CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Thiệt hại nặng do bão lũ, ngành Nông nghiệp vẫn lạc quan chỉ tiêu xuất khẩu

Invest Global 09:13 07/10/2024

9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đã đạt 84% kế hoạch năm. Đây là cơ sở để ngành Nông nghiệp lạc quan “về đích” trong năm nay

Ngành Nông nghiệp- Nhanh chóng khôi phục sản xuất sau bão

Trong tháng 9 vừa qua, cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trên diện rộng, đặc biệt nông nghiệp là lĩnh vực thiệt hại nặng nề nhất. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, trong tổng số thiệt hại ước tính hơn 80.000 tỷ đồng cho nền kinh tế, ngành Nông nghiệp chiếm khoảng 30%.

Trước tình hình đó, Bộ NN&PTNT đã tham mưu tổ chức nhiều đoàn công tác của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ trực tiếp đến kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả và khôi phục sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh bị thiệt hại.

Bộ NN&PTNT cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo chi tiết về xử lý môi trường và phòng chống dịch bệnh sau bão. Bên cạnh đó, các hội nghị phục hồi sản xuất trong từng lĩnh vực (trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi- thủy sản) cũng được tổ chức. Trong đó tập trong triển khai ngay việc dọn dẹp vệ sinh, chuẩn bị nguồn lực, trang thiết bị, cây giống, con giống cần thiết để khôi phục sản suất.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, thời gian từ nay đến hết năm không nhiều, do đó, dựa trên kết quả khảo sát thực tế, Bộ đã chỉ đạo các địa phương lựa chọn lại các loại cây trồng và vật nuôi phù hợp để triển khai xuống giống. Các đối tượng sản xuất được chọn phải đáp ứng nhu cầu thị trường, có đầu ra ổn định và phù hợp với thời vụ…

“Trên cơ sở kinh nghiệm phục hồi sản xuất từ những năm trước, chúng tôi tin tưởng rằng, với việc thực hiện nghiêm túc Công điện số 100/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp nhanh chóng phục hồi sản xuất nông nghiệp sau bão số 3 và mưa lũ và tổ chức triển khai các giải pháp mà Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo, cuộc sống của bà con nông dân tại các vùng bị bão lũ sẽ sớm được khôi phục và ổn định…” Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.

Khẩn trương xử lý sự cố sạt lở  (Ảnh: TTXVN)9 tháng kim ngạch xuất khẩu đạt 84% kế hoạch năm

Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho biết, 9 tháng đầu năm 2024, mặc dù ngành Nông nghiệp chịu nhiều tác động từ dịch bệnh, hạn hán và biến động thị trường. Riêng tháng 9, bão số 3 và mưa lớn kéo dài trên diện rộng ở miền Bắc đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản.

Theo tính toán của các chuyên gia, tốc độ tăng giá trị sản xuất toàn Ngành 9 tháng đầu năm 2024 khoảng 3,1 - 3,2% (thấp hơn mức 3,42% của 9 tháng đầu năm 2023)

Tuy nhiên, xuất khẩu nông lâm thủy sản 9 tháng đầu năm 2024 đạt kết quả khá với kim ngạch 46,28 tỷ USD, tăng 21%. Trong đó, nông sản đóng góp 24,85 tỷ USD, tăng 27,7%; lâm sản 12,46 tỷ USD, tăng 20,3%; thủy sản 7,23 tỷ USD, tăng 9,5%; và chăn nuôi đạt 376 triệu USD, tăng 3,8%.

Lý giải vì sao xuất khẩu vẫn giữ nhịp độ tăng trưởng cao trong bối cảnh ngành Nông nghị bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 3 và mưa lũ, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, xuất khẩu nông nghiệp từ trước đến nay chủ yếu tập trung tại các khu vực miền Nam và miền Trung, nơi có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sản xuất và phát triển các mặt hàng nông sản chủ lực.

“Vì vậy, mặc dù bão lũ đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là bão số 3 ở các tỉnh miền núi phía Bắc, nhưng nhờ sự phân bổ sản xuất chủ yếu ở miền Nam và miền Trung, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp vẫn được đảm bảo duy trì ổn định. Thậm chí, trong tháng 9/2024, xuất khẩu nông nghiệp còn ghi nhận mức tăng trưởng cao hơn so với các tháng trước…”- Thứ trưởng cho hay.

Đặc biệt, trong 9 tháng đầu năm, giá trị thặng dư thương mại ngành nông nghiệp đạt 13,9 tỷ USD, tăng 71% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu một thành tựu nổi bật trong bối cảnh ngành này phải đối mặt với nhiều thách thức từ thiên tai và biến động thị trường.

