CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Startup nông nghiệp Việt Nam FoodMap gọi vốn thành công 1 triệu USD

Invest Global 08:33 29/06/2023

Vòng huy động vốn mới nhất đã nâng tổng số tiền tài trợ của FoodMap lên 4,5 triệu USD kể từ khi thành lập vào năm 2020.

Startup công nghệ nông nghiệp FoodMap đã huy động được 1 triệu USD trong một vòng gọi vốn cầu nối để tài trợ cho việc mở rộng thị trường mới.

Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Phạm Ngọc Anh Tùng cho biết, các nhà đầu tư hiện tại đã tham gia vào vòng này bao gồm Vulpes Investment Management, Beenext và Wavemaker Partners. Một công ty Singapore cũng tham gia với tư cách là nhà đầu tư mới.

"FoodMap sẽ tập trung vào xuất khẩu, với Trung Quốc và New Zealand là thị trường mục tiêu," ông Tùng chia sẻ với Nhadautu.vn.

Phạm Ngọc Anh Tùng, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành FoodMap. Ảnh: FoodMap.

Phạm Ngọc Anh Tùng, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành FoodMap. Ảnh: FoodMap.

Cách đây hơn một năm, công ty đã huy động được 3 triệu USD trong vòng gọi vốn tiền Series A do Vulpes Ventures và Beenext đồng dẫn đầu, với sự tham gia của Ascend Vietnam Ventures và Wavemaker Partners.

Năm 2020, FoodMap đã huy động được 500.000 USD tiền tài trợ trong vòng hạt giống từ Wavemaker Partners.

FoodMap kết nối nông dân, nhà sản xuất nông nghiệp vừa và nhỏ với người tiêu dùng, cung cấp tính minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc nông sản. Công ty cũng vận hành nền tảng thương mại điện tử công nghệ nông nghiệp duy nhất tại Việt Nam, kết nối trực tiếp nông dân và nhà sản xuất thực phẩm với khách hàng trên cơ sở giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) và doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2C).

Trước khi bắt đầu khởi nghiệp với FoodMap, Phạm Ngọc Anh Tùng đã có hai năm làm Giám đốc nông trại Cầu Đất Farm (Đà Lạt, Lâm Đồng) rộng 200 ha, phát triển trang trại này thành một điểm thu hút khách du lịch như hiện nay.

Với niềm đam mê mạnh mẽ với nông nghiệp và sự đồng cảm với những khó khăn mà người nông dân gặp phải, anh quyết định tạm dừng ước mơ triển khai ứng dụng IoT vào nông nghiệp và khởi nghiệp với FoodMap để giải quyết những vấn đề nhức nhối nhất của người nông dân đó là: đầu ra cho sản phẩm và gia tăng thu nhập.

"Sử dụng công nghệ, FoodMap đã tạo ra nhiều ứng dụng và giải pháp để cải thiện từng mắt xích trong chuỗi cung ứng như thu mua nông sản và quy trình vận hành, giúp đưa công ty đến gần hơn với khách hàng. Ngoài ra, FoodMap đã tạo ra hệ thống truy xuất nguồn gốc nội bộ của riêng mình, Dtrack, chủ yếu phục vụ khách hàng B2B", ông Tùng nói.

Tính đến năm 2022, FoodMap đã cung cấp sản phẩm của hơn 300 nông dân và nhà sản xuất trên khắp Việt Nam. Công ty tuyên bố đến nay, đã phục vụ 100.000 khách hàng B2C và B2B.

Hồi cuối tháng 4 năm nay, FoodMap đã bắt tay với các nhà thương mại điện tử như Shopee, Lazada để giới thiệu dự án Tôn vinh nông sản Việt. Dự án hỗ trợ người trồng tạo ra hoạt động kinh doanh lâu dài, nâng cao giá trị thương hiệu và hỗ trợ phát triển kinh tế khu vực.

Tin tức khởi nghiệp