CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Tài khóa chậm rãi, tiền tệ nới nhanh

Invest Global 10:19 28/06/2023

(KTSG) - Từ tình hình kinh tế thế giới và bối cảnh vĩ mô trong nước, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã liên tục giảm lãi suất điều hành, đánh dấu chu kỳ hạ lãi

(KTSG) – Từ tình hình kinh tế thế giới và bối cảnh vĩ mô trong nước, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã liên tục giảm lãi suất điều hành, đánh dấu chu kỳ hạ lãi suất nhanh nhất trong nhiều năm trở lại đây. Trong bối cảnh chính sách tài khóa cần thêm thời gian, chính sách tiền tệ đang nỗ lực thể hiện vai trò đầu kéo cho tăng trưởng.

Chính sách tài khóa mở rộng cần thêm giải pháp nào?Mỹ đối mặt khủng hoảng tài khóa
Chính sách tiền tệ đóng góp không nhỏ trong việc phục hồi kinh tế mạnh mẽ sau hai năm chống chọi với đại dịch Covid-19. Ảnh: LÊ VŨ

Giảm lãi suất bốn lần chỉ trong ba tháng

Ngày 15-6-2023, kết thúc cuộc họp chính sách hai ngày, Cục Dự trữ liên bang Mỹ quyết định giữ nguyên mức lãi suất 5-5,25%/năm, dù vẫn phát đi tín hiệu có thể tiếp tục thắt chặt trong năm nay. Trước đó hai ngày, Bộ Lao động Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 chỉ còn tăng 4% so với cùng kỳ, mức tăng thấp nhất kể từ tháng 3-2021 – thời điểm lạm phát vừa bắt đầu xu hướng tăng ở nước này.

Ở phía bên kia bán cầu, Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBoC) ngày 13-6-2023 bất ngờ giảm nhẹ 0,1 điểm phần trăm lãi suất hợp đồng mua lại đảo ngược bảy ngày (reverse repo) và lãi suất cho vay qua đêm (SLF) xuống còn 1,9%, đánh dấu lần giảm lãi suất đầu tiên của PBoC từ tháng 8-2022. Chỉ hai ngày sau đó, PBoC có đợt giảm lãi suất thứ hai khi hạ 0,1 điểm phần trăm lãi suất các khoản cho vay kỳ hạn một năm (MLF) dành cho các ngân hàng thương mại (NHTM) xuống 2,65%.

Lãi suất MLF thường dẫn dắt lãi suất cơ bản (LPR) – mức lãi suất được áp dụng với các hộ gia đình, doanh nghiệp và trong các hợp đồng cho vay thế chấp. Thị trường thường xem lãi suất trung hạn này là chỉ báo sớm cho lãi suất cơ bản. Lãi suất MLF thấp hơn sẽ làm giảm chi phí đi vay của các NHTM, từ đó khuyến khích các NHTM cho vay nhiều hơn và có thể thúc đẩy hoạt động tiêu dùng trong nước. Ngoài ra, nhận được yêu cầu từ PBoC, sáu NHTM quốc doanh lớn nhất Trung Quốc ngày 15-6-2023 đã hạ lãi suất tiết kiệm để thúc đẩy tiêu dùng.

Đây có thể xem là giai đoạn giảm lãi suất nhanh nhất của NHNN trong nhiều năm trở lại đây, hơn cả giai đoạn năm 2020 khi nền kinh tế bắt đầu đối mặt với đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy cơ quan này có ba lần giảm lãi suất điều hành nhưng diễn ra trong vòng sáu tháng.

Một dự báo mới đây của ngân hàng Mỹ Goldman Sachs cho rằng ngành bất động sản Trung Quốc – một trong những đầu tàu tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc, sẽ còn “suy yếu kéo dài” trong nhiều năm, đặt ra một rào cản lớn đối với tăng trưởng kinh tế.

Theo đó, thị trường đang đặt cược khả năng Bắc Kinh có thêm các biện pháp kích cầu khác, bao gồm chính sách tăng cường hỗ trợ cho thị trường bất động sản đang chìm trong khủng hoảng.

Quan sát tình hình quốc tế, NHNN cũng đã hành động nhanh chóng, khi ngay trong ngày 16-6-2023 quyết định giảm thêm một loạt lãi suất điều hành, có hiệu lực từ đầu tuần này (19-6-2023).

Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn và tái chiết khấu đều giảm 0,5 điểm phần trăm xuống tương ứng 4,5%/năm và 3%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng (TCTD) cũng giảm 0,5 điểm phần trăm xuống 5%/năm.

Ngoài ra, trần lãi suất tiền gửi tiền đồng có kỳ hạn từ một tháng đến dưới sáu tháng tiếp tục được giảm 0,25 điểm phần trăm xuống 4,75%/năm; trần lãi suất cho vay ngắn hạn tiền đồng đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm 0,5 điểm phần trăm xuống 4%/năm.

Đây là lần giảm lãi suất điều hành thứ 4 liên tiếp chỉ trong vòng ba tháng qua và là lần giảm thứ 2 liên tiếp chỉ trong vòng ba tuần qua.

