CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Sumitomo được 'bật đèn xanh' xây khu công nghiệp 116 triệu USD

Invest Global 10:17 07/05/2025

Với dự án sắp được triển khai ở Thanh Hóa, tập đoàn Nhật Bản sẽ mở rộng danh mục bất động sản công nghiệp lên con số 4 trong bối cảnh vốn FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam.

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ra quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp nhận nhà đầu tư đối với Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) để đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Thăng Long Thanh Hóa (giai đoạn 1).

Theo đó, dự án có quy mô sử dụng đất là 167 ha, tổng vốn đầu tư là 2.917 tỷ đồng, tương đương 115,8 triệu USD, trong đó vốn góp của nhà đầu tư chiếm 15% và được Sumitomo góp bằng tiền mặt trong vòng 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Dự án sẽ được triển khai tại các xã Đông Yên, Đông Văn (thành phố Thanh Hóa) và các xã Đồng Tiến, Đồng Thắng (huyện Triệu Sơn). Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày nhà đầu tư được Nhà nước cấp quyết định giao đất, cho thuê đất.

Tỉnh Thanh Hóa đề ra tiến độ xây dựng cơ bản và đưa công trình vào hoạt động hoặc khai thác vận hành là không quá 36 tháng, kể từ ngày tổ chức kinh tế thực hiện dự án do nhà đầu tư thành lập được Nhà nước giao đất, cho thuê đất.

Tỉnh này yêu cầu chủ đầu tư phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước để hoàn thành hồ sơ, thủ tục liên quan đến dự án theo quy định; bố trí đầy đủ nguồn lực về tài chính, nhân lực, máy móc, thiết bị để bồi thường giải phóng mặt bằng và tập trung thi công dự án, sớm hoàn thành, đưa vào khai thác theo đúng tiến độ đã cam kết.

Theo quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh này sẽ có hai khu kinh tế, 19 khu công nghiệp và 126 cụm công nghiệp.

Sumitomo mở rộng danh mục khu công nghiệp

Tập đoàn Sumitomo được biết đến là một doanh nghiệp FDI đã đầu tư ở nhiều lĩnh vực khác nhau tại Việt Nam, từ bất động sản nhà ở, đường sắt đô thị đến khu công nghiệp (KCN), nhà máy nhiệt điện, logistics...

KCN Thăng Long ở Hà Nội. Ảnh: TLIP

Trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp, Tập đoàn đến từ Nhật Bản đang vận hành 3 KCN. Trong đó, KCN Thăng Long được phát triển bởi Công ty TNHH Khu công nghiệp Thăng Long (TLIP). Sumitomo sở hữu 58% vốn của TLIP còn đối tác Việt Nam là CTCP Cơ khí Đông Anh - Licogi nắm phần vốn góp còn lại.

KCN Thăng Long nằm sát sông Hồng, ở huyện Đông Anh, Hà Nội, được xây dựng từ năm 1997 với tổng vốn đầu tư hơn 90 triệu USD và diện tích 274 ha. Đa phần các công ty thuê ở đó đến từ Nhật Bản như Canon, MHI Aerospace, Kyoei Dietech Vietnam, Panasonic Vietnam…

KCN Thăng Long II (TLIPII) được xây dựng tại huyện Yên Mỹ và Mỹ Hào (tỉnh Hưng Yên), có chủ đầu tư là Công ty TNHH KCN Thăng Long II.

TLIPII được thành lập từ tháng 11/2006, với diện tích ban đầu là 346 ha. Năm 2019, KCN này được mở rộng thêm 181 ha, đưa tổng diện tích TLIPII lên 525 ha với tổng mức đầu tư lên tới 221,4 triệu USD. Đây là KCN tập trung nhiều doanh nghiệp Nhật Bản nhất ở Việt Nam, với nhiều cái tên lớn như Kyocera, Daikin, Toto và Panasonic.

KCN còn lại có tên Thăng Long Vĩnh Phúc (TLIPIII), đặt tại huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Được thành lập từ tháng 11/2015 với diện tích 213 hecta và tổng mức đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng, KCN này có vị trí thuận lợi khi cách không xa nút giao cao tốc Nội Bài - Lào Cai, sân bay quốc tế Nội Bài, trung tâm Hà Nội, và cảng nước sâu Cái Lân (Quảng Ninh).

Vào tháng 2, đại diện Tập đoàn Sumitomo có buổi làm việc với ông Trần Duy Đông, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc để trình bày kế hoạch đầu tư xây dựng KCN thứ hai tại tỉnh này.

Thông tin Doanh nghiệp