“Những kết quả này là cơ sở vững chắc để dự báo rằng 3 tháng cuối năm 2024 sẽ là thời điểm thuận lợi để tiếp tục đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu nông sản, duy trì đà tăng trưởng ấn tượng mà ngành nông nghiệp đã đạt được từ đầu năm đến nay…”- Thứ trưởng nhận định.

Nhiều yếu tố lạc quan…Xuất khẩu nông lâm thủy sản 9 tháng đầu năm 2024 đạt kết quả khá với kim ngạch 46,28 tỷ USD, tăng

Nhận định về về khả năng “về đích” của ngành Nông nghiệp 3 tháng cuối năm, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến quả quyết: “Mặc dù chịu ảnh hưởng của bão số 3, nhưng chúng tôi rất lạc quan về các chỉ tiêu đạt được trong ngành nông nghiệp…”

Dẫn chứng cho nhận định này, Thứ trưởng cho biết, điều này thể hiện rõ qua sản lượng thu hoạch lúa gạo trên toàn quốc đạt 34 triệu tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt 6,13 triệu tấn, tăng 4,8%…

“Mặc dù bão số 3 gây thiệt hại không nhỏ cho hoạt động chăn nuôi gia cầm tại một số tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng, nhưng nhìn chung đàn gia cầm trên cả nước vẫn phát triển ổn định, đặc biệt ở các doanh nghiệp quy mô lớn. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã tăng cường phát triển các tỉnh có quy mô chăn nuôi lớn để bù đắp cho những khu vực bị ảnh hưởng, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc…”- Thứ trưởng cho hay.

Về sản xuất thủy sản, dù các tỉnh ven biển phía Bắc chịu ảnh hưởng nặng nề từ bão số 3, nhưng nhờ kết quả khả quan từ các địa phương trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hoạt động nuôi trồng thủy sản cả nước trong 9 tháng đầu năm 2024 vẫn giữ được sự ổn định.

“Nếu chúng ta khôi phục sản xuất kịp thời và lựa chọn những đối tượng phù hợp với thời điểm, khả năng duy trì đà tăng trưởng trong năm 2024 sẽ đạt từ 3,2-4%…- Thứ trưởng quả quyết.

Đồng thời chia sẻ thêm, toàn ngành nông nghiệp hiện đã thống nhất chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, từ phát triển đơn ngành sang hợp tác đa ngành, đẩy mạnh tích hợp đa giá trị trong các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, hướng đến phát triển các chuỗi ngành hàng thay vì chỉ tập trung vào chuỗi cung ứng nông sản…

Nhập khẩu thịt lần đầu tiên vượt mốc 1 tỷ USD (ảnh: HG)

Nhập khẩu thịt lần đầu tiên vượt mốc 1 tỷ USDTrong 9 tháng đầu năm, bên cạnh những kết quả ấn tượng về xuất khẩu, kim ngạch nhập khẩu của ngành Nông nghiệp cũng đạt 32,4 tỷ USD, trong đó nhập khẩu thịt lần đầu tiên vượt mốc 1 tỷ USD.Lý giải về con số này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Việt Nam buộc phải mở cửa thị trường, tạo điều kiện thúc đẩy chất lượng sản xuất và cập nhật các tiến bộ khoa học công nghệ. Mọi sản phẩm nhập khẩu phải tuân thủ các tiêu chí nghiêm ngặt, gắn liền với quy định về luật thú y.“Nếu đáp ứng đủ điều kiện, chúng ta sẵn sàng mở cửa, nhưng không thể dễ dãi trong việc nhập khẩu, nhằm đảm bảo không để ngành chăn nuôi trở thành "bãi rác thải" của khu vực và thế giới. Đây là nguyên tắc cốt lõi và bất di bất dịch đối với ngành chăn nuôi…”- Thứ trưởng khẳng định.Về phía ngành chăn nuôi trong nước, Thứ trưởng cho biết, đây là ngành có quy mô rất lớn, nếu không duy trì phát triển ngành chăn nuôi, sẽ rất khó để đạt được mức tăng trưởng chung cho toàn ngành Nông nghiệp…“Chúng ta cũng phải kiên quyết chống buôn lậu gia cầm ở phía Bắc và lợn ở phía Nam để bảo vệ quy mô và tốc độ tăng trưởng của ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm trong nước. Đồng thời, cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng việc nhập khẩu. Mặc dù thời gian qua đã có những rà soát và đạt được những cải thiện nhất định, nhưng vẫn cần phải làm mạnh mẽ và triệt để hơn, vừa đảm bảo hiệu quả sản xuất trong nước, vừa đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế…”- Thứ trưởng nhấn mạnh.