CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Tại sao Việt Nam nên thiết kế chip thay vì sản xuất?

Invest Global 08:40 06/10/2023

Với chi phí thấp hơn và lợi thế nhất định cho đào tạo nhân lực, việc tập trung vào khâu thiết kế được cho là phương án thích hợp hơn để Việt Nam phát triển công nghiệp bán dẫn.

Công nghiệp bán dẫn đang trở thành một ngành công nghiệp đầy tiềm năng và có sự phát triển nhanh chóng trên toàn cầu. Việt Nam được đánh giá có hệ sinh thái bán dẫn phát triển nhanh, tiềm năng nâng cao vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đồng thời, việc các tập đoàn lớn trên thế giới đầu tư vào Việt Nam thời gian qua cho thấy Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để phát triển ngành bán dẫn trong nước và bước chân vào thị trường bán dẫn nghìn tỷ USD toàn cầu.

Tập trung khâu thiết kế thay vì sản xuất

Hiện tại, có hai con đường để Việt Nam phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, một là theo hướng mở rộng thêm khâu chế tạo, sản xuất còn bỏ ngỏ, hai là phát huy khâu thiết kế, đóng gói.

Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Nguyễn Thanh Yên, Giám đốc Công ty CoAsia Semi Việt Nam, Quản trị viên Cộng đồng vi mạch Việt Nam, nhận định, trước mắt, nước ta nên tập trung theo hướng phát triển các công ty fabless (công ty chuyên thiết kế các sản phẩm bán dẫn).

z4739010654868_14c9d74c35d7f75733237e0a4010b6f5Ông Nguyễn Thanh Yên, Giám đốc Công ty CoAsia Semi Việt Nam, Quản trị viên Cộng đồng vi mạch Việt Nam.

Theo ông Yên, các nhà máy ở Việt Nam mới đang dừng lại ở việc là địa chỉ để các tập đoàn lớn thực hiện khâu đóng gói và kiểm thử, chưa có nhà máy sản xuất chip bán dẫn.

"Sản xuất chip sẽ cần sự đầu tư vô cùng lớn vào cơ sở hạ tầng, máy móc,... nếu không đảm bảo sản xuất số lượng lớn thì sẽ gần như không có lãi. Trong khi với mảng thiết kế chip, chi phí đầu tư ban đầu thấp hơn nhiều lần và có tỷ lệ lợi nhuận rất cao", ông Yên cho biết.

Để giải thích bài toán chi phí, ông Yên nêu ví dụ, một công ty muốn mở nhà máy sản xuất bán dẫn quy mô nhỏ cần đầu tư khoảng 300 triệu USD, chưa kể chi phí nhân lực, vận hành, nguyên vật liệu đầu vào. Nếu không đảm bảo giá thành sản phẩm đủ cạnh tranh thì thời gian thu hồi vốn sẽ rất lâu, có thể đến chục năm.

Trong khi đó, nếu công ty thiết kế chip và thuê đối tác sản xuất thì vốn bỏ ra sẽ thấp hơn nhiều. Cụ thể, chi phí đầu tư đội ngũ thiết kế chỉ khoảng 2 triệu USD/năm. Giả sử công ty thuê sản xuất thì chỉ cần đạt doanh số khoảng 1 triệu USD/năm, công ty đã có thể đạt lợi nhuận 500 nghìn USD, sẽ rất nhanh để công ty đạt được điểm hòa vốn.

Tạo đà cho đào tạo nhân lực bán dẫn

Để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Yên nhận định, đầu tư vào ngành bán dẫn ở Việt Nam nên lấy con người là yếu tố then chốt. "Chúng ta sẽ không thể có một ngành khoẻ mạnh khi đội ngũ nhân lực chưa đủ đông", ông Yên nói.

Hiện, mảng thiết kế vi mạch ở nước ta có đội ngũ hơn 5000 kỹ sư, chủ yếu đang làm cho công ty nước ngoài. Trong ngành chip, kỹ sư thiết kế nắm vị trí quan trọng nhất vì hiểu rõ toàn bộ thiết kế.

"Con số 5.000 kỹ sư tuy không lớn nhưng cũng không quá nhỏ, bởi lực lượng này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo, hướng nghiệp các thế hệ kỹ sư kế tiếp. Nếu Việt Nam tập trung đào tạo, phát triển mạnh đội ngũ này thì trong vài năm tới chắc chắn sẽ hái quả ngọt", ông Yên nói thêm.

Theo ông Trần Đăng Hòa, Chủ tịch FPT IS, kiêm Chủ tịch FPT Semiconductor (Công ty Thành viên Tập đoàn FPT), Việt Nam đang rất thiếu nhân lực chất lượng cao trong ngành bán dẫn, cần chú trọng đầu tư xây dựng nguồn nhân lực trẻ, tay nghề cao, được đào tạo bài bản.

Chủ tịch FPT IS cho biết, nhằm bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao đang thiếu hụt tại Việt Nam, vừa qua, FPT Semiconductor đã phối hợp cùng Đại học FPT thành lập Khoa Vi mạch Bán dẫn với định hướng đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch, thực hiện nghiên cứu cho ngành vi mạch bán dẫn của Việt Nam.

truong-dh-fpt-genz-ao-uoc-duoc-hoc-vi-trai-nghiem-qua-dinh-1-1658310054-910x606Trường Đại học FPT Hà Nội. Ảnh: Đại học FPT

"Mới đây, FPT Semiconductor đã ký kết hợp tác chiến lược với Công ty Silvaco - đối tác công nghệ lớn từ Mỹ để phát triển nguồn nhân lực bán dẫn và đẩy mạnh kinh doanh ở lĩnh vực giàu tiềm năng này", ông Hòa cho biết thêm.

Cũng theo ông Hòa, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam cần sự hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi của Chính phủ để khuyến khích sự hợp tác giữa doanh nghiệp trong lĩnh vực bán dẫn, bao gồm việc đàm phán, ký kết các thỏa thuận thương mại, tạo ra môi trường kinh doanh ổn định, minh bạch, đẩy mạnh việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ.

Thông tin Doanh nghiệp