CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Tiền đồng bị định giá thấp, rủi ro gắn mác 'thao túng tiền tệ' cho Việt Nam tăng

Invest Global 09:35 01/09/2020

(TBKTSG Online) - Việc tiền đồng bị định giá thấp hơn khoảng 4.7% so với đồng đô la Mỹ trong năm 2019 có thể khiến Việt Nam một lần nữa đối mặt với rủi ro trở thành nước thao túng tiền tệ, theo đánh giá của Bộ Tài chính Mỹ.

Hãng tin Reuters mới đây đưa tin Bộ Tài chính Mỹ cho rằng tiền đồng của Việt Nam bị định giá thấp hơn khoảng 4,7% so với đồng đô la Mỹ trong năm 2019 do có sự can thiệp của Chính phủ, trong một đánh giá liên quan đến cuộc điều tra chống trợ cấp của Bộ Thương mại đối với việc nhập khẩu lốp xe từ Việt Nam.

Đây cũng là lần đầu tiên Bộ Thương mại Mỹ coi việc định giá thấp tiền tệ là một hình thức trợ cấp khi xác định thuế chống trợ cấp, theo quy tắc mới được Bộ Tài chính ban hành.

 

Bộ Tài chính Mỹ xác định tiền của Việt Nam bị định giá thấp hơn khoảng 4.7% so với đồng đô la Mỹ trong năm 2019. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Việc định giá thấp nói trên, theo Bộ Tài chính Mỹ, là kết quả của hành động mua ròng 22 tỉ đô la Mỹ nhằm bổ sung dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong năm 2019.

Theo phân tích của Công ty Chứng khoán KBSec, điều tra này sẽ khiến rủi ro Việt Nam bị gắn mác “thao túng tiền tệ” tăng lên.

Nhìn chung, rủi ro bị gắn mác thao túng tiền tệ của Việt Nam là hiện hữu trong báo cáo sắp tới của Bộ Tài chính (dự kiến phát hành vào tháng 10/2020) khi Việt Nam đã vi phạm cả ba tiêu chí đánh giá trong năm 2019.

Dù vậy, quá khứ cho thấy Bộ Tài chính Mỹ không quá cứng nhắc bám theo ba tiêu chí trên trong việc đánh giá một quốc gia thao túng tiền tệ.

Trên thực tế, trong báo cáo gần đây nhất, Bộ Tài chính Mỹ nhận định rằng dự trữ ngoại hối của Việt Nam ở dưới mức tiêu chuẩn trong nhiều năm qua, tương đồng với đánh giá trước đó vào cuối năm 2018 của IMF rằng dự trữ của Việt Nam chỉ ở khoảng 76% mức dự trữ hợp lý.

Như vậy, Việt Nam có nhu cầu thiết thực và chính đáng để gia tăng dự trữ ngoại hối, cải thiện sức khỏe của hệ thống tiền tệ, trong bối cảnh nguồn cung đô la dồi dào nhờ thặng dư thương mại, đầu tư FDI và kiều hối.

“Với cơ sở trên, chúng tôi đánh giá rủi ro Việt Nam bị gắn mác thao túng tiền tệ trong lần đánh giá tới đây của Bộ Tài Chính Mỹ ở mức trung bình. Trong kịch bản bị gắn mác thao túng tiền tệ, theo quy định hiện nay, Việt Nam vẫn sẽ có một năm để tiến hành đối thoại song phương với Mỹ để hai bên tiến hành trao đổi, thương lượng giải quyết vấn đề, trước khi các biện pháp trừng phạt từ phía Mỹ được kích hoạt”, KBSec cho biết.

Trong khi đó, theo một nhận định được đưa ra hồi tháng 6 của Ngân hàng ING (Hà Lan), trong thời điểm căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc được đẩy lên cao, công bằng mà nói quyết định xác định một quốc gia là nước thao túng tiền tệ trước tiên sẽ được Bộ Tài chính Mỹ cân nhắc đánh giá về những tác động địa chính trị.

Theo ước tính của ngân hàng này, Việt Nam, Thái Lan và Đài Loan được cho là đã chạm ngưỡng tiêu chí đánh giá của Mỹ và cả ba nơi này đều nằm ở vị trí địa lý kết nối với Trung Quốc.

“Việt Nam thường được coi là giải pháp thay thế cho Trung Quốc với tư cách là trung tâm cho chuỗi cung ứng của các công ty Mỹ. Một báo cáo truyền thông gần đây chỉ ra rằng Apple đã chuyển 30% sản lượng AirPods từ Trung Quốc sang Việt Nam. Nếu Mỹ tiếp tục với kế hoạch nới lỏng quan hệ kinh tế với Trung Quốc, việc chỉ định Việt Nam là nước thao túng có thể tự chuốc lấy thất bại. Về mặt tiền tệ, tiền đồng gần đây đã tăng giá sau cú sốc đại dịch ban đầu, có thể cho thấy việc can thiệp ngoại hối ít được thực hiện hơn,” ING nhận xét về khả năng “tránh” được rủi ro gắn mắc thao túng của Việt Nam.

Các tiêu chí được Bộ Tài chính Mỹ đánh giá nếu một quốc gia bị gắn mắc thao túng tiền tệ bao gồm thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ đạt ít nhất 20 tỉ đô la, thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP, và can thiệp một chiều kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất sáu tháng trên giai đoạn 12 tháng với tổng lượng ngoại tệ mua ròng tương đương ít nhất 2% GDP trong giai đoạn 12 tháng.

Theo KBSec, một số biện pháp Việt Nam có thể tiến hành để giảm thiểu rủi ro bị gắn mác thao túng tiền tệ từ Chính phủ Mỹ có thể bao gồm giải trình với Bộ Tài chính Mỹ về nhu cầu gia tăng dự trữ ngoại hối là cần thiết trong bối cảnh Việt Nam nhận được nhiều khuyến cáo của các tổ chức tài chính về thiếu hụt dự trữ ngoại hối.

Ngoài ra, Việt nam cần làm rõ chính sách của NHNN, hoàn toàn không sử dụng công cụ tỷ giá hay phá giá VND một cách có chủ ý để hỗ trợ xuất khẩu, và cải thiện tình trạng xuất siêu sang Mỹ thông qua việc cam kết mua thêm sản phẩm, hàng hóa Mỹ, đồng thời có các biện pháp hạn chế tối đa việc hàng hóa Trung Quốc vào Việt Nam nhằm tìm đường tới Mỹ. Bên cạnh đó, về lâu dài, NHNN sẽ cần phải ưu tiên sử dụng các công cụ khác của chính sách tiền tệ ngoài việc mua tăng dự trữ ngoại hối để hỗ trợ cho nền kinh tế.