CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
A.I
(KTSG) - Quốc hội đang xem xét sửa đổi Luật Đấu thầu tại kỳ họp đang diễn ra. Liệu những đề xuất chính sách mới có trị được các “tội” làm chậm tiến độ, mất cán bộ, chất lượng công trình kém và không tiết kiệm của “ông đấu thầu” mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra?
Gói thầu chưa phát hành hồ sơ trước 1-1-2024 sẽ áp dụng theo Luật Đấu thầu mớiDự thảo Luật Đấu thầu: Tìm cách gỡ khó trong đấu thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư y tế
Cuối tuần trước (ngày 17-5-2025), trong phiên thảo luận tại tổ của Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội về một luật sửa bảy luật, trong đó có Luật Đấu thầu (sau đây gọi là dự thảo Luật), Tổng Bí thư Tô Lâm nêu một thực trạng kéo dài nhiều năm. Đó là ngân sách có tiền nhưng không giải ngân được, trong khi nhu cầu phát triển đất nước vẫn rất cấp thiết, thậm chí phải vay vốn nước ngoài để đầu tư.
Theo Tổng Bí thư, riêng quy trình đầu thầu “đã hết cả năm”. “Mấy tháng chọn thầu, mấy tháng mở thầu, mấy tháng chấm thầu, như vậy làm gì còn thời gian thực thi nữa. Đầu tư công quí 1 bao giờ cũng thấp nhất vì vướng các thủ tục”. Vì vậy, muốn sửa Luật Đấu thầu, phải tổng kết xem “ông đấu thầu” có những tội gì. “Tội nặng lắm. Tội chậm tiến độ phát triển, chậm công trình, chất lượng kém, tội hư hỏng, mất cán bộ và không tiết kiệm. Mục tiêu của đấu thầu để hiệu quả nhất, đẩy được tốc độ lớn nhất và có những công trình tốt lại đều không đạt”, Tổng Bí thư nói và nhấn mạnh yêu cầu “phải chữa được bệnh này”.
Sửa đổi quy định về đấu thầu mở ra cơ hội “làm mới” cơ chế quản lý mua sắm, đầu tư công song cũng đi kèm với rủi ro nếu không được thực hiện với tiêu chí minh bạch, có cơ chế giám sát chặt chẽ và xử lý vi phạm nghiêm minh. Bởi vậy, đối với câu hỏi những đề xuất của Chính phủ có chữa được “bệnh” của “ông đấu thầu” hay không thì câu trả lời phụ thuộc vào việc thực hiện đồng bộ cả về mặt pháp lý và quản trị.
Nhìn vào những đề xuất sửa đổi Luật Đấu thầu lần này, có thể thấy Chính phủ đã cố gắng “chẩn bệnh” và “bốc thuốc” cho “căn bệnh kinh niên” của nền kinh tế - những ách tắc trong đầu tư công, mua sắm công mà Tổng Bí thư đã chỉ rõ.
Theo đó, Chính phủ đề xuất cho phép doanh nghiệp nhà nước (không phân biệt nguồn vốn sử dụng) được tự quyết định việc mua sắm nhằm bảo đảm tính liên tục, duy trì hoạt động thường xuyên và thực hiện dự án đầu tư của mình. Đây là thay đổi chính sách lớn so với quy định của Luật Đấu thầu hiện hành - vốn yêu cầu dự án của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đều phải áp dụng đấu thầu.
Dự thảo Luật cũng loại trừ đối tượng thực hiện Luật Đấu thầu đối với hoạt động mua sắm thường xuyên, mua sắm phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện dự án đầu tư không sử dụng ngân sách nhà nước của đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên. Cả nước hiện có khoảng 47.000 đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo đánh giá của Chính phủ, phương án này sẽ góp phần tháo gỡ vướng mắc, tạo cơ chế chủ động trong hoạt động đấu thầu của khoảng 450 đơn vị thuộc nhóm 1 (tương đương 0,95% tổng số đơn vị sự nghiệp công lập) và khoảng 3.366 đơn vị thuộc nhóm 2 (tương đương 7,2% tổng số đơn vị sự nghiệp công lập). Đồng thời, việc cho phép các đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực y tế được tự quyết định việc mua sắm sử dụng nguồn thu hợp pháp của mình sẽ giúp cho người dân được tiếp cận với thuốc tốt, vật tư, thiết bị y tế hiện đại, công nghệ cao.