Tổng thể sau bốn lần giảm, trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dưới sáu tháng đã giảm 1,25 điểm phần trăm; lãi suất tái chiết khấu, tái cấp vốn và trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng đối với các lĩnh vực ưu tiên đã giảm 1,5 điểm phần trăm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD đã giảm 2 điểm phần trăm, về lại mức trước tháng 9-2022.

Định hướng duy trì nới lỏng

Ngoài những yếu tố hỗ trợ từ tình hình thế giới, việc lạm phát trong nước tiếp tục hạ nhiệt với CPI chỉ mới tăng 0,4% so với đầu năm và tăng 3,55% so với cùng kỳ, cộng thêm thanh khoản hệ thống dồi dào đã tạo điều kiện cho nhà điều hành mạnh tay giảm lãi suất liên tiếp chỉ trong thời gian ngắn. Đây có thể xem là giai đoạn giảm lãi suất nhanh nhất của NHNN trong nhiều năm trở lại đây, hơn cả giai đoạn năm 2020 khi nền kinh tế bắt đầu đối mặt với đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy cơ quan này có ba lần giảm lãi suất điều hành nhưng diễn ra trong vòng sáu tháng.

Thực tế động thái của NHNN chỉ là bước đi hiện thực hóa những kỳ vọng và tín hiệu của thị trường, khi lãi suất trên thị trường liên ngân hàng hơn một tháng qua liên tục đi xuống, đến ngày 15-6-2023 đã rớt về chỉ còn quanh 1,3%/năm đối với kỳ hạn qua đêm; các kỳ hạn 1-2 tuần cũng giảm sâu về còn 1,5-1,8%/ năm, mức thấp nhất trong nhiều tháng qua.

Trên thị trường huy động từ khu vực dân cư, gần hai phần ba ngân hàng niêm yết lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn một tháng dưới mức trần cũ ở 5%, trong khi ở kỳ hạn năm tháng thì gần một nửa trong số 35 ngân hàng nội địa niêm yết dưới mức trần cũ này. Điều này cho thấy các ngân hàng không còn chịu sức ép ở hoạt động huy động vốn như giai đoạn cuối năm 2022 đầu năm 2023, khi mà tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay vẫn chậm chạp.

Với nguồn cung ngoại tệ tiếp tục dồi dào và tỷ giá ổn định, khi cán cân thương mại hàng hóa năm tháng đầu năm nay thặng dư đến 9,8 tỉ đô la Mỹ; hoạt động góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài mang về 10,86 tỉ đô la Mỹ; trong khi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân là 7,65 tỉ đô la Mỹ, NHNN đang có điều kiện thuận lợi để tiếp tục nâng cao dự trữ ngoại hối trở lại, bơm thêm tiền đồng và kéo giảm lãi suất.

Đặc biệt, trong bối cảnh chính sách tài khóa chưa phát huy được hiệu quả, chính sách tiền tệ dường như đang muốn hỗ trợ nhanh nhất cho tăng trưởng kinh tế trong năm nay. Thống kê cho thấy tổng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước năm tháng đầu năm 2023 ước đạt hơn 177.000 tỉ đồng, dù có tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước nhưng so với kế hoạch chỉ mới đạt tiến độ 25,5%.

Một số quốc gia gần đây đã bắt đầu rơi vào suy thoái kinh tế khi thắt chặt chính sách tiền tệ quá nhanh trong hơn một năm qua và liên tục tăng lãi suất lên mức cao, vì vậy nhà điều hành có lý do để lo ngại, nên việc kéo giảm lãi suất trở lại được đánh giá là chính sách cần thiết trong tình hình hiện nay.

Những số liệu về các điều kiện kinh doanh liên tục bị thu hẹp trong những tháng qua, doanh nghiệp sụt giảm đơn hàng, giảm quy mô sản xuất kinh doanh, trong khi lãi suất cho vay dường như vẫn giảm chậm hơn lãi suất tiền gửi, khiến bức tranh càng trở nên bi quan.

Thực tế chính NHNN cũng cho rằng “Việc tiếp tục giảm lãi suất điều hành của NHNN khẳng định và xác lập xu hướng giảm lãi suất cho thị trường trong thời gian tới, qua đó định hướng TCTD mạnh dạn và quyết liệt hơn trong việc giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi kinh tế”.

Tương tự Trung Quốc, những khó khăn của thị trường bất động sản trong nước cũng đang gây ra không ít lo ngại vì tính lan tỏa lên nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác trong nền kinh tế. Do đó, nhà điều hành có thể sẽ tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng trong thời gian tới, thậm chí tiếp tục có thêm các đợt giảm lãi suất mới, đưa mặt bằng một số mức lãi suất về lại trước thời điểm tháng 9-2022, khi mà giới phân tích cũng tin rằng dư địa cho chính sách tiền tệ nói chung và công cụ lãi suất nói riêng vẫn còn.