CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Sửa Luật Các tổ chức tín dụng: Tăng quyền xử lý nợ xấu, sửa quy định cho vay đặc biệt lãi suất 0%

Invest Global 14:26 15/05/2025

Ngày 15/5, Ngân hàng Nhà nước cung cấp một số thông tin về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng. Dự án Luật dự kiến được xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đang diễn ra.

(TBTCO) - Ngày 15/5, Ngân hàng Nhà nước cung cấp một số thông tin về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng. Dự án Luật dự kiến được xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đang diễn ra.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng là cần thiết nhằm luật hóa một số quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết 42) trên cơ sở các căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn, cũng như phù hợp với chỉ đạo về việc tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, kịp thời xử lý các vướng mắc, khó khăn của người dân và doanh nghiệp.

Điều này được kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác xử lý nợ xấu, góp phần khơi thông nguồn vốn, nâng cao mức độ an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng. Cùng với đó, việc điều chỉnh quy định về thẩm quyền cho vay đặc biệt với lãi suất 0% mỗi năm và không có tài sản bảo đảm là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Sửa Luật Tổ chức tín dụng: Tăng quyền xử lý nợ xấu, sửa quy định cho vay đặc biệt lãi suất 0% Sửa Luật Các tổ chức tín dụng: Tăng quyền xử lý nợ xấu, sửa quy định cho vay đặc biệt lãi suất 0%. Ảnh minh hoạ.

Luật hóa 3 quy định then chốt từ Nghị quyết 42

NHNN cho rằng, cần tiếp tục luật hóa các quy định tại Nghị quyết 42 đã phát huy tốt hiệu quả, trong đó bao gồm: quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm; quy định về việc kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án; quy định về hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự; đồng thời, bổ sung quy định về hoàn trả tài sản bảo đảm là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Cũng theo NHNN, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng đang tạo ra áp lực đối với lĩnh vực ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh hiện tại khi năm 2025 được xác định là năm tăng tốc, bứt phá để hoàn thành các mục tiêu của cả nhiệm kỳ 2021 - 2025.

Chính phủ đề ra mục tiêu đạt mức tăng trưởng ít nhất 8%, nhằm tạo thế, tạo đà, tạo lực và tạo khí thế để đưa đất nước tăng trưởng ở mức hai con số trong những năm tiếp theo.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ xấu gia tăng cũng được NHNN chỉ rõ. Theo đó, một là, kinh tế toàn cầu tiếp tục tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức; kinh tế trong nước còn gặp nhiều khó khăn và chịu tác động khó lường từ tình hình thế giới và thiên tai diễn biến phức tạp. Hai là, các thị trường chứng khoán, trái phiếu, bất động sản phục hồi chậm.

Ba là, thị trường mua bán nợ chưa phát triển như kỳ vọng; một số nội dung quan trọng của Nghị quyết 42 chưa được luật hóa, gây ảnh hưởng đến quá trình xử lý, thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng và tổ chức mua bán, xử lý nợ. Bốn là, năng lực quản trị của một số tổ chức tín dụng còn chưa đáp ứng yêu cầu về quy mô, tốc độ tăng trưởng và mức độ rủi ro.

Các chính sách được luật hóa cần được xác định rõ nội dung và đánh giá tác động cụ thể, đồng thời đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

"Bên cạnh đó, việc sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt với lãi suất 0%/năm và không có tài sản bảo đảm cần đảm bảo tổ chức thực hiện một cách kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả, khả thi, an toàn và bảo vệ hệ thống tổ chức tín dụng, đồng thời không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí hay vi phạm pháp luật" - NHNN lưu ý.

Cuối cùng, các nội dung sửa đổi, bổ sung phải đảm bảo phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, cũng như các thỏa thuận và cam kết quốc tế khác, nhằm bảo đảm mục tiêu hội nhập quốc tế và phù hợp với xu hướng phát triển toàn cầu./.