CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Dự thảo góp ý Báo cáo tình hình phát triển doanh nghiệp (DN) năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021, Bộ KH&ĐT đánh giá đại dịch COVID-19 tác động rất lớn hoạt động của các DN. Trong đó, thị trường vận tải hàng không sụt giảm nghiêm trọng nhất: nhu cầu vận tải hàng không năm 2020 giảm mạnh đến 34,5-65,9% so với năm 2019; doanh thu dịch vụ vận tải hàng không sụt giảm trung bình trên 61%.
Số nợ phải trả quá hạn của Vietnam Airlines đã lên tới 6.240 tỷ đồng. |
Nguy hiểm hơn, đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 3 trong giai đoạn cao điểm sát Tết đã khiến doanh thu của ngành hàng không giảm khoảng 80% so với cùng kỳ năm 2020 (thời điểm sát Tết năm 2020, dịch chưa bùng phát). Khả năng thanh toán của các DN suy giảm và tiến tới sát giới hạn mất khả năng thanh toán,
Đáng chú ý, Bộ KH&ĐT cho biết, dự kiến số lỗ của Vietnam Airlines trong quý I/2021 sẽ ở mức 4.800 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm có thể lên đến 10.000 tỷ đồng. Hiện tại, số nợ phải trả quá hạn lên tới 6.240 tỷ đồng và đang rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản, trong khi các ngân hàng thương mại chưa nhìn thấy gói giải cứu 12.000 tỷ đồng của Chính phủ nên không cho Vietnam Airlines giải ngân tiếp hoặc không gia hạn hoặc cấp tiếp hạn mức tín dụng.
Vietnam Airlines hiện đang đối mặt với rủi ro kiện tụng pháp lý với số nợ quá hạn quá cao và rủi ro trong việc không cân đối trả các khoản vay ngắn hạn đến hạn tại các ngân hàng.
Đối với các hãng hàng không tư nhân như Bamboo Airlines và Vietjet, theo Bộ KH&ĐT, mặc dù trong năm 2020, các hãng này đã cố gắng tối ưu hóa mọi hoạt động khai thác và duy trì được sản xuất kinh doanh thông qua việc chuyển nhượng các tài sản và các dự án đầu tư tài chính đã được tích lũy trong giai đoạn trước, tuy nhiên dự báo hoạt động sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong năm nay và đang dần hết nguồn lực về tài chính để hỗ trợ cho dịch vụ vận tải hàng không. Ước tính Vietjet thiếu hụt 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ hoạt động kinh doanh.
Đối với ngành dệt may, theo Bộ KH&ĐT, lần đầu tiên sau 25 năm, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam tăng trưởng âm 10,5%, năm 2020 chỉ đạt 35 tỷ USD, giảm so với 39 tỷ USD của năm 2019.
Theo Bộ KH&ĐT, thống kê cho thấy đơn hàng dệt may vẫn có nhưng giá bán giảm mạnh do nhu cầu giảm. DN không còn có những đơn hàng cũ và nguồn tiền dự phòng giảm. Theo dự báo của các DN, phải đến hết quý II/2022 và chậm nhất quý IV/2023, thị trường dệt may mới phục hồi về ngưỡng năm 2019.
Báo cáo của Bộ KH&ĐT cho biết, doanh thu, đặc biệt là lợi nhuận của DN dệt may năm 2020 giảm nghiêm trọng 20% so với năm 2019. Ngoài ra, các chi phí đầu vào tăng, giá bán giảm, chi phí trung gian tăng và lưu thông giữa các địa phương khó khăn...
Đối với ngành bán lẻ, theo báo cáo, phần lớn DN bị giảm doanh số bán hàng trong năm 2020, 1/4 số DN vẫn phải cắt giảm giờ làm. Tính trung bình, tất cả các ngành, quy mô DN và vùng địa lý, số giờ hoạt động của các DN thấp hơn 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bộ KH&ĐT nhận định, nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn cho DN bán lẻ hiện nay là cầu giảm, đơn hàng mới giảm. Ngoài ra, các DN bị thanh toán chậm, trì hoãn việc nhận hàng, phải mất thêm phí lưu kho, lưu bãi. Nguồn cung đầu vào giảm dẫn đến nhiều DN phải hủy hợp đồng bán hàng do không đủ vật tư đầu vào, chi phí và kho bãi vận chuyển...
Đối với ngành công nghiệp ô tô, Bộ KH&ĐT khẳng định, giữa năm 2020, số lượng đơn hàng, hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ khó khăn đối với toàn ngành. Nhu cầu đi lại giao thương hạn chế dẫn đến doanh số toàn ngành giảm.
Việc tăng cước vận chuyển cùng với kéo dài thời gian làm thủ tục nhận hàng đã kéo giá thiết bị vật tư tăng 30% so với trước, và làm chậm tiến độ thực hiện dự án.
Đáng chú ý, theo Bộ KH&ĐT, DN trong ngành ô tô và phụ trợ hiện đang phải đối mặt với việc tăng chi phí chuyên gia, việc tiếp cận mặt bằng sản xuất khó khăn vì chi phí các khu công nghiệp cao.
Đối với ngành sản xuất ô tô, trong 6 tháng đầu năm 2020, tăng trưởng giảm 35%, nhưng nhờ chính sách giảm 50% phí trước bạ đối với xe trong nước nên tăng trưởng cả năm chỉ còn giảm 10%. Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2021, đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại, chính sách ưu đãi không còn, khiến sản lượng ô tô giảm sút nghiêm trọng từ 32,2% lên đến 50% so với cùng kỳ năm 2020...
Thy Lê