CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Tăng cường liên kết, khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp tư nhân

Invest Global 09:34 09/07/2025

Tính riêng trong tháng 6/2025, cả nước có hơn 24.400 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký gần 176.800 tỷ đồng, tăng 61,4% về số doanh nghiệp và tăng 12,8% về số vốn đăng ký so với tháng 5/2025. Đây là tín hiệu cho thấy tinh thần Nghị quyết 68-NQ/TW đi vào cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích mạnh mẽ lực lượng kinh tế tư nhân phát triển.

(TBTCO) - Tính riêng trong tháng 6/2025, cả nước có hơn 24.400 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký gần 176.800 tỷ đồng, tăng 61,4% về số doanh nghiệp và tăng 12,8% về số vốn đăng ký so với tháng 5/2025. Đây là tín hiệu cho thấy tinh thần Nghị quyết 68-NQ/TW đi vào cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích mạnh mẽ lực lượng kinh tế tư nhân phát triển.

Tăng cường liên kết, khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp tư nhân Nguồn: Cục Thống kê. Đồ họa: Phương Anh Để làn sóng doanh nghiệp gia nhập thị trường tăng trưởng bền vững

Công bố của Cục Thống kê, Bộ Tài chính cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2025, cả nước có 91.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 820.900 nghìn tỷ đồng, tăng 11,8% về số doanh nghiệp so với cùng kỳ năm trước.

Chuyển mô hình cho vay từ “thế chấp - kiểm soát”

Các chính sách ưu tiên tín dụng trong Nghị quyết 68-NQ/TW có ý nghĩa như “trục xoay” để chuyển mô hình cho vay từ “thế chấp - kiểm soát” sang “dữ liệu - đồng hành”, giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa giải bài toán chi phí vốn, đồng thời thúc đẩy các nhiệm vụ, giải pháp đa dạng hóa nguồn vốn cho kinh tế tư nhân; có chính sách ưu tiên một phần nguồn tín dụng thương mại để dành cho doanh nghiệp tư nhân…

Cả nước có hơn 61.500 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 57,2% so với cùng kỳ năm 2024, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm lên hơn 152.700 doanh nghiệp.

Nhìn vào bức tranh nêu trên có thể thấy, làn sóng doanh nghiệp mới ở mức kỷ lục. Theo bà Trịnh Thị Hương - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể (Bộ Tài chính), kết quả nêu trên ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực nhờ những nỗ lực cải cách thể chế và hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân từ lực đẩy Nghị quyết 68-NQ/TW.

Không chủ quan với kết quả nêu trên, biểu đồ doanh nghiệp gia nhập thị trường và rút khỏi thị trường cho thấy phần nào sức khỏe nội tại của doanh nghiệp. TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn - Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright chia sẻ, bên cạnh tín hiệu phục hồi, các con số cũng phản ánh những thách thức.

“Trong 5 tháng đầu năm 2025, hơn 113.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, bao gồm cả giải thể, tạm ngừng hoặc chờ giải thể. Ngoài ra, quy mô vốn và lao động bình quân của doanh nghiệp mới thành lập tiếp tục xu hướng giảm, cho thấy mô hình doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và vận hành cầm chừng vẫn đang chiếm ưu thế. Những con số này phản ánh tâm lý phòng thủ, chưa tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng dài hạn của khu vực kinh tế tư nhân” - TS. Anh Tuấn phân tích.

Lo lắng cho sự tăng trưởng bền vững của khu vực kinh tế tư nhân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội (HANOISME) Mạc Quốc Anh cũng chia sẻ, mặc dù chiếm hơn 97% số doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ tiếp cận được khoảng 25% tổng dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng. Thủ tục vay vốn phức tạp, yêu cầu tài sản thế chấp cao, trong khi doanh nghiệp tư nhân có hạn chế về tài sản cố định.

Đặc biệt, quá trình chuyển đổi số ở khu vực này diễn ra chậm, có đến 65% doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa có chiến lược ứng dụng công nghệ số, hạn chế khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Trong khi đó, chỉ có khoảng 21% doanh nghiệp tư nhân Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI. “Chính vì vậy, cần có liều thuốc đủ mạnh, tạo lực đẩy cho khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, trong đó quan trọng là giải pháp về vốn…” - TS. Mạc Quốc Anh bình luận.

