CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
(KTSG Online) - Làn sóng “snack hóa” đang lan rộng khắp Đông Nam Á, khi người dân dần thay thế những bữa ăn chính bằng những món ăn vặt vừa ngon miệng, vừa tiện lợi mà vẫn đầy đủ dinh dưỡng. Điều này giúp các nhà đầu tư tự tin đặt cược lớn vào thị trường snack của khu vực.
Hãng bánh snack Nhật vào thị trường Việt NamCạnh tranh mệt mỏi trên thị trường nước uống và đồ ăn vặt
Từng bị các quỹ đầu tư lớn bỏ qua, ngành snack giờ đã chứng minh sức hút với những thương vụ giá trị cao, có mức định giá cao ngất ngưởng.
Trong năm 2024, Đông Nam Á ghi nhận một số thương vụ đình đàm trong lĩnh vực tiêu dùng, chẳng hạn như thương vụ công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân Affinity Equity Partners mua lại Yupi Indo Jelly Gum, nhà sản xuất kẹo dẻo hình thú của Indonesia với giá 1,2 tỉ đô la Mỹ. Sản phẩm của Yupi không chỉ tiêu thụ mạnh tại thị trường nội địa mà còn được xuất khẩu đến hơn 40 quốc gia, bao gồm cả Mỹ, châu Âu, Trung Đông.
Thương vụ đầu tư khủng trị giá 1 tỉ đô la Mỹ của quỹ đầu tư chính phủ Singapore vào nhà sản xuất snack hàng đầu của Ấn Độ, Haldiram’s cũng nói lên tất cả: snack giờ không chỉ là món ăn vội vàng, mà đã trở thành một “tài sản” đáng để rót vốn.
Haldiram’s là một trong những tập đoàn thực phẩm và đồ ăn nhẹ lớn nhất và nổi tiếng nhất Ấn Độ, nổi bật với các sản phẩms snack mặn truyền thống Ấn Độ như bhujia, namkeen, chakli… Công ty này đang đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm đến các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia và Việt Nam.
Những thương vụ trên không còn là ngoại lệ mà là biểu tượng cho thị trường hàng tiêu dùng nhanh của Đông Nam Á đang trưởng thành và sẵn sàng bùng nổ.
Với hơn 700 triệu dân, có độ tuổi trung bình chỉ 31, Đông Nam Á là mảnh đất màu mỡ cho tiêu dùng nhanh. Thị trường snack khu vực trị giá 49 tỉ đô la, đang tăng trưởng chóng mặt với tốc độ 7,4% mỗi năm, bỏ xa mức trung bình toàn cầu. Indonesia và Philippines dẫn đầu cuộc chơi, với quy mô thị trường snack dự kiến đạt lần lượt 6,4 tỉ đô la và 3,4 tỉ đô la vào năm 2028.
Động lực tăng trưởng chính là xu hướng “snack hóa” (snackification) khi người tiêu dùng giờ đây thích nhâm nhi những món ăn vặt vừa thỏa mãn vị giác, vừa bổ sung dinh dưỡng, từ khoai tây chiên giàu protein, kẹo dẻo chứa vitamin cho đến chocolate không đường.
Các sản phẩm snack “tốt cho sức khỏe” cũng lên ngôi, đặc biệt với người tiêu dùng trẻ, những người yêu thích snack không sử dụng thực phẩm biến đổi gen, dầu cọ và ít đường.
Dù lạm phát trung bình ở Đông Nam Á đang ở mức 3,8%, hãng thực phẩm Mondelez (Mỹ) cho biết 2/3 người tiêu dùng trong khu vực vẫn không cắt giảm chi tiêu cho snack. Trong bối cảnh kinh tế bất ổn, snack được xem là “niềm vui nhỏ bé” trong ăn uống mà ai cũng muốn giữ lại dù chi phí sinh hoạt tăng cao. Điều đó khiến ngành snack trở thành khoản đầu tư “chắc kèo”.
Những thương vụ liên quan đến Yupi hay Haldiram’s phản ánh niềm tin ngày càng lớn của nhà đầu tư vào khả năng tạo ra các thương hiệu tiêu dùng toàn cầu từ Đông Nam Á. Trong các thương vụ này, hệ số định giá theo EBITDA (lợi nhuận trước lãi vay, thuế, khấu hao) của doanh nghiệp vượt quá mức 20 lần, cho thấy các nhà đầu tư đang ngày càng lạc quan và mạnh tay rót vốn vào ngành snack.
Tuy nhiên, để đạt được lợi nhuận lớn trong ngành snack thì việc chỉ nhận ra xu hướng là chưa đủ. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy có 5 yếu tố cốt lõi quyết định một công ty snack có thể bứt phá hay không gồm phân phối, xuất khẩu và sản xuất, đổi mới, giá trị thương hiệu và kiểm soát vận hành.
Phân phối đang chuyển mình mạnh mẽ. Bán lẻ truyền thống vẫn chiếm ưu thế nhưng thương mại điện tử đang vươn lên, chiếm 2-8% doanh số snack của khu vực. Nền tảng nổi bật nhất là TikTok Shop, hiện là kênh thương mại điện tử lớn thứ hai Đông Nam Á.
Với hình thức bán hàng qua phát sóng trực tiếp, TikTok Shop rất phù hợp với các sản phẩm mua sắm ngẫu hứng như snack, giúp các thương hiệu tăng tỷ lệ khách thực sự mua hàng trên tổng khách truy cập và tương tác trực tiếp với khách hàng.
Dù vậy, chiến lược đa kênh vẫn là chìa khóa. Các thương hiệu snack ưu tiên bán hàng trực tuyến có lợi thế chi phí thấp ban đầu. Tuy nhiên, để mở rộng thực sự, các thương hiệu này cần chinh phục kênh bán lẻ truyền thống qua các quan hệ đối tác và các hoạt động tiếp thị trực tiếp tại cửa hàng.
Theo Business Times