CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Tháo gỡ các rào cản để năng lượng tái tạo tận dụng 'cửa sổ cơ hội'

Invest Global 09:49 29/04/2025

Giải phóng năng lượng tái tạo không còn là lựa chọn, mà đã trở thành "mệnh lệnh sống còn" để Việt Nam bảo đảm đủ điện cho mục tiêu tăng trưởng tham vọng trong giai đoạn tới. Quy hoạch điện VIII điều chỉnh đã mở đường, nhưng tháo gỡ các nút thắt, đặc biệt về pháp lý, hạ tầng mới là chìa khóa để biến tiềm năng thành hiện thực.

Tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 49/CĐ-TTg về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm năm 2025 và thời gian tới.

Năm 2025, Việt Nam đứng trước những mục tiêu phát triển kinh tế đầy tham vọng: tăng trưởng GDP đạt 8% trở lên, tạo tiền đề để bứt phá lên mức hai con số trong những năm tiếp theo. Đi cùng với mục tiêu đó là áp lực rất lớn về nhu cầu điện năng. Theo dự báo, riêng năm nay, phụ tải điện sẽ tăng tới 12,2% so với năm 2024, với công suất cực đại đạt 54.510 MW, tăng 11,3%.

Điện sạch là điều kiện tiên quyết để thu hút FDI

-8060-1745820555.jpg

Quy hoạch điện VIII điều chỉnh nhấn mạnh phương án phát triển tối đa nguồn điện năng lượng tái tạo.

Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, quá trình đô thị hóa nhanh, cùng với sự trỗi dậy của các ngành công nghệ mới như sản xuất bán dẫn, xe điện, logistics thông minh… đều đòi hỏi hệ thống điện quốc gia phải đảm bảo ổn định, liên tục và xanh hóa.

Không chỉ phục vụ nhu cầu nội tại, nguồn điện sạch còn trở thành một trong những điều kiện tiên quyết để Việt Nam thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chất lượng cao. Các tập đoàn đa quốc gia hiện nay không chỉ quan tâm đến nguồn năng lượng ổn định mà còn ngày càng ưu tiên đầu tư vào những nơi có nguồn năng lượng “xanh, sạch”, đáp ứng tiêu chuẩn ESG (môi trường - xã hội - quản trị).

Trước yêu cầu cấp bách đó, ngày 15/4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” (Quy hoạch điện VIII điều chỉnh). Trong đó có những mục tiêu về năng lượng tái tạo được giới phân tích đánh giá khá tham vọng, lớn hơn nhiều so với Quy hoạch cũ, cho thấy rõ định hướng đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo để đảm bảo an ninh năng lượng, đồng thời thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Cụ thể, trong Kịch bản cơ sở và Kịch bản cao của Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, đến năm 2030, điện mặt trời tăng thêm lần lượt 29.787 và 56.800 MW so với năm 2024; điện gió tăng thêm 20.197 và 32.160 MW, chưa kể 6.000 MW điện gió ngoài khơi; nguồn điện sinh khối và rác tăng thêm 2.569 và 4.471 MW; nguồn linh hoạt đạt 2.000 và 3.000 MW (vốn chỉ có 300 MW trong Quy hoạch điện VIII); thủy điện tích năng đạt 2.400 và 6.000 MW; pin lưu trữ đạt 10.000 và 16.270 MW, (Quy hoạch điện VIII chỉ có 300 MW).

Đặc biệt, lần đầu tiên sau nhiều năm, điện hạt nhân được đưa trở lại chiến lược phát triển năng lượng của quốc gia. Đây được xem là nguồn điện nền sạch, ổn định, hỗ trợ hiệu quả cho hệ thống năng lượng tái tạo vốn phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên.

Định hướng này được kỳ vọng không chỉ đảm bảo an ninh năng lượng nội địa, mà còn tạo lập nền tảng vững chắc để Việt Nam hội nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu xanh.

Thách thức song hành cùng cơ hội lớn

Dù sở hữu tiềm năng to lớn và định hướng phát triển đúng đắn, thực tế hiện nay cho thấy đang tồn tại nhiều “nút thắt” lớn, đặc biệt liên quan đến pháp lý, từ thủ tục đất đai, cơ chế giá điện, hạ tầng truyền tải điện... cản trở việc giải phóng nguồn lực phát triển năng lượng tái tạo.

Theo chuyên gia năng lượng Nguyễn Anh Tuấn, Hội đồng khoa học Tạp chính Năng lượng Việt Nam, số lượng dự án dự kiến đưa vào trong hơn 5 năm tới rất lớn, đòi hỏi nhân lực, thời gian để làm các thủ tục cần thiết như đấu thầu, chọn thầu, phê duyệt chủ trương đầu tư, thương thảo hợp đồng mua bán điện, giám sát, quản lý xây dựng và công nhận vận hành thương mại… Đây là thách thức với chính quyền địa phương và cả doanh nghiệp.

"Quy mô công suất các loại hình nguồn linh hoạt, pin lưu trữ, thủy điện tích năng dự kiến rất lớn, trong khi Việt Nam đang ở điểm xuất phát gần như bằng không", theo chuyên gia.

