CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Thụy Sỹ mong muốn Việt Nam cũng cấp đầu vào cho ngành sản xuất cà phê

Invest Global 10:01 28/04/2023

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã tiếp song phương Bộ trưởng Nông nghiệp Thụy Sỹ Christian Hofer, khi ông đến thăm Việt Nam nhân dịp tổ chức Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 Hệ thống lương thực thực phẩm bền vững - mạng lưới Một

thuy sy mong muon viet nam cung cap dau vao cho nganh san xuat ca phe Bộ trưởng Lê Minh Hoan tiếp song phương Ngài Christian Hofer - Bộ trưởng Nông nghiệp Thụy Sỹ.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá cao vai trò của Thụy Sỹ trong các hoạt động đảm bảo an ninh lương thực bền vững trên toàn cầu cũng như những hợp tác với Việt Nam trong thời gian qua, và tin tưởng rằng đây cũng là dịp để hai bên thúc đẩy hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực tiềm năng là nông nghiệp và thương mại.

Ngài Christian Hofer chia sẻ, 20 năm trước ông đã sang Việt Nam và lần này, ông thực sự bất ngờ trước những thay đổi, phát triển thần kỳ của đất nước Việt Nam.

“Thụy sỹ nổi tiếng với cà phê, Việt Nam là vùng sản xuất cà phê trọng điểm trên thế giới. Thụy Sỹ mong muốn cà phê Việt Nam sẽ là đầu vào cho ngành sản xuất cà phê của chúng tôi, nhất là cà phê nhân”, Bộ trưởng Thụy Sỹ cho biết.

Ngài Christian Hofer rất vui mừng tham dự sự kiện thương đỉnh lần này để tiếp tục có cơ hội thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác với Việt Nam trong mạng lưới toàn cầu về phát triển lương thực… Ông đánh gia cao khi Việt Nam tham gia vào Ban cố vấn mạng lưới lương thực thực phẩm bền vững.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Việt Nam đang chuyển đổi từ tư duy an ninh lương thực không còn đói đến an ninh lương thực an toàn dinh dưỡng và tăng cường khả năng tiếp cận của người dân.

“Việt Nam mong muốn được học hỏi thêm các sáng kiến của các quốc gia đi trước. Tôi cũng nhất trí quan điểm, hội nghị này không những tạo ra hệ thống lương thực thực phẩm bền vững mà còn chống thất thoát lãng phí trong việc sử dụng lương thực thực phẩm, sử dụng truyền thông để thay đổi được phương thức canh tác; phương thức sử dụng lương thực thực phẩm trong đời sống người dân.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá cao quan hệ kinh tế giữa hai nước đang phát triển tích cực, với kim ngạch thương mại song phương năm 2022 đạt khoảng 806 triệu USD (trong đó xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản năm 2022 đạt 55 triệu USD).

Thụy Sỹ hiện là nhà đầu tư châu Âu lớn thứ 6 tại Việt Nam với tổng đầu tư khoảng 2 tỷ USD, tập trung vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện lực, chế biến nông sản. Tôi cho rằng hiện còn nhiều dư địa tăng cường hợp tác.

Bộ Trưởng đề nghị phía Thụy Sỹ tạo điều kiện thuận lợi và ủng hộ các doanh nghiệp Thụy Sỹ đầu tư kinh doanh lâu dài tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực Thụy Sỹ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như chế biến nông sản, chế biến thực phẩm… Việt Nam sẵn sàng trở thành cầu nối để Thụy Sỹ tiếp cận và mở rộng thị trường tại khu vực ASEAN.

Việt Nam có lợi thế về sản xuất và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam hiện đứng thứ 15 trên thế giới, năm 2022 đạt 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021, thặng dư thương mại trên 8,5 tỷ USD. Việt Nam trở thành nguồn cung cho thị trường cà phê thế giới.

Đồng thời, Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng với gần 100 triệu dân, có mức tăng trưởng kinh tế ổn định 6 - 7%/năm. Việt Nam cũng là cửa ngõ cho thị trường Đông Nam Á với 650 triệu dân, với nền kinh tế phát triển rất năng động.

Hơn 20 năm qua, hợp tác Việt Nam - Thụy Sỹ trong lĩnh vực nông nghiệp duy trì và phát triển tích cực. Chính phủ Thụy Sỹ đã dành cho ngành nông nghiệp Việt Nam (thông qua nhiều chương trình, dự án) triển khai đúng tiến độ, mục tiêu, sử dụng hiệu quả.

“Chương trình hợp tác của Việt Nam và Thụy Sỹ giai đoạn 2021 - 2024” (trị giá 70 triệu franc Thụy Sỹ, gần 76 triệu USD) với mục tiêu hỗ trợ Việt Nam đạt tăng trưởng bền vững và theo định hướng thị trường và đề nghị hai bên tiếp tục phối hợp triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ cho ngành nông nghiệp, xây dựng chuỗi giá trị các mặt hàng nông sản đạt tiêu chuẩn cao tiếp cận với thị trường quốc tế, trước tiên là thị trường Thụy Sỹ.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, ông vừa tiếp đón đoàn doanh nghiệp Việt kiều ở Thụy Sỹ, các doanh nghiệp này đề nghị thành lập “Trung tâm chứng nhận hữu cơ Việt Nam” để sự giao thương nông sản đến được Thụy Sỹ, từ đó lan tỏa sang các thị trường khác.

Dự án hướng tới cung cấp dịch vụ đào tạo, kiểm tra và chứng nhận cho nông dân, nhà sản xuất thực phẩm, xây dựng nhân Bio tại Việt Nam và thúc đẩy thực hành nông nghiệp hữu cơ và bền vững tại Việt Nam. Bộ trưởng đề nghị Thụy Sỹ hỗ trợ, xúc tiến đẩy mạnh thành lập Trung tâm này.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị Thụy Sỹ hỗ trợ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, thích ứng giảm nhẹ biến đổi khí hậu, chống ngập mặn, quản lý tài nguyên nước hiệu quả. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất trọng điểm của Việt Nam với sản phẩm lúa gạo.

Việt Nam tự tin tham gia thị trường lúa gạo và an ninh lương thực cũng từ vùng sản xuất trọng điểm này. Tuy nhiên, trong những năm qua, vấn đề biến đổi khí hậu đang xảy ra đặc biệt nghiêm trọng tại khu vực này.

Bộ trưởng cũng đề nghị Thụy Sỹ quan tâm xây dựng các chương trình hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam để đáp ứng các tiêu chuẩn mới đối với hàng xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam, tiếp cận với thị trường quốc tế, xây dựng phát triển chuỗi ngành hàng. Trong đó, có trung tâm chứng nhận nông sản hữu cơ Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, hỗ trợ cách tiếp cận liên kết chuỗi giá trị nông sản, hỗ trợ kỹ thuật cho các tổ chức doanh nghiệp tư, cơ sở sản xuất, hợp tác xã sản xuất giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp tư nhân nhằm đưa được các thương hiệu nông sản đặc sản của Việt Nam ra thế giới. Tăng cường kết nối doanh nghiệp và thúc đẩy đầu tư từ các doanh nghiệp Thụy Sỹ trong lĩnh vực nông nghiệp vào Việt Nam.

Môi trường kinh doanh