CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Thúc đẩy phát triển đô thị thông minh bền vững đến năm 2030

Invest Global 14:57 29/12/2022

(Xây dựng) – Tại Việt Nam, phát triển đô thị thông minh chính là một trong những động lực quan trọng để thực hiện mục tiêu trở thành một nước công ngh

(Xây dựng) – Tại Việt Nam, phát triển đô thị thông minh chính là một trong những động lực quan trọng để thực hiện mục tiêu trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập cao vào năm 2045.

Thúc đẩy phát triển đô thị thông minh bền vững đến năm 2030 Tại Hàn Quốc, Dự án VKC được tổng kết hoạt động năm 2022.

Trong năm 2022, dự án “Thành lập Trung tâm hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng” (Dự án VKC) do Chính phủ Hàn Quốc viện trợ không hoàn lại đã được triển khai hiệu quả. Dự án VKC nhằm mục đích thành lập một trung tâm chuyên nghiệp thúc đẩy nghiên cứu và đào tạo về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng tiên tiến để đóng góp vào sự phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam.

Qua đó, từng bước cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển đô thị thông minh bền vững đến năm 2030 và tăng cường mối quan hệ giữa Việt Nam - Hàn Quốc nói chung, giữa Bộ Xây dựng Việt Nam – Bộ Đất đai, hạ tầng, Giao thông Hàn Quốc nói riêng.

Bộ Xây dựng đã giao cho Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (AMC) làm Chủ Dự án. AMC đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan phía Việt Nam như: Cục Phát triển đô thị, Vụ Quy hoạch kiến trúc, Vụ Hợp tác quốc tế và các đơn vị phía Hàn Quốc như Viện Công nghệ Xây dựng Hàn Quốc (KICT), Viện Nghiên cứu định cư con người Hàn Quốc (KRIHS); Tập đoàn đất đai và nhà ở Hàn Quốc (LH); Cơ quan công nghệ hạ tầng tiên tiến Hàn quốc (KAIA) triển khai Dự án theo nội dung Văn kiện Dự án được phê duyệt và thống nhất với Nhà tài trợ.

Đến nay cả 4 hợp phần chính của Dự án là: Xây dựng Hướng dẫn về đô thị thông minh tại Việt Nam; Thí điểm lập quy hoạch tổng thể đô thị thông minh; Thành lập Trung tâm VKC (Trung tâm Hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc về Đô thị thông minh và Công nghệ xây dựng) và Tăng cường năng lực đào tạo, trao đổi công nghệ và hợp tác đào tạo công nghệ về đô thị thông minh đều được tích cực triển khai.

Tiêu biểu là sự kiện Lễ triển khai Dự án chính thức (ngày 11/10/202) được tổ chức thành công, hỗ trợ KAIA để triển khai hoạt động B2B, thiết lập và vận hành phòng họp thông minh tại Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng).

Nằm trong chuỗi hoạt động của dự án, từ ngày 16/10 đến 22/10/2022, các đơn vị KICT và AMC đã phối hợp xây dựng, tổ chức chương trình học tập, chia sẻ kinh nghiệm về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng tại Hàn Quốc.

Thúc đẩy phát triển đô thị thông minh bền vững đến năm 2030 Đoàn công tác của Bộ Xây dựng trong chương trình học tập, chia sẻ kinh nghiệm phát triển đô thị thông minh tại Hàn Quốc (Ảnh: Học viện AMC).

Ngay sau khi văn kiện Dự án được phê duyệt, nhiều nội dung nghiên cứu đã được các đơn vị phía Hàn Quốc triển khai thực hiện. Nhiều kinh nghiệm của nước bạn về phát triển đô thị thông minh được chia sẻ và bước đầu có một số khuyến nghị so với bộ chỉ số công nhận đô thị thông minh tại Việt Nam.

Các kinh nghiệm này được lồng ghép trong các giải pháp công nghệ, hướng tiếp cận mới để thí điểm vào một khu vực Quy hoạch phân khu đã được đặt ra và bước đầu đã lựa chọn được địa bàn để thí điểm tại Việt Nam. Trên cơ sở các định hướng khuyến nghị về việc hoàn thiện pháp lý, thí điểm vào quy hoạch đô thị của Việt Nam, các mô hình, giải pháp công nghệ cụ thể, chi tiết sẽ được trình diễn tại Trung tâm hợp tác Việt - Hàn (VKC).

Mô hình thiết kế Trung tâm VKC bước đầu đã được chuyên gia Hàn Quốc phối hợp với Việt Nam đưa ra ý tưởng, từng bước hoàn thiện thiết kế để triển khai đầu tư lắp đặt. Kết quả nghiên cứu sẽ được tích hợp vào nội dung chương trình và tài liệu đào tạo về đô thị thông minh, dự kiến sẽ triển khai đào tạo bồi dưỡng thí điểm trong năm 2023 tại các đơn vị, địa phương của Việt Nam.

Đây cũng được coi là bước tiến quan trọng để hiện thực hóa Đề án 950 của Chính phủ về phát triển đô thị Việt Nam thông minh bền vững giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030 (theo Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018).

Việc Việt Nam tiếp nhận nguồn vốn viện trợ không hoàn lại từ Chính phủ Hàn Quốc cho lĩnh vực phát triển đô thị thông minh qua Dự án VKC thực sự cần thiết và hữu ích trong bối cảnh nước ta đang ở giai đoạn đầu xây dựng đô thị thông minh.

Dự án sẽ hỗ trợ cho việc xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước, chiến lược phát triển ngành, công tác lập quy hoạch phát triển đô thị trên toàn quốc theo hướng bền vững qua các nội dung: Xây dựng hướng dẫn về đô thị thông minh và thí điểm áp dụng quy trình công nhận đô thị thông minh. Thực hiện thí điểm thành công quy hoạch tổng thể đô thị thông minh.

Đồng thời, tăng cường năng lực, trao đổi và hợp tác đào tạo công nghệ về đô thị thông minh để tiến tới hình thành được chuỗi đô thị thông minh trên phạm vi cả nước vào năm 2030.

Thời gian tới đây sẽ có nhiều hoạt động tăng cường năng lực đào tạo, trao đổi công nghệ về đô thị thông minh. Các hoạt động hữu ích sẽ góp phần quan trọng để Việt Nam đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật về phát triển đô thị thông minh, ứng dụng công nghệ xây dựng, quản lý tốt để đô thị Việt Nam phát triển bền vững trong tương lai.

Môi trường kinh doanh