CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Thông tin bất nhất về đàm phán Mỹ-Trung gây hỗn loạn

Invest Global 09:35 26/04/2025

Thông tin từ phía Hoa Kỳ khẳng định rằng các cuộc đàm phán về thuế quan đang diễn ra với Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh phủ nhận điều này.

Thuế quan Trump đang đe dọa làm suy yếu tăng trưởng toàn cầu. Ảnh minh họa của Reuters

Đây là tín hiệu mới nhất trong một loạt các tín hiệu mâu thuẫn về cuộc đàm phán nhằm hạ nhiệt cuộc chiến thương mại đang đe dọa làm suy yếu tăng trưởng toàn cầu.

Ông Trump nói với tạp chí TIME rằng các cuộc đàm phán đang diễn ra và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gọi điện cho ông, một lời khẳng định mà ông lặp lại với các phóng viên khi ông rời Nhà Trắng vào sáng thứ Sáu để đến Rome dự tang lễ của Giáo hoàng Francis.

"Trung Quốc và Hoa Kỳ không có bất kỳ cuộc tham vấn hay đàm phán nào về thuế quan", Trung Quốc phản pháo trong một tuyên bố của Bộ Ngoại giao do Đại sứ quán Trung Quốc tại Hoa Kỳ đăng tải.

"Hoa Kỳ nên ngừng tạo ra sự hỗn loạn", tuyên bố nhấn mạnh.

Ông Trump, phát biểu sau đó với các phóng viên trên Không lực Một vào hôm thứ Sáu, cho biết sẽ là một chiến thắng nếu Trung Quốc mở cửa thị trường cho các sản phẩm của Hoa Kỳ và thuế quan có thể khiến điều đó xảy ra.

"Các bạn biết đấy, hãy để chúng tôi vào và làm việc với Trung Quốc", ông nói. "Điều đó thật tuyệt. Đó sẽ là một chiến thắng lớn, nhưng tôi thậm chí không chắc mình sẽ yêu cầu điều đó vì họ không muốn mở cửa".

Các phát biểu trên làm tăng thêm sự không chắc chắn xung quanh chính sách thuế quan thất thường của ông Trump, không chỉ với Trung Quốc mà còn tới hàng chục quốc gia đang cố gắng đạt được thỏa thuận riêng của họ để giảm bớt gánh nặng thuế nhập khẩu lớn mà ông đã áp dụng kể từ khi trở lại Nhà Trắng vào tháng 1.

Nhóm đàm phán của ông đã tiến hành một vòng đàm phán thương mại chớp nhoáng với các quan chức nước ngoài tới Washington trong tuần này để tham dự các cuộc họp mùa xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Nhóm Ngân hàng Thế giới.

Tờ Wall Street Journal, trích dẫn những người giấu tên quen thuộc với vấn đề này, đã đưa tin rằng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ đặt mục tiêu hợp lý hóa quy trình bằng cách đưa ra các danh mục chung để đàm phán: thuế quan và hạn ngạch; rào cản phi thuế quan đối với thương mại, chẳng hạn như các quy định đối với hàng hóa của Hoa Kỳ; thương mại kỹ thuật số; quy tắc xuất xứ đối với sản phẩm; an ninh kinh tế và các vấn đề thương mại khác.

Họ cũng có kế hoạch tập trung vào danh sách 18 quốc gia đã nộp đề xuất bằng văn bản.

Một quan chức của USTR nói với Reuters rằng họ đang "làm việc theo một khuôn khổ có tổ chức và chặt chẽ và tiến triển nhanh chóng với các đối tác thương mại sẵn sàng [đàm phán]".

Quan chức này cho biết chính quyền đã nêu rõ các mục tiêu của Hoa Kỳ với các quốc gia khác và có "cảm nhận rất tốt về những gì họ có thể cung cấp".

Nhưng trong khi các quan chức của ông Trump, bao gồm Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent, đã đưa ra những dấu hiệu về tiến triển nhanh chóng, thì nhiều đối tác của họ lại thận trọng hơn và bộ trưởng tài chính nhiều nước đang cố gắng hành động để giảm thiểu rủi ro do thuế quan gây ra.

"Tôi rời khỏi những cuộc họp này với cảm nhận rõ ràng về mọi thứ đang bị đe dọa và những rủi ro đối với việc làm, tăng trưởng, mức sống trên toàn thế giới", Bộ trưởng Tài chính Ireland Paschal Donohoe nói với Reuters.

"Các cuộc họp ở đây ... đã nhắc nhở tôi về lý do tại sao chúng ta cần phải tìm mọi cách trong vài tuần và vài tháng tới để có thể giảm bớt sự không chắc chắn đó".

