CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Startup EdTech (công nghệ giáo dục) Ông Bụt xuất hiện trong tập 10 chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 6 để kêu gọi 1 triệu USD cho 10% cổ phần, bày tỏ mong muốn giải ngân trong 3-6 tháng, cam kết hoàn vốn trong khoảng 3 năm.
Nền tảng học online tích hợp cả… sàn thương mại điện tửĐỗ Chí Cường - Co-founder của Ông Bụt giới thiệu nền tảng này là một hệ sinh thái giáo dục, với nhóm đồng sáng lập là CEO công ty công nghệ kết hợp cùng một nhóm giáo viên đạt giải quốc gia.
"Mất khoảng 3 năm với chi phí đầu tư 1,5 triệu USD để tạo nên một hệ sinh thái có trên 30 nghiệp vụ, trong đó khoảng 20 nghiệp vụ dành cho quản lý trường và 12 nghiệp vụ là để kinh doanh, tạo ra lợi nhuận", Chí Cường trình bày. Sản phẩm đã ra mắt thị trường vào ngày 21/12/2022.
Đỗ Chí Cường - Co-founder của startup Ông Bụt.
Co-founder của Ông Bụt đặt ra 3 mốc cho startup. Thứ nhất, năm 2023 đặt mục tiêu đạt 30.000 user, trong đó khoảng 8.000 user trả phí. Theo lời startup, đến thời điểm này họ đã vượt mục tiêu và 8 dịch vụ đã sinh lời. Mốc thứ 2 là năm 2026 – thời điểm cam kết hoàn vốn với mục tiêu đạt 200.000 user trả phí. Mốc thứ 3 là năm 2029 với mục tiêu 1 triệu user, doanh thu đạt 50 triệu USD.
Về mảng kinh doanh, Chí Cường cho biết Ông Bụt đang bán khóa học các môn trong nhà trường, giúp học sinh được học online trong bối cảnh tắc đường và đưa đón khó khăn ở những thành phố lớn.
Tuy nhiên, khi Shark Nguyễn Hòa Bình hỏi con của ông đang học lớp 5 thì vào app để làm gì, Chí Cường lại trả lời rằng Ông Bụt có cả… sàn thương mại điện tử tên là Taka bán kính cận cho học sinh, bởi đây là "một hệ sinh thái chứ không chỉ là việc học".
"Điều đó đối với các nhà đầu tư là điểm trừ và báo động đỏ chứ không phải điểm cộng để em chia sẻ ra đâu", Shark Bình thẳng thừng.
Co-founder dạy toán nhưng bắt các Shark tự tính số liệu, cách tự định giá công ty khiến Shark Louis thảng thốtKhi được hỏi về mức phí mỗi người dùng phải trả, Chí Cường cho biết anh đặt mục tiêu 1 triệu đồng mỗi user trong 1 năm, nhưng hiện tại đang đặt con số cao hơn, bởi thực tế cho thấy một người học thêm ở chỗ của anh đang trả 15 triệu đồng/năm cho một môn. Được biết, Co-founder của Ông Bụt là giáo viên dạy toán.
Tuy nhiên, khi Shark Bùi Quang Minh hỏi lại rằng như vậy doanh thu sẽ là 8.000 user nhân 15 triệu đồng, thì Chí Cường nói rằng chỉ đang nêu ví dụ có những học sinh trả mức đó. Shark Minh tiếp tục hỏi tổng doanh thu từ 8.000 user trả phí, nhưng Co-founder không trả lời thẳng vào trọng tâm như yêu cầu mà chỉ ra doanh thu của riêng từng mảng, ví dụ như bán khóa học thu về hơn 6 tỷ đồng.
Chí Cường cho biết startup đặt mục tiêu doanh thu năm nay là 1 triệu USD, thực tế 9 tháng đầu năm đã đạt 17 tỷ đồng. Tuy nhiên, Shark Lê Hùng Anh chỉ ra rằng con số mà startup đưa ra chỉ là GMV (tổng giá trị hàng hóa), không phải là doanh thu thực nhận bởi chưa trừ đi khoản phải trả cho các giáo viên. Mặc dù vậy, Co-founder vẫn quả quyết startup "ghi nhận doanh thu vào tài khoản là 17 tỷ đồng".
Khi được hỏi giá vốn, tức là khoản chi phí phải trả cho các giáo viên chiếm bao nhiêu phần trăm, Chí Cường cho biết với lớp học là khoảng 65%, còn khóa học là 50%.
- Shark Minh: Tính tổng cho anh đi.
- Startup: Dạ, thế là 60%
- Shark Minh: Cho anh cho số đi. 60% là 9 tỷ à? Còn chi phí gì nữa không?
- Startup: Chi phí lương cho doanh nghiệp là 400 triệu 1 tháng, em nhân với 14 tháng.
Sau khi tự tính các con số trên, Shark Minh tiếp tục hỏi lợi nhuận doanh nghiệp thì nhận được câu trả lời: "Là 30% nhân 17 tỷ".
Tới đây, Shark Louis Nguyễn thốt lên: "Bạn này cứ bắt mình phải tính!". Còn Shark Minh chỉ ra rằng các con số startup đưa ra không khớp nhau, đồng thời nhấn mạnh lãnh đạo doanh nghiệp phải nắm được các số liệu.
Shark Louis thắc mắc về cơ sở để Chí Cường định giá công ty 10 triệu USD (hơn 240 tỷ đồng). Đáp lại, Co-founder của Ông Bụt liệt kê một loạt điểm mạnh của startup: có công ty IT đứng sau để làm sản phẩm kết hợp với một nhóm giáo viên có giải quốc gia, thị trường tại Việt Nam rất lớn, luồng đầu tư vào giáo dục cũng như chi phí các gia đình bỏ ra cho giáo dục, tiếp đó là mô hình kinh doanh.
"Bạn ấy liệt kê một loạt điểm mạnh. Mỗi một điểm mạnh bạn ấy cho là 1 triệu USD", Shark Bình giải thích cách tự định giá của startup, khiến Shark Louis thảng thốt: "Trên thị trường ai sử dụng cái này?".
Shark Louis Nguyễn.
Shark Louis là "cá mập" đầu tiên từ chối đầu tư, tiếp đó là Shark Minh.
"EdTech là ngành rất nhiều tiềm năng. Có thể hiện tại cũng gặp nhiều khó khăn với tình hình chung trên thế giới, nhưng có những case study rất thành công như Coursera của Mỹ hay Byju's của Ấn Độ. Nhưng người ta làm được những điều kỳ vĩ như vậy không có nghĩa là mình cũng có thể làm một cách đơn giản theo cách bạn đang nghĩ. Mình nghĩ tham vọng và góc nhìn của bạn đang đơn giản quá với mọi việc", Shark Minh nói với startup.
Shark Lê Hàn Tuệ Lâm chỉ ra rằng việc các thông tin startup đưa ra không khớp nhau khiến nhà đầu tư hoài nghi, và người làm kinh doanh không nắm được số liệu là điều rất nguy hiểm. Do đó, cô cũng rút lui.
Shark Bình với Shark Hùng Anh cũng lần lượt rút lui trước phần trình bày không rành mạch và thiếu thuyết phục của startup.