CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Tập trung đấu giá khoáng sản để tạo nguồn thu cao nhất

Invest Global 11:09 29/06/2024

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh quan điểm sử dụng hiệu quả nhất nguồn tài nguyên khoáng sản; đồng thời đảm bảo chiến lược về khoáng sản của quốc gia, an ninh năng lượng quốc gia...

Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu khi góp ý dự án Luật địa chất khoáng sản, về vấn đề phân nhóm khoáng sản, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho rằng điều này sẽ giải quyết được những bất cập từ Luật Khoáng sản năm 2010 do nhiều địa phương, doanh nghiệp khai thác khoáng sản, những mỏ hiếm, quý giá và những mỏ đất đá đều như nhau.

Tức là khoáng sản hiện nay xem như một nên quy trình, thủ tục như nhau, cũng đánh giá trữ lượng, thăm dò và tất cả các thủ tục… Việc này khiến chậm đưa tài nguyên vào khai thác và có cả những bất cập trong quản lý.

Hiện nay, dự án Luật đưa thành 4 nhóm được các đại biểu cơ bản đồng tình. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cân nhắc thêm nhóm 3 và 4 có đan xen, lẫn lộn với nhau, vì nhóm 3 là khoáng sản làm vật liệu xây dựng và nhóm 4 là khoáng sản, đất đá san lấp… phục vụ san lấp thực hiện các dự án.

Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, cơ quan soạn thảo rà soát lại trong việc phân nhóm, phân loại thế nào để hợp lý và phù hợp với tình hình thực tiễn.

Trước băn khoăn của đại biểu về việc phân cấp sẽ quản lý như thế nào, vì thực tiễn hiện nay phân cấp nhưng ở các địa phương quản lý không tốt, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh quan điểm: đã phân cấp thì phải tăng chế tài xử lý, kiểm tra, giám sát. Theo đó, trong luật đã đưa vào quy định trách nhiệm, kể cả chủ mỏ, kể cả cơ quan nhà nước phải có hệ thống giám sát việc khai thác mỏ.

Tập trung đấu giá khoáng sản để tạo nguồn thu cao nhất - Ảnh 1

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh phân tích thêm khi mỏ được phép khai thác cần phải lắp hệ thống camera, hệ thống giám sát quan trắc 24/24 để không khai thác ngoài ranh giới mỏ, quá công suất, gây ảnh hưởng tới môi trường và phải kết nối liên thông về cơ quan quản lý tài nguyên môi trường cấp tỉnh, cấp bộ.

Việc phân cấp về cấp giấy phép, về việc quản lý địa phương nhưng giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước quản lý chặt chẽ hơn, kể cả quản lý, giám sát về mặt môi trường. “Đây là một nội dung sẽ được cơ quan soạn thảo tiếp thu và tiếp tục đưa vào phân cấp, phân quyền nhưng gắn với giám sát”, ông Khánh nói.

Với việc quản lý cát, sỏi lòng sông, lòng hồ, ông Khánh cho rằng việc quản lý sẽ được thể chế rõ bằng một điều riêng biệt để bên cạnh phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội nhưng đảm bảo trong phòng chống sạt lở, bảo vệ môi trường, ổn định đời sống nhân dân quanh khu vực.

Về nội dung quy hoạch khoáng sản, người đứng đầu ngành Tài nguyên và Môi trường cho hay, hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao nhiệm vụ điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản và được thực hiện bởi các Liên đoàn địa chất của Bộ có lịch sử nhiều năm qua.

Việc điều tra sẽ đánh giá toàn diện được khoáng sản nơi nào có phân tán, tập trung, quy mô… cung cấp số liệu đầu vào để cung cấp cho các Bộ như Xây dựng, Công thương xây quy hoạch kinh kế ngành…

Để tránh những vướng mắc, tồn tại trong thời gian vừa qua, dự án Luật Địa chất và Khoáng sản được xây dựng nhằm tạo sự đồng bộ và thống nhất, chất lượng nhất để đảm bảo khắc phục những bất cập Luật Khoáng sản năm 2010, đồng thời đảm bảo được đồng bộ với quy hoạch của quốc gia, quy hoạch các ngành và trong đó có quy hoạch các địa phương.

Đối với nội dung đấu thầu, đấu giá tài nguyên khoáng sản, ông Khánh nhấn mạnh quan điểm phải sử dụng hiệu quả nhất nguồn tài nguyên khoáng sản quốc gia, đồng thời đảm bảo chiến lược về khoáng sản của quốc gia, an ninh năng lượng.

Do đó sẽ rà soát lại, những nội dung nào đảm bảo vì lợi ích quốc gia, vì chiến lược, vì an ninh thì Chính phủ sẽ quy định. Còn lại sẽ tập trung để đấu giá, đảm bảo khai thác hiệu quả, sử dụng hiệu quả nhất và nguồn thu cao nhất. Việc đấu giá để đảm bảo lựa chọn được năng lực, lựa chọn được công nghệ, chứ không phải mỗi kinh phí.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng tiếp thu ý kiến của các đại biểu quốc hội đề nghị việc bố trí ngân sách nhà nước để nhà nước để thăm dò trữ lượng và từ đó sẽ đấu thầu, đấu giá tránh việc sử dụng nguồn xã hội hoá và ngân sách của doanh nghiệp.

Với khoáng sản nhóm 3 ưu tiên địa phương sử dụng nguồn ngân sách để thăm dò, đánh giá rồi đấu thầu, đấu giá tạo cơ chế minh bạch, công khai, công nghệ thăm dò, đánh giá phải tiệm cận được những công nghệ hiện đại, bảo vệ môi trường.

Đối với những nhóm nội dung về định giá quyền khai thác khoáng sản, dự trữ khoáng sản, thu hồi khoáng sản, trách nhiệm của các tổ chức có liên quan trong việc khai thác khoáng sản, giải thích những từ ngữ liên quan đến nước khoáng, nước nóng; cấp quyền khai thác khoáng sản…, cơ quan soạn thảo sẽ làm rõ và giải trình tới các đại biểu quốc hội.

Cũng theo ông Khánh, với những nội dung đang bất cập ở nghị định, thông tư nếu như được cụ thể hóa vào luật để triển khai thực hiện được càng nhiều càng tốt…

Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng thông tin dự án Luật bổ sung thêm chương về địa chất. Do trước kia chưa có Luật để cụ thể hoá những nội dung này nên với dự án Luật Địa chất và Khoáng sản kỳ vọng sẽ tạo được cơ sở dữ liệu quốc gia về địa chất, từ đó hỗ trợ xây dựng quy hoạch, định hướng, chiến lược, đảm bảo cho tầm nhìn dài hạn.

Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với cơ quan thẩm tra sẽ rà soát, tiếp thu và phân tích, đánh giá những nội dung các đại biểu đã nêu, góp ý để hoàn chỉnh, chỉnh lý Luật Địa chất và khoáng sản, tiếp tục báo cáo Quốc hội trong kỳ họp tới.