Khối lượng vốn đầu tư cho các dự án điện, cả nguồn và lưới sẽ tăng lên đáng kể. Ước tính tổng vốn đầu tư cho ngành điện là 136,3 tỷ USD trong giai đoạn 5 năm từ 2026 - 2030. Như vậy, mỗi năm cần 27,6 tỷ USD - gấp đôi so với Quy hoạch điện VIII.

“Các tập đoàn điện lực lớn của Nhà nước chỉ đủ khả năng tập trung vào đầu tư một vài dự án trọng điểm như điện khí, LNG, điện hạt nhân, một vài dự án điện gió ngoài khơi và các dự án lưới điện cốt lõi, còn hầu như phải trông cậy vào nguồn lực tư nhân, nhất là các nguồn năng lượng tái tạo”, chuyên gia Nguyễn Anh Tuấn nhận định. Ông đặt câu hỏi: “Các yếu tố thị trường đã đủ để huy động được nguồn vốn và nhân lực “khủng” nói trên?”

Theo chuyên gia, các bộ, ngành liên quan, cũng như các địa phương cần phải nhận diện rõ thách thức, bắt tay ngay vào chuẩn bị lực lượng, tăng tính trách nhiệm và giảm thiểu các nguy cơ “xin cho”, “bôi trơn”, tránh xảy ra các hệ lụy như nhiều dự án năng lượng tái tạo sai phạm mấy năm qua.

Thực tế, từ ngày 10/12/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 233/NQ-CP, với tinh thần chỉ đạo xuyên suốt “phải gỡ bằng được” các nút thắt đang níu chân các dự án năng lượng tái tạo.

Tại cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án năng lượng tái tạo mới diễn ra hồi trung tuần tháng 4, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình chỉ ra thực trạng nhiều địa phương đã có hướng dẫn, cơ chế nhưng chưa thực sự tích cực tháo gỡ cho doanh nghiệp; còn có hiện tượng "đẩy trách nhiệm", "né tránh", "đá bóng lên xuống".

"Chúng ta đã có đủ cơ chế, chính sách rõ ràng. Cái cần lúc này là sự chủ động và quyết tâm hành động của từng bộ, từng địa phương. Nếu chậm, phải nêu rõ lý do, ai chịu trách nhiệm cho sự chậm trễ ấy", Phó Thủ tướng yêu cầu trong tháng 5, tất cả các bộ, ngành và địa phương có dự án điện năng lượng tái tạo tồn đọng phải hoàn tất rà soát, phân loại và đề xuất giải pháp cụ thể; không đẩy những vấn đề thuộc thẩm quyền về Chính phủ.

Ngoài nỗ lực từ phía Nhà nước, sự tham gia chủ động của cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế cũng là yếu tố then chốt. Các tập đoàn lớn trong nước, các doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu… đang thể hiện sự quan tâm, sẵn sàng đầu tư mạnh vào lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Tuy nhiên, khoảng thời gian để tận dụng “cửa sổ cơ hội” này không kéo dài lâu. Nếu Việt Nam không nhanh chóng tháo gỡ các điểm nghẽn, sẽ rất khó để hoàn thành các mục tiêu.

-4146-1745820555.jpg

 Ông Nguyễn Ngọc Trung, Phó Vụ trưởng, Vụ Kinh tế ngành, Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương

 Cần nghiên cứu, sớm ban hành Luật Năng lượng tái tạo, tạo hành lang pháp lý ổn định, xây dựng và điều chỉnh các chính sách, quy định pháp luật liên quan để tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển năng lượng tái tạo, đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả trong triển khai. Bên cạnh đó, có cơ chế, chính sách đột phá để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ lưu trữ năng lượng nhằm tối ưu hóa hiệu suất nguồn điện tái tạo. Mở rộng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư.

-8489-1745820555.jpg

 Ông Nguyễn Phan Đính, Trưởng nhóm công tác Năng lượng tái tạo và Hiệu quả năng lượng, Tiểu ban Tăng trưởng xanh, EuroCham Việt Nam

 Với tính toán từ nay đến năm 2030 sẽ có ít nhất khoảng 400 dự án điện gió và 600 dự án điện mặt trời được xây dựng mới. Con số này thực hiện trong 5 năm tôi nghĩ cũng đủ “chóng mặt”. Để đạt được mục tiêu, cần khung pháp lý rõ ràng, sự hướng dẫn tích cực từ các cơ quan Nhà nước đến các tỉnh, thành phố. Phải làm sao để các nhà đầu tư chỉ cần thực hiện công việc đầu tư, không mất công chạy đi tìm hiểu các quy định, thủ tục.

-2683-1745820555.jpg

 Ông Chandan Singh, Tổng giám đốc Hitachi Energy Việt Nam

 Việt Nam đang phát triển mô hình năng lượng theo hướng đúng đắn - sử dụng điện hạt nhân làm nền tảng và được bổ trợ bởi năng lượng tái tạo. Hitachi Energy nhận định rằng Việt Nam sẽ gặp khó khăn, do khoảng thời gian triển khai các dự án theo các kế hoạch đang quá ngắn. Nếu Việt Nam muốn tăng đáng kể công suất điện gió và điện mặt trời trong những năm tới, các quyết định đầu tư cho cơ sở hạ tầng cần phải được diễn ra càng sớm càng tốt.

Đỗ Kiều 

Khung pháp lý