CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Số hóa để giảm rủi ro cho vay tiêu dùng

Invest Global 10:20 02/04/2021

Dư địa của tín dụng tiêu dùng ngày càng mở rộng, ngoài cho vay mua sắm, nhu cầu vay khám chữa bệnh, sản xuất, kinh doanh… còn rất lớn, mà các công ty tài chính tiêu dùng chưa khai thác hết.

Trong 5 năm qua, tín dụng tiêu dùng (gồm cả tín dụng BĐS nhà ở) tăng trưởng khoảng 20%/năm. 

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc đẩy mạnh cho vay tiêu dùng nếu không được kiểm soát tốt theo đúng mục đích và đối tượng sẽ tiềm ẩn rủi ro trong thời gian tới.

Còn nhiều dư địa

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV đánh giá, hoạt động tài chính tiêu dùng tại Việt Nam trong những năm qua có nhiều bước phát triển tích cực về cả khuôn khổ pháp lý, quy mô thị trường, sản phẩm - dịch vụ và hiệu quả hoạt động.

Đến cuối năm 2020, dư nợ tín dụng tiêu dùng đạt khoảng 1,8 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng dư nợ nền kinh tế, gấp 2,5 lần so với năm 2012 (khoảng 8%). Trong đó, tín dụng bất động sản (BĐS) nhà ở đạt khoảng 1 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 55,5%.

Đáng lưu ý, trong 5 năm qua, tín dụng tiêu dùng (gồm cả tín dụng BĐS nhà ở) tăng trưởng khoảng 20%/năm, trong khi tín dụng toàn ngành tăng khoảng 15,4%. Tuy nhiên, nếu bóc tách phần tín dụng BĐS nhà ở, tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam chỉ khoảng 800.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 8,7% tổng dư nợ của nền kinh tế.

Theo đánh giá của ông Lực, dư nợ tín dụng tiêu dùng so với dư nợ nền kinh tế tại Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước như: Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc… - với tỷ trọng tín dụng tiêu dùng (không bao gồm tín dụng BĐS nhà ở) vào khoảng 15 - 35% tổng dư nợ.

Xét về tỷ trọng dư nợ giữa các tổ chức cho vay tiêu dùng, cuối năm 2020, các công ty tài chính tiêu dùng chiếm 16,3% (khoảng 130.000 tỷ đồng), còn lại là các ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng (chiếm khoảng 75%) và các tổ chức tài chính khác (khoảng 8,7%).

TS. Nguyễn Xuân Thành, Trường Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, tỷ trọng tín dụng tiêu dùng trong tổng tín dụng toàn ngành của Việt Nam vẫn thấp hơn so với nhiều quốc gia trên thế giới, nên dư địa của thị trường này về trung hạn vẫn còn rất lớn.

Hiện nay, ngoài cho vay tiêu dùng, các công ty tài chính tiêu dùng còn mở rộng sang lĩnh vực cho vay khám chữa bệnh, cho vay kinh doanh sản xuất, là những lĩnh vực rất tiềm năng. Tuy vậy, sự cạnh tranh trên thị trường chưa cao. 

Kiểm soát rủi ro bằng công nghệ

Trao đổi với VnBusiness, một chuyên gia kinh tế thừa nhận, tín dụng tiêu dùng tăng là tín hiệu tích cực để thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng quan ngại việc đẩy mạnh cho vay tiêu dùng nếu không được kiểm soát tốt theo đúng mục đích và đối tượng sẽ tiềm ẩn rủi ro trong thời gian tới.

Dưới góc độ của người trong cuộc, ông Nguyễn Mạnh Khang, Giám đốc Khối công nghệ thông tin Mcredit cho biết, hiện nay hầu hết các công ty tài chính tiêu dùng ứng dụng công nghệ trong cung cấp các dịch vụ, đánh giá tiềm năng khách hàng và quản lý khoản vay.

Theo ông Khang, việc kiểm soát rủi ro khi khách hàng đăng ký online bằng cách ngoài xác nhận định danh qua eKYC, thì công ty tài chính tiêu dùng còn xác nhận qua số điện thoại, số chứng minh thư và chữ ký số của khách hàng.

Để tránh trường hợp người dân bị mất chứng minh thư, bỗng một ngày có nợ xấu ở công ty tài chính tiêu dùng, ông Khang cho rằng, trước đây công nghệ nhận dạng khuôn mặt có độ chính xác không cao, nhưng hiện nay mức độ phát triển công nghệ cho độ nhận dạng khuôn mặt chính xác rất cao, thậm chí có thể chuẩn hơn cả mắt thường. Ngoài ra, công nghệ mới còn cho phép nhận biết có phải chính người đó thực sự đứng trước điện thoại hay không.

Về việc quản lý các khoản nợ của khách hàng, ông Khang cho biết, với những công nghệ trước đây, các khoản vay của khách hàng gần đến ngày thu hồi mới nhắc nợ, nhưng công nghệ tiên tiến hiện nay có thể phân loại những khách hàng nào cần đòi nợ vào giai đoạn nào. Ví dụ, khách hàng có công việc đặc thù sẽ nhắc nợ sớm hơn. Ngoài ra, trên app cũng có lịch trả nợ để khách hàng cùng theo dõi, đảm bảo tỷ lệ tăng số lượng khách hàng chủ động trả nợ.

Để hạn chế rủi ro cho vay tiêu dùng, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là cần hoàn thiện việc xếp hạng tín nhiệm khách hàng dựa trên các tiêu chí tài chính (lương, thưởng, thu nhập khác, hạn mức chi tiêu) và tiêu chí phi tài chính (trình độ học vấn, tay nghề, việc làm, gia đình…).

Những khách hàng chưa hề có lịch sử tín dụng thì phải cho vay ít và đánh giá dần về lịch sử tín dụng để nâng hạng mức cho vay. Đã mất tín nhiệm, đã có “vết đen” trong lịch sử tín dụng thì cương quyết không cho vay để thị trường tài chính tiêu dùng trở nên lành mạnh hơn.

Thanh Hoa