Liều thuốc tăng lực" cho khu vực kinh tế tư nhân

TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và chiến lược cho hay, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, còn hoạt động đơn lẻ và chưa chủ động tham gia vào các quan hệ đối tác, liên kết, các doanh nghiệp trong nước không tạo được vòng tuần hoàn chặt chẽ để cùng liên kết, cung ứng, chia sẻ và tối đa hóa đầu vào, tiêu thụ sản phẩm đầu ra, cùng nhau phát triển.

Về giải pháp, TS. Trần Thị Hồng Minh đề xuất, cần thể chế hóa, tổ chức thực hiện toàn diện và đầy đủ các yêu cầu của Nghị quyết 57-NQ/TW và Nghị quyết 59-NQ/TW. Đẩy mạnh thực chất và hiệu quả các hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trọng tâm vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết, chuỗi giá trị, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đồng thời, cần cân nhắc tích cực việc điều chỉnh giảm thuế cho toàn bộ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Có chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp nhỏ và vừa được vay vốn tín dụng bằng tài sản hình thành trong tương lai.

Đồng thuận với ý kiến nêu trên, để khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp tư nhân, theo tinh thần Nghị quyết 68-NQ/TW, TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch điều hành kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân cần tận dụng cơ hội từ Nghị quyết 68-NQ/TW như một liều thuốc tăng lực.

Nghị quyết yêu cầu “ưu tiên một phần nguồn tín dụng thương mại” và phát triển tín dụng xanh, tín dụng chuỗi cung ứng, cho vay dựa trên dòng tiền - tài sản vô hình. Điều này mở lối cho mô hình chấm điểm tín dụng số, giảm lệ thuộc tài sản thế chấp, phù hợp đặc thù doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp dịch vụ, công nghệ có ít tài sản hữu hình.

Nghị quyết 68-NQ/TW mở ra nhiều cơ hội cho khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Về chủ trương giảm chi phí vốn, Nghị quyết cho phép hỗ trợ lãi suất đối với các dự án xanh, tuần hoàn; mở đường “tái bảo lãnh” để ngân hàng giảm hệ số rủi ro, từ đó hạ lãi vay.

Nghị quyết cũng đặt ra vấn đề hoàn thiện mô hình các quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở cả trung ương và địa phương; khuyến khích sự tham gia của các tổ chức tài chính, các doanh nghiệp lớn bảo lãnh cho các khoản vay của các doanh nghiệp nhỏ và vừa; chấp nhận rủi ro do điều kiện khách quan, bất khả kháng trong hoạt động bảo lãnh.

Cải cách môi trường kinh doanh

Theo TS. Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HANOISME, điểm cốt yếu trong phát triển khu vực kinh tế tư nhân vẫn là cải cách môi trường kinh doanh.

Do đó, cần đơn giản hóa thủ tục hành chính; đẩy mạnh chính phủ điện tử, số hóa quy trình thủ tục cấp phép. Nhà nước cần sớm xây dựng các trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp tại địa phương, giúp tư vấn về pháp lý, kế toán, thuế; hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân tham gia đấu thầu các dự án công, vì hiện chỉ chiếm 15% tổng giá trị gói thầu nhà nước.

Để tháo gỡ và thúc đẩy chuyển đổi số và nâng cao năng suất lao động, TS. Mạc Quốc Anh đề xuất cần hỗ trợ doanh nghiệp triển khai AI, Big Data... trong quản lý và vận hành. Đồng thời, kết hợp với đào tạo lại lực lượng lao động, đặc biệt là trong ngành sản xuất, chế biến, logistics, tăng cường kết nối doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp FDI và thị trường toàn cầu, từ đó khuyến khích doanh nghiệp FDI chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp nội địa, tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu...

“Doanh nghiệp khu vực tư nhân cần các chính sách ưu đãi và hỗ trợ phát triển bền vững, miễn/giảm thuế cho các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ xanh, năng lượng tái tạo. Nếu thực hiện tốt, khu vực kinh tế tư nhân có thể đóng góp 50% GDP vào năm 2030, trở thành động lực chính đưa nền kinh tế Việt Nam bứt phá” - TS. Mạc Quốc Anh khẳng định.

Về dòng vốn, TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch điều hành kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đề xuất, cần tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, các ngành nghề tiềm năng có tính lan tỏa cao, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội. Mặt khác, phải khuyến khích các tổ chức tín dụng mở rộng mạng lưới hoạt động ở những nơi chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của người dân, doanh nghiệp…