CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Tích cực khai thác vốn ngoại hỗ trợ nền kinh tế

Invest Global 11:40 17/12/2021

Những tháng cuối năm 2021, ngân hàng đón nhiều thông tin tích cực, trong đó nổi lên nhiều thương vụ vay vốn quốc tế thành công.

Theo nguồn tin từ GlobalCapitalAsia, VietinBank sẽ nhận khoản vay hợp vốn giá trị 1 tỷ USD từ 20 bên. Đây cũng là thương vụ vay hợp vốn thứ hai của VietinBank trong năm nay, sau khoản vay 790 triệu USD vào tháng 8/2021.

Hồi đầu tháng 10/2021, Techcombank cũng huy động khoản vay hợp vốn nước ngoài lên tới 800 triệu USD với quy mô và cấu trúc mang tính vượt trội đối với thị trường ngân hàng tại Việt Nam. Đây là lần thứ hai Techcombank tiếp cận thị trường cho vay hợp vốn quốc tế sau khi đã rất thành công với khoản vay hợp vốn đầu tiên của mình vào năm 2020. Một ngân hàng nữa đẩy mạnh vay quốc tế là HDBank. Ngân hàng này nhận khoản vay hợp vốn 71 triệu USD do Mega Bank thu xếp, nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid. Ngân hàng này cũng nhận 50 triệu USD từ Proparco - Tổ chức Tài chính Phát triển của Pháp để cho vay phát triển các dự án xanh tại Việt Nam.

tich cuc khai thac von ngoai ho tro nen kinh te Uy tín cải thiện giúp ngân hàng Việt vay vốn nước ngoài với lãi suất thấp

Trước đó, nhiều ngân hàng cũng đã huy động vay hợp vốn thành công từ nước ngoài như: VPBank và SMBC đạt thỏa thuận ký kết khoản vay hợp vốn cùng sự tham gia của bốn ngân hàng quốc tế là CTBC Bank, Hua Nan Commercial Bank, State Bank of India, First Commercial Bank và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) với tư cách là các bên cho vay, tổng giá trị món vay là 300 triệu USD… Tại khu vực Đông Nam Á, năm 2021, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan, nằm trong top các nước dẫn đầu khu vực khoản vay hợp vốn.

Không chỉ vậy, các ngân hàng còn tích cực khai thác nguồn vốn rẻ quốc tế thông qua hoạt động phát hành trái phiếu. Đơn cử giữa tháng 10/2021, HĐQT HDBank đã thông qua nghị quyết triển khai phương án phát hành riêng lẻ trái phiếu cho nhà đầu tư quốc tế thêm 300 triệu USD.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, việc các ngân hàng tích cực tìm kiếm nguồn vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế là hướng đi phù hợp bởi nguồn vốn huy động ngoại tệ trong nước cũng ngày càng thu hẹp. Đơn cử, tại Techcombank hết quý III/2021 dư nợ cho vay USD quy đổi của ngân hàng này là hơn 16.000 tỷ đồng, nhưng tiền gửi khách hàng chỉ gần 12.000 tỷ đồng. Tình trạng này cũng diễn ra ở khá nhiều ngân hàng khác.

Nguyên do nguồn vốn huy động ngoại tệ giảm mạnh, theo nhận định của một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, số ngoại tệ trong dân còn rất ít. Vì trần lãi suất tiền gửi USD đã giảm về 0% từ năm 2015 đến nay; đặc biệt thời gian qua tỷ giá khá ổn định, khiến đa phần lượng ngoại tệ trong dân dưới dạng kiều hối, cho tặng… đã được người dân quy đổi sang VND để chi tiêu, đầu tư.

Trong khi các ngân hàng trong nước vẫn phải cho vay ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Hiện nền kinh tế đang trên đà phục hồi tích cực nên dự báo giai đoạn tới nhu cầu vốn kinh doanh cao hơn. Do vậy, các ngân hàng đẩy mạnh tìm kiếm nguồn vốn từ các tổ chức nước ngoài để có thêm dư địa hỗ trợ khách hàng.

“Vay vốn nước ngoài với lãi suất thấp trong khi tiền đồng giữ giá trị là yếu tố thuận lợi đối với các ngân hàng Việt và các tổ chức phát hành quốc tế”, vị chuyên gia này đánh giá.

Lãnh đạo một số ngân hàng cũng cho biết, mục tiêu của ngân hàng khi vay vốn, phát hành trái phiếu ở nước ngoài đa phần nhằm tranh thủ huy động nguồn vốn rẻ để có thể hỗ trợ nền kinh tế dài hơi hơn. Chia sẻ về khoản vay hợp vốn 800 triệu USD, ông Trịnh Bằng - Giám đốc Tài chính Tập đoàn kiêm Giám đốc Khối Chiến lược và Phát triển Techcombank cho biết, Techcombank có thể tăng mức độ sẵn sàng hỗ trợ cho các nhu cầu vay vốn trung và dài hạn của khách hàng dựa trên nguồn vốn trung và dài hạn dồi dào.

Tương tự, đại diện HDBank cho biết, nguồn vốn mới sẽ giúp HDBank nâng cao hơn nữa tiềm lực tài chính. Đồng thời vốn huy động với chi phí thấp trên thị trường quốc tế sẽ bổ sung vào nguồn cho vay trung, dài hạn và đầu tư theo chiến lược phát triển 2021-2025.

Còn theo lãnh đạo VPBank, toàn bộ gói hỗ trợ tài chính quốc tế cùng SMBC sẽ được sử dụng cho vay mới đối với những khách hàng gặp khó khăn gián đoạn dòng tiền bởi đại dịch Covid-19, hỗ trợ nhóm khách hàng DNNVV, đặc biệt là các doanh nghiệp có phụ nữ làm chủ.

Việc các ngân hàng liên tục huy động được nguồn vốn ngoại với giá trị lớn được đánh giá rất tích cực chứng tỏ uy tín của các ngân hàng Việt Nam trên thị trường vốn quốc tế ngày càng được củng cố. Minh chứng là tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings vừa thông báo điều chỉnh nâng đánh giá Sức mạnh độc lập của hai ngân hàng Vietcombank và VietinBank, đồng thời, nâng xếp hạng tín nhiệm Nhà phát hành nợ dài hạn của ACB. Mới đây nhất, VPBank vừa được tổ chức xếp hạng tín nhiệm thế giới Moody’s nâng mức đánh giá tín dụng cơ sở (BCA) từ B1 lên Ba3, ngang với xếp hạng quốc gia Moody’s dành cho Việt Nam, với triển vọng tích cực.