Đặc biệt, dự thảo Luật cho phép chủ đầu tư, người có thẩm quyền được linh hoạt lựa chọn hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư phù hợp với quy mô, tính chất và điều kiện thực tế của gói thầu, dự án. Đồng thời, mở rộng các trường hợp được áp dụng hình thức chỉ định thầu, chỉ định nhà đầu tư hoặc lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư theo hình thức đặc biệt đối với những gói thầu, dự án quan trọng, cấp bách, liên quan đến lợi ích quốc gia, hoặc có yêu cầu đặc thù về nghiên cứu, ứng dụng, phát triển khoa học và công nghệ. Dự thảo Luật cũng bỏ quy định về trường hợp cụ thể áp dụng hình thức chỉ định thầu và hạn mức, điều kiện chỉ định thầu của Luật Đấu thầu hiện hành, thay vào đó dự thảo Luật chỉ quy định nguyên tắc chung và giao Chính phủ quy định chi tiết về chỉ định thầu.
Cùng với đó, một số thủ tục, thao tác đấu thầu qua mạng, tiêu chí đánh giá hồ sơ dự thầu… được bãi bỏ hoặc lược bỏ nhằm rút ngắn thời gian, cắt giảm thủ tục trong đấu thầu.
Trong vai trò cơ quan thẩm tra dự thảo Luật, Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cơ bản nhất trí với những đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, ủy ban này cũng chỉ ra những “tác dụng phụ” cần lưu ý. Ví dụ, các đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực y tế được tự quyết định việc mua sắm thuốc, vật tư y tế sẽ tác động lớn đến quyền lợi của người bệnh và khả năng chi trả của Quỹ Bảo hiểm y tế do người dân đóng góp.
Hoặc, chủ đầu tư được linh hoạt lựa chọn hình thức đấu thầu sẽ giúp rút ngắn thời gian thực hiện, song cũng tiềm ẩn nguy cơ phát sinh “xin - cho” và trục lợi chính sách, khi chỉ có một số doanh nghiệp được ưu ái giao thầu, chỉ định thầu trong phạm vi hẹp hoặc ưu đãi cho nhóm “thân hữu”. Hệ quả là môi trường đầu tư kinh doanh bị méo mó, thiếu cạnh tranh bình đẳng, doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận các gói thầu công và cơ hội tham gia đầu tư công. Trong khi đó, hầu hết quốc gia trên thế giới vẫn tuân thủ nguyên tắc đấu thầu công khai, minh bạch đối với vốn ngân sách, lựa chọn hình thức đấu thầu phù hợp để bảo đảm hiệu quả, công bằng và ngăn ngừa tiêu cực.
Do đó, Ủy ban Kinh tế và Tài chính nhấn mạnh cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng để quy định trong luật và các văn bản hướng dẫn thi hành phải chặt chẽ, phù hợp thực tiễn. Các quy định cần bảo đảm thủ tục hành chính thuận lợi, thông thoáng, song phải đi đôi với cơ chế giám sát chặt chẽ, hậu kiểm hiệu quả, tăng cường minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình, có chế tài xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm. Mục tiêu là bảo đảm mọi quyết định đều đúng pháp luật, hạn chế tối đa sai sót, phòng ngừa tiêu cực, ngăn chặn trục lợi chính sách.
Có thể thấy, sửa đổi quy định về đấu thầu mở ra cơ hội “làm mới” cơ chế quản lý mua sắm, đầu tư công song cũng đi kèm với rủi ro nếu không được thực hiện với tiêu chí minh bạch, có cơ chế giám sát chặt chẽ và xử lý vi phạm nghiêm minh. Bởi vậy, đối với câu hỏi những đề xuất của Chính phủ có chữa được “bệnh” của “ông đấu thầu” hay không thì câu trả lời phụ thuộc vào việc thực hiện đồng bộ cả về mặt pháp lý và quản trị. Đây chính là bài toán lớn đặt ra cho Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ và quyết liệt trong thời gian tới.