Thương chiến giảm nhiệt

Mặc dù đã rõ ràng về việc liệu các thỏa thuận có thực sự được ký kết để tránh việc áp dụng mức thuế quan cao hơn vào đầu tháng 7 hay không, nhưng đã có dấu hiệu cho thấy một số động thái giảm leo thang thương chiến.

Trung Quốc bắt đầu miễn thuế cho một số mặt hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ. Ảnh minh họa của Reuters

Trung Quốc đã miễn một số mặt hàng nhập khẩu của Hoa Kỳ khỏi mức thuế quan cao của mình khi các nhóm doanh nghiệp cho biết Bắc Kinh đã cho phép một số dược phẩm do Hoa Kỳ sản xuất vào nước này mà không phải trả mức thuế 125% mà Bắc Kinh đã áp dụng vào đầu tháng này để đáp trả mức thuế 145% của ông Trump đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc.

Ngoài ra, một danh sách gồm 131 danh mục sản phẩm được cho là đang được xem xét miễn trừ đã được lưu hành trong một số doanh nghiệp và các nhóm thương mại.

Reuters không thể xác minh danh sách này, bao gồm vắc-xin, hóa chất và động cơ phản lực, và Trung Quốc vẫn chưa công khai thông báo về vấn đề này.

Trong những ngày gần đây, chính quyền Trump cũng đã ra tín hiệu rằng họ đang tìm cách xoa dịu căng thẳng với Trung Quốc, với Bessent cho biết cả hai bên đều coi tình hình hiện tại là 'không thể tiếp tục duy trì'.

Trong khi đó, ông Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng rằng ông đã rất gần với một thỏa thuận với Nhật Bản.

Các nhà phân tích coi đó là một "ca mẫu" đối với các hiệp định thương mại song phương khác, mặc dù các cuộc đàm phán có thể vẫn còn khó khăn.

Một số người mong đợi Thủ tướng Shigeru Ishiba và ông Trump sẽ công bố một hiệp ước khi họ gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Canada vào tháng 6 tới.

Ông Trump cũng nói với tạp chí TIME rằng ông đã thực hiện "200 thỏa thuận" và chúng sẽ được hoàn thành trong vòng ba đến bốn tuần tới, mặc dù ông từ chối cung cấp thông tin chi tiết.

Ông cho biết đó sẽ là "chiến thắng toàn diện" nếu thuế quan vẫn ở mức 20% đến 50% trong vòng một năm kể từ bây giờ.

Ông Trump đã lập luận rằng các rào cản thương mại của ông sẽ hồi sinh các ngành sản xuất của Hoa Kỳ đã bị khoét rỗng bởi sự cạnh tranh toàn cầu.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế cảnh báo rộng rãi rằng thuế quan sẽ dẫn đến giá cao hơn cho người tiêu dùng Hoa Kỳ và làm tăng nguy cơ suy thoái.

Cổ phiếu Hoa Kỳ đóng cửa ở mức giá cao hơn vào hôm thứ Sáu, mặc dù đã giảm khoảng 10% kể từ khi ông Trump trở lại nhiệm sở vào tháng 1, tụt hậu so với các chỉ số ở các quốc gia khác, trong khi đồng USD đã giảm với tốc độ chưa từng có.

Thuế quan Trump đã chi phối các cuộc thảo luận tại các cuộc họp của IMF trong tuần này, nơi bộ trưởng tài chính các nước đã hướng tới các cuộc họp riêng với Bộ trưởng tài chính Hoa Kỳ.

Bessent mô tả các cuộc đàm phán ban đầu với Hàn Quốc là "rất thành công" vào thứ hôm Năm, trong khi Seoul gọi đó là một "sự khởi đầu tốt". Các cuộc thảo luận tiếp theo được lên lịch vào tuần tới.

Thụy Sĩ cũng cho biết họ hài lòng với cuộc họp ban đầu với Bessent.

Văn phòng thương mại Hoa Kỳ cho biết họ "liên tục tham gia" với Nhật Bản và các quốc gia khác, nhưng cho biết ông Trump là người cuối cùng sẽ quyết định liệu họ có tiếp tục đàm phán hay không.

Có rất ít dấu hiệu tiến triển rõ ràng với các quốc gia khác, bất chấp sự thúc giục của người đứng đầu IMF Kristalina Georgieva, người đã cảnh báo vào đầu tuần này rằng thuế quan có thể gây ra sự suy thoái nghiêm trọng trong tăng trưởng toàn cầu.

Quốc tế