CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Tăng sức bật cho kinh tế tư nhân từ hỗ trợ lãi suất 2% cùng ưu tiên vốn tín dụng

Invest Global 09:00 22/05/2025

Với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, Bộ Chính trị, Quốc hội ban hành nghị quyết và kế hoạch hành động Chính phủ về phát triển kinh tế tư nhân, hướng tới mục tiêu 3 triệu doanh nghiệp và đóng góp 60% GDP vào năm 2045, trong đó nhấn mạnh đến các mục tiêu cụ thể về hỗ trợ tài chính, tín dụng và đa dạng hóa nguồn vốn cho doanh nghiệp. Xung quanh nội dung này, phóng viên có cuộc trao đổi với TS. Lê Bá Chí Nhân - chuyên gia kinh tế.

(TBTCO) - Với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, Bộ Chính trị, Quốc hội ban hành nghị quyết và kế hoạch hành động Chính phủ về phát triển kinh tế tư nhân, hướng tới mục tiêu 3 triệu doanh nghiệp và đóng góp 60% GDP vào năm 2045, trong đó nhấn mạnh đến các mục tiêu cụ thể về hỗ trợ tài chính, tín dụng và đa dạng hóa nguồn vốn cho doanh nghiệp. Xung quanh nội dung này, phóng viên có cuộc trao đổi với TS. Lê Bá Chí Nhân - chuyên gia kinh tế.

Tăng sức bật cho kinh tế tư nhân từ hỗ trợ lãi suất 2% cùng ưu tiên vốn tín dụng Cải thiện khả năng tiếp cận vốn cho khu vực tư nhân cũng góp phần tạo động lực phát triển thị trường tài chính. Ảnh minh họa

PV: Xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế được thể hiện rõ trong các nghị quyết mới ban hành, trong đó nổi bật là ưu tiên dòng vốn tín dụng, ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp. Ông đánh giá ra sao về tầm quan trọng của việc khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp tư nhân?

Tăng sức bật cho kinh tế tư nhân từ hỗ trợ lãi suất 2% cùng ưu tiên vốn tín dụng

TS. Lê Bá Chí Nhân: Khu vực kinh tế tư nhân hiện chiếm tỷ trọng lớn trong GDP, tạo ra hàng triệu việc làm và đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp tư nhân lại thường xuyên gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn do quy mô nhỏ, năng lực tài chính hạn chế và thiếu tài sản đảm bảo. Việc khơi thông dòng vốn sẽ giúp các doanh nghiệp này mở rộng sản xuất, đầu tư vào công nghệ, nâng cao năng suất và đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Cùng với đó, cải thiện khả năng tiếp cận vốn cho khu vực tư nhân cũng góp phần tạo động lực phát triển thị trường tài chính. Việc này thúc đẩy sự phát triển của các định chế tài chính trung gian như: ngân hàng, quỹ đầu tư, công ty tài chính vi mô… tạo ra một thị trường tài chính đa dạng, minh bạch và hiệu quả hơn.

Sự nhất quán trong chủ trương coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng cần được cụ thể hóa bằng những hành động thực tiễn như: ưu đãi lãi suất, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, hỗ trợ tín dụng không cần tài sản thế chấp. Điều này giúp doanh nghiệp tư nhân tin tưởng vào chính sách, từ đó yên tâm đầu tư dài hạn và đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế.

Tạo "vùng đệm" tài chính giúp vượt khủng hoảng và đón cơ hội

"Việc cải thiện tiếp cận vốn sẽ nâng cao khả năng chống chịu và thích ứng của doanh nghiệp trước các cú sốc kinh tế như đại dịch Covid-19 hay biến động địa chính trị. Chính sách ưu đãi lãi suất và hỗ trợ tiếp cận tín dụng sẽ tạo ra “vùng đệm” tài chính giúp họ vượt qua khủng hoảng, qua đó, giữ vững sự ổn định của thị trường lao động và chuỗi cung ứng. Khi có thể tiếp cận nguồn vốn với chi phí hợp lý, họ sẽ mạnh dạn đầu tư vào các lĩnh vực mới như công nghệ xanh, chuyển đổi số… Đây là yếu tố then chốt giúp nền kinh tế thích ứng với các xu hướng toàn cầu và tăng trưởng bền vững". TS. Lê Bá Chí Nhân

PV: Nghị quyết lần này giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại khuyến khích cho vay dựa trên dòng tiền, phương án kinh doanh hoặc tài sản vô hình thay vì chỉ dựa vào tài sản thế chấp truyền thống. Theo ông, liệu hệ thống ngân hàng hiện đã sẵn sàng để triển khai rộng rãi chủ trương này?

TS. Lê Bá Chí Nhân: Về mặt nguyên tắc, hệ thống ngân hàng đang trong quá trình chuyển đổi nhưng chưa hoàn toàn sẵn sàng. Phần lớn các ngân hàng Việt Nam vẫn ưu tiên cho vay có tài sản đảm bảo, như: bất động sản, phương tiện, hàng tồn kho… Nguyên nhân là do hệ thống quản trị rủi ro chưa đủ chiều sâu, thiếu dữ liệu đáng tin cậy để phân tích dòng tiền doanh nghiệp. Khung pháp lý về xử lý nợ xấu đối với tài sản vô hình hoặc phương án kinh doanh còn nhiều "khoảng trống".

