đã có những chính sách hỗ trợ để hỗ trợ cho SME, cho vay khoảng 10 triệu USD trên thế giới phục vụ các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ. Cùng với đó cung cấp những công cụ hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp nữ giới, ưu tiên tạo ra công ăn việc làm, cung cấp các khoản vay ưu đãi cho các doanh nghiệp này, giúp giảm bớt rủi ro về tín dụng cho doanh nghiệp, và góp ý xây dựng chính sách với các Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp.
“Mặc dù có tăng trưởng nhưng có lẽ nhiều năm qua Việt Nam chưa bao giờ quen với hoàn cảnh thấp như hiện nay. Việc tận dụng sự phục hồi nhanh hơn các nước khác, phục hồi chuỗi cung ứng, Việt Nam đang có lợi thế để phát triển các mảng công nghiệp số, không gian ảo, khôi phục sản xuất, hỗ trợ lấy lại đà tăng trường. Các doanh nghiệp SME và Việt Nam là ví dụ cho cả Asean và thế giới về việc phản ứng nhanh, tăng tốc, linh hoạt để thực hiện thay đổi trong chuỗi cung ứng”, đại diện IFC nhận định.