CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Tài chính vững mạnh là nền tảng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới

Invest Global 09:29 23/10/2024

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP. Hồ Chí Minh), những năm qua, với nguồn tài chính được đảm bảo, nước ta đầu tư rất nhiều cho cơ sở hạ tầng, tạo cơ sở, nền tảng cho tăng trưởng bền vững trong thời gian tới. Nguồn lực tài chính là một trong những yếu tố nền tảng quan trọng để đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới.

(TBTCO) - Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP. Hồ Chí Minh), những năm qua, với nguồn tài chính được đảm bảo, nước ta đầu tư rất nhiều cho cơ sở hạ tầng, tạo cơ sở, nền tảng cho tăng trưởng bền vững trong thời gian tới. Nguồn lực tài chính là một trong những yếu tố nền tảng quan trọng để đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới.

Tài chính vững mạnh là nền tảng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới Khi các hạ tầng đồng bộ sẽ giảm được chi phí logistic, đây sẽ là động lực tăng trưởng bền vững trong thời gian tới. Ảnh tư liệu

PV: Trong phiên họp sáng 22/10, Quốc hội đã nghe báo cáo về tình hình ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024, dự toán năm 2025. Ông đánh giá thế nào về bức tranh thu, chi ngân sách năm 2024?

Tài chính vững mạnh là nền tảng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới

Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Qua báo cáo của Chính phủ, có thể thấy tổng thu NSNN trong 9 tháng qua rất khả quan. Điều này cũng tương thích với các số liệu về tình hình tăng trưởng kinh tế nước ta đã phục hồi tích cực với các giải pháp được Chính phủ triển khai một cách hiệu quả. Kết quả thu ngân sách là con số “tiền tươi thóc thật”, được quản lý chặt chẽ đến từng đồng cho nên không có gì phải nghi ngờ. Đây là sự thể hiện thực tế nhất về sự phục hồi của nền kinh tế.

Các số liệu thống kê kinh tế cho thấy tình hình tăng trưởng khá tốt trên hầu khắp các lĩnh vực, từ công nghiệp, chế biến chế tạo, xuất nhập khẩu, tiêu dùng trong nước, du lịch, dịch vụ, thu hút FDI cả số vốn đăng ký và số giải ngân… Điều này cũng thể hiện trong báo cáo về thu ngân sách là các lĩnh vực thu đều đạt và vượt dự toán giao. Có thể nói, đây là những nền tảng rất tốt để tạo đà cho năm 2025, năm cuối của giai đoạn 2021 - 2025.

Còn về chi, theo báo cáo, chi thường xuyên thực hiện 9 tháng đạt 68 % dự toán, ước cả năm tăng 15.000 tỷ đồng, tương đương 1,2% so với dự toán. Mức chi này là phù hợp trong điều kiện năm nay chúng ta phải bố trí thực hiện nhiều nhiệm vụ đột xuất phát sinh và phần đảm bảo tăng cường tăng lương cơ sở từ mùng 1/7/2024 theo quy định. Đối với chi giải ngân đầu tư công thì tôi kỳ vọng trong những tháng cuối năm, các giải pháp quyết liệt mà Chính phủ, các bộ, ngành đã và đang triển khai sẽ phát huy hiệu quả, bảo đảm giải ngân theo dự kiến kế hoạch đề ra.

PV: Còn đối với dự toán NSNN năm 2025, ông có nhận xét gì?

Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Nhìn chung dự toán thu NSNN được xây dựng ở mức tích cực trong bối dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2025 ở mức cao, thu từ ba khu vực sản xuất kinh doanh đều tăng so với ước thực hiện năm 2024... Dù vậy, cũng phải lưu ý nền kinh tế còn những rủi ro trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều biến động, thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi rõ rệt, tiến độ thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước thời gian qua chậm, ảnh hưởng đến thực hiện dự toán các nguồn thu này.

Về chi, điều đặc biệt là chúng ta đã dành con số khá lớn chi cho đầu tư phát triển. Theo báo cáo là 790,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 31% tổng chi NSNN, là mức rất tích cực so với mục tiêu Kế hoạch 5 năm là 28%, phấn đấu 29%. Dự toán chi thường xuyên đảm bảo tiền lương, các chế độ chính sách xã hội đã ban hành và các nhiệm vụ chính trị quan trọng.

Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy áp lực cân đối chi rất lớn, nhất là khi chúng ta sẽ tăng chi cho các công trình hạ tầng quan trọng, các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách về chính trị, đối ngoại, quốc phòng, an ninh, đảm bảo an sinh xã hội,...

PV: Cũng theo các báo cáo của Chính phủ, các chỉ tiêu về nợ công, nợ Chính phủ, bội chi của năm 2024 cũng như dự kiến cả giai đoạn 5 năm 2021 – 2025 đều thấp xa so với ngưỡng Quốc hội cho phép. Theo ông, điều này có ý nghĩa như thế nào?

Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Con số tỷ lệ nợ công, bội chi được tính trên quy mô GDP, dù số tuyệt đối tăng nhưng tính trên quy mô GDP thì giảm. Đây là điều rất tích cực, có ý nghĩa quan trọng đối với việc thực hiện các chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Có thể nói, nguồn thu của chúng ta trong những năm qua được quản lý điều hành rất tốt. Mặc dù đã thực hiện chính sách tài khóa mở rộng để hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế, song việc giảm thuế không hẳn làm thất thu mà còn mở rộng được nguồn thu, khuyến khích tăng doanh thu tiêu thụ hàng hóa, từ đó làm nguồn thu tăng lên.

Qua đó, chúng ta đảm bảo được cân đối thu chi, đảm bảo an ninh tài chính, kiểm soát lạm phát, từ đó góp phần giữ ổn định kinh tế vĩ mô suốt nhiều năm qua. Tài chính luôn là yếu tố nền tảng quan trọng, bên cạnh các yếu tố về con người, thể chế, hạ tầng, để từ đó tạo đà bứt phá, đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới.

Những năm qua, với nguồn tài chính ổn định, chúng ta đầu tư công rất nhiều cho cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông. Khi các hạ tầng đồng bộ thì sẽ giảm được chi phí logistic, đây sẽ là động lực tăng trưởng bền vững trong thời gian tới. Cùng với đó, hạ tầng về y tế, giáo dục, hạ tầng số được đầu tư đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Về thể chế, tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét khối lượng công việc lớn nhất từ trước đến nay để hoàn thiện nền tảng thể chế, không chỉ thể chế cho kinh tế thị trường mà còn có thể chế về văn hóa, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Tất cả những yếu tố này cộng hưởng đã tạo niềm tin cho thị trường, cho người dân, trở thành những điều kiện chín muồi để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới, “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói.

PV: Xin cám ơn đại biểu!

Theo báo cáo của Chính phủ, dự kiến bội chi cuối năm 2025 khoảng 3,8% GDP, nợ công khoảng 36 - 37% GDP, nợ Chính phủ khoảng 34 - 35% GDP. Mức trần nợ công Quốc hội cho phép là 60% GDP, ngưỡng cảnh báo là 55% GDP, trần nợ chính phủ là 50% GDP, ngưỡng cảnh báo là 45% GDP. Bội chi NSNN bình quân giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 3,4% GDP, so với kế hoạch là không quá 3,7% GDP.