CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Thị trường quỹ đang dần thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Tính đến cuối quý III/2024, thị trường Việt Nam ghi nhận 117 quỹ đầu tư. So với năm 2019, số lượng quỹ mở tăng gấp đôi, quỹ thành viên tăng gấp ba và quỹ ETF tăng tới 8 lần. Điều này cho thấy sự chuyển dịch rõ nét trong xu hướng đầu tư của người dân Việt Nam, ngày càng ưu tiên các kênh đầu tư chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.
Không chỉ tăng về số lượng, quy mô tài sản quản lý của ngành quỹ cũng có bước tiến vượt trội. Chỉ riêng trong năm 2024, quy mô của các quỹ mở đã tăng hơn gấp đôi, đạt gần 53.000 tỷ đồng.
Trao đổi trong Talkshow Phố Tài chính, ông Nguyễn Duy Anh, Giám đốc Quản lý Danh mục đầu tư, Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF) cho biết trong vòng 2 - 3 năm trở lại đây, dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân bắt đầu có xu hướng tìm đến các quỹ đầu tư nhiều hơn như quỹ mở.
Lấy ví dụ ở VCBF, theo ông Nguyễn Duy Anh, trong năm ngoái, dòng tiền vào quỹ đã tăng gấp đôi so với năm trước đó. Còn đến năm 2025, dòng tiền vào quỹ những tháng đầu năm đang tăng gấp 2-3 lần so với năm ngoái. Dòng tiền đi vào các quỹ thường sẽ là dòng tiền đầu tư dài hạn nên sẽ góp phần giúp thị trường ổn định hơn và không có những pha biến động quá mạnh. Còn trước đây khi dòng tiền cá nhân vào thị trường nhiều, dòng tiền vào - ra sẽ rất nhanh và khiến thị trường có những đợt tăng giảm mạnh nhiều hơn.
Thị trường quỹ đang dần thu hút sự quan tâm với nhà đầu tư nhờ tính chuyên nghiệp, minh bạch và khả năng sinh lời bền vững. Theo nhiều chuyên gia, nhà đầu tư dần nhận thức đây không chỉ là một kênh đầu tư đơn thuần mà còn được vận hành bởi các chuyên gia giàu kinh nghiệm, am hiểu thị trường, áp dụng những công cụ quản trị rủi ro khoa học nhằm tối ưu hóa lợi nhuận.
Khảo sát ngẫu nhiên 100 nhà đầu tư tại InvestingPro đầu tháng 3/2025 cho thấy có tới hơn 30% số người lần đầu tiên bước chân vào hoạt động đầu tư tài chính, trong đó nhiều nhà đầu tư trẻ đang đi học hoặc mới đi làm và thậm chí chưa từng tham gia vào hoạt động gửi tiết kiệm ngân hàng. Xu hướng này không chỉ cho thấy sự trưởng thành tài chính của thế hệ trẻ mà còn báo hiệu một sự thay đổi quan trọng trong cách tiếp cận đầu tư trên quy mô rộng hơn.
Triển vọng TTCK Việt Nam năm 2025Việc TTCK Việt Nam tăng trưởng trong 3 tháng đầu năm 2025 là diễn biến tương đối bất ngờ với giới đầu tư. Bởi, phần lớn bộ phận phân tích các CTCK đầu năm 2025 đều nhận định TTCK sẽ có khởi đầu khó khăn và dần sôi động hơn từ nửa cuối năm.
Ông Nguyễn Duy Anh nhìn TTCK có diễn biến tích cực trong giai đoạn đầu năm nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ như kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp tốt hơn kỳ vọng và yếu tố liên quan đến lãi suất. Trước đó, các chuyên gia nhận định 2025 sẽ là năm lãi suất có thể tăng. Song, với những thông điệp mới nhất của Chính phủ thì mặt bằng lãi suất trong năm nay sẽ giữ ổn định và thậm chí đối với một số ngành nghề nhất định, lãi suất có thể giảm.
“Kinh tế Việt Nam đang được kỳ vọng tăng trưởng rất cao. Trong một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam, khi đất nước Việt Nam vươn mình, chắc chắn thị trường chứng khoán của Việt Nam cũng sẽ vươn mình”, ông Nguyễn Duy Anh nói.
Chuyên gia này kỳ vọng TTCK Việt Nam sẽ vươn lên mức định giá của khu vực. Hiện nay, mức định giá của TTCK Việt Nam so với các nước trong khu vực tương đối rẻ. P/E của thị trường, nếu tính tăng trưởng của năm 2025 là 18% – 20% thì mới đạt khoảng 12 lần.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư ngoại từ năm ngoái đến nay vẫn rút ròng khá mạnh. Tuy nhiên, nếu như 3 - 4 năm trước, khi khối ngoại bán mạnh thì chắc chắn thị trường sẽ có những đợt điều chỉnh tầm 15% - 20%. Do đó diễn biến đi ngang của thị trường cho thấy dòng tiền nội đang rất vững chắc.
Ngoài ra, đối với những yếu tố như triển vọng nâng hạng hay việc sớm triển khai hệ thống công nghệ mới KRX thì khả năng dòng vốn ngoại có thể quay trở lại, cộng thêm nền tảng của dòng vốn nội thì trong 2 - 3 năm tới, việc đầu tư trên TTCK Việt Nam rất tích cực.
Vị chuyên gia này nhận định khi nền kinh tế và lợi nhuận các doanh nghiệp tăng trưởng thì gần như tất cả các nhóm ngành đều sẽ được hưởng lợi. Dù vậy, theo ông Nguyễn Duy Anh, nhà đầu tư không nên chỉ nhìn ngành nào sẽ được hưởng lợi, quan trọng là cổ phiếu nào có tiềm năng tăng trưởng tốt hơn trong bức tranh chung . Thực tế, khi khó khăn, vẫn có những doanh nghiệp có thể vươn lên và trở thành những ông lớn của ngành.
Đối với nhà đầu tư cá nhân, chuyên gia VCBF khuyến nghị chiến lược phù hợp nhất trong giai đoạn hiện tại là chia nhỏ các khoản đầu tư. Việc thị trường sẽ luôn có những biến động nên phải phân bổ tài sản một cách hợp lý.
Đối với những nhà đầu tư muốn tìm kiếm lợi nhuận từ TTCK nhưng không có thời gian thì các chứng chỉ quỹ mở là những giải pháp có thể cân nhắc, vì các chứng chỉ quỹ mở cũng có rất nhiều danh mục đầu tư, hay những chiến lược đầu tư khác nhau để phù hợp với từng nhu cầu.
Trong một báo cáo nghiên cứu, TS. Cấn Văn Lực (Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV) và các cộng sự khuyến nghị nhà đầu tư cá nhân không có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực tài chính hay ít kinh nghiệm đầu tư nên xem xét sử dụng các nhà đầu tư tổ chức (như quỹ đầu tư…). Điều này dựa trên phần lớn các quỹ trong năm 2024 đều có kết quả tích cực, và triển vọng tốt của thị trường chứng khoán 2025 là cơ sở để xu hướng này tiếp tục.