Dù vậy, một số ngân hàng thương mại cổ phần lớn như: Vietcombank, BIDV, Techcombank, MB… thử nghiệm cho vay theo dòng tiền đối với các doanh nghiệp có dòng tiền rõ ràng như doanh nghiệp FDI, chuỗi siêu thị, ngành tiêu dùng nhanh. Bên cạnh đó, các công nghệ tài chính (fintech) và hệ thống xếp hạng tín nhiệm đang phát triển, hỗ trợ ngân hàng đánh giá rủi ro mà không cần tài sản thế chấp.

PV: Theo ông, cần làm gì để tháo gỡ những nút thắt này và giúp ngân hàng mở rộng cho vay theo dòng tiền hay dựa trên tài sản vô hình, tài sản hình thành trong tương lai?

TS. Lê Bá Chí Nhân: Để mở rộng hình thức cho vay này, cần đáp ứng một số điều kiện. Trước hết, phải có cơ sở dữ liệu tài chính đầy đủ và minh bạch, thông qua việc kết nối dữ liệu thuế, hóa đơn điện tử, báo cáo tài chính chuẩn hóa. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa có báo cáo tài chính được kiểm toán hoặc còn thiếu minh bạch, gây khó khăn cho ngân hàng trong việc đánh giá dòng tiền.

Tiếp đến, nâng cao năng lực đánh giá tín dụng phi truyền thống, thông qua đội ngũ phân tích tài chính có khả năng thẩm định phương án kinh doanh và dự báo dòng tiền, cũng như ứng dụng các mô hình định lượng, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn trong đánh giá rủi ro.

Cuối cùng, hoàn thiện khung pháp lý và chính sách hỗ trợ. Pháp luật hiện vẫn ưu tiên tài sản hữu hình khi xử lý nợ, trong khi việc công nhận tài sản vô hình như: thương hiệu, quyền khai thác, sở hữu trí tuệ… còn rất hạn chế. Đồng thời, cần có các quy định bảo vệ ngân hàng khi doanh nghiệp không trả được nợ từ các khoản vay không có tài sản thế chấp.

Nếu triển khai mở rộng cho vay theo dòng tiền mà chưa có sự chuẩn bị đầy đủ về hệ thống, nhân lực và pháp lý thì rủi ro là rất lớn, bao gồm gia tăng nợ xấu, suy giảm uy tín của hệ thống tài chính và mất cân đối thanh khoản, đặc biệt trong bối cảnh thị trường biến động.

Tựu trung, việc chuyển đổi sang cho vay theo dòng tiền là cần thiết, nhất là đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, công nghệ và sáng tạo, nơi giá trị không nằm ở tài sản vật chất mà ở mô hình kinh doanh. Tuy nhiên, việc này cần được thực hiện theo lộ trình và có sự đồng hành từ Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước thông qua việc tạo khung pháp lý rõ ràng, hỗ trợ chia sẻ rủi ro như bảo lãnh tín dụng, quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, khuyến khích chuyển đổi số, minh bạch hóa hoạt động doanh nghiệp. Hiện nhiều quốc gia như: Hàn Quốc, Singapore, Israel… đã triển khai cho vay theo dòng tiền rất thành công.

PV: Xin cảm ơn ông!

Cần rõ tiêu chí khi ưu đãi lãi suất 2%, mạnh tay khơi thông vốn

Tại các nghị quyết mới ban hành, các dự án xanh, tuần hoàn và áp dụng khung tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị (ESG) cũng được xác định là lĩnh vực ưu tiên thúc đẩy, nổi bật là chính sách nhà nước hỗ trợ lãi suất 2%/năm.

Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế TS. Lê Bá Chí Nhân, chính sách này giúp Việt Nam đáp ứng các cam kết quốc tế về phát thải ròng bằng không vào năm 2050, duy trì mục tiêu tăng trưởng GDP. Đồng thời, tạo ra cú huých ban đầu cho doanh nghiệp dấn thân vào quá trình chuyển đổi xanh. Việc hỗ trợ lãi suất 2% sẽ giúp giảm chi phí tài chính, từ đó, tạo động lực để doanh nghiệp chủ động tham gia vào các dự án xanh, thay vì chỉ thực hiện nghĩa vụ tuân thủ.

Chính sách này còn giúp khơi thông dòng vốn xanh từ khu vực ngân hàng. Thay vì e ngại rủi ro khi cho vay các dự án xanh, khi Nhà nước hỗ trợ lãi suất, ngân hàng sẽ có động lực hơn để tài trợ các dự án xanh, do chi phí vốn thấp hơn, rủi ro được chia sẻ và bản thân ngân hàng cũng được cộng điểm ESG trong các đánh giá quốc tế.

"Ưu đãi lãi suất sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa và cạnh tranh xanh giữa các doanh nghiệp. Doanh nghiệp được ưu đãi sẽ có lợi thế cạnh tranh nhờ chi phí vận hành thấp hơn, dễ tiếp cận thị trường xuất khẩu nhờ tuân thủ tiêu chuẩn ESG, tăng uy tín với nhà đầu tư, quỹ tín dụng xanh và các đối tác toàn cầu. Hiệu ứng "domino" sẽ xuất hiện khi các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng buộc phải chuyển đổi nếu muốn tiếp tục hợp tác" - ông Nhân kỳ vọng.

Tuy nhiên, theo chuyên gia này, cần xây dựng tiêu chí rõ ràng và minh bạch cho các dự án được hưởng ưu đãi, kết nối với các chương trình đào tạo và tư vấn chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa và khuyến khích các ngân hàng phát triển sản phẩm tín dụng xanh chuyên biệt, thay vì chỉ áp dụng gói ưu